Nhà máy xử lý rác ở Bình Thuận xây xong đóng cửa nằm chờ

Môi trường - Tài nguyên - Ngày đăng : 07:30, 09/08/2023

Nhà máy Xử lý rác Phan Thiết khởi công xây dựng 7 năm, qua nhiều lần gia hạn vẫn chưa đưa vào hoạt động chính thức khiến bãi rác lộ thiên phải tiếp nhận hàng trăm tấn rác mỗi ngày. Cứ sau những cơn mưa, con đường phía cuối bãi rác Bình Tú (thôn Tiến Bình, xã Tiến Thành, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) càng nhếch nhác, ô nhiễm hơn.

Tại TP Phan Thiết, mỗi ngày có khoảng 400 tấn rác thải đổ ra môi trường, tập trung là rác thải đô thị, chất thải rắn, chất thải từ chế biến hải sản… Tất cả đều được đưa về bãi rác Bình Tú. "Nắng cũng như mưa, mùi hôi từ bãi rác bốc lên kinh khủng lắm. Nhất là khi người ta đốt rác, khói cộng với mùi hôi thối khiến người lớn, trẻ nhỏ đều không chịu nổi" - ông Nguyễn Văn Hùng, có nhà cách bãi rác Bình Tú hơn 2 km nói.

Theo kế hoạch, bãi rác Bình Tú phải được đóng cửa từ năm 2010. Tuy nhiên, do Nhà máy Xử lý rác TP Phan Thiết chưa hoạt động, bãi rác rộng 26 ha này vẫn phải "gồng mình" tiếp nhận bình quân 400 tấn rác mỗi ngày.

Tháng 2/2023, Văn phòng Tỉnh ủy Bình Thuận thông báo kết luận của Thường trực Tỉnh ủy về việc đóng cửa bãi rác Bình Tú và đưa Nhà máy Xử lý rác TP Phan Thiết đi vào hoạt động.

Theo thông báo này, việc bãi rác Bình Tú phải gia hạn nhiều lần dẫn đến quá tải, gây ô nhiễm môi trường trong khu vực, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân và phát triển du lịch. Thường trực Tỉnh ủy đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh khẩn trương lập dự án xử lý ô nhiễm tại bãi rác này, phải chủ động thực hiện từ nguồn ngân sách tỉnh và vốn sự nghiệp môi trường. Song song đó phải khẩn trương đưa Nhà máy Xử lý rác TP Phan Thiết vào hoạt động.

nha-may-xu-ly-rac.jpg
Nhà máy Xử lý rác Phan Thiết đóng cửa sau khi vận hành thử nghiệm

Dự án Nhà máy Xử lý rác TP Phan Thiết tại xã Tiến Thành của Công ty TNHH Nhật Hoàng được UBND tỉnh Bình Thuận cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào tháng 5/2015, thay đổi lần 2 vào ngày 19/5/2020 với diện tích hơn 10 ha tại thôn Tiến Bình, xã Tiến Thành; tổng vốn đầu tư hơn 495 tỉ đồng.

Theo đăng ký của chủ đầu tư, dự án sẽ đi vào hoạt động tháng 6/2020, công suất xử lý khoảng 400 tấn rác thải/ngày, giải quyết cơ bản tình trạng rác thải tại Phan Thiết và một phần của huyện Hàm Thuận Nam. Tuy nhiên sau khi khởi công vào tháng 11/2016, dự án vẫn chưa đi vào hoạt động sau nhiều lần gia hạn.

Ngày 7/8, tại buổi họp báo định kỳ thông tin về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023 của tỉnh Bình Thuận, trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tỉnh cho biết sau khi khởi công xây dựng từ cuối năm 2016, đến tháng 8-2020, nhà máy đã thực hiện hiệu chỉnh máy móc, dây chuyền sản xuất và nhận rác để vận hành thử nghiệm. Tuy nhiên, đến tháng 1/2021, chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH Nhật Hoàng bất ngờ cho nhà máy dừng hoạt động.

Trước đó, đại diện Công ty TNHH Nhật Hoàng cho biết việc dừng hoạt động nhà máy sau khi chạy thử nghiệm là do chưa thống nhất với chính quyền phương thức nghiệm thu, phương án tính toán khối lượng xử lý rác.

Còn theo Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) tỉnh Bình Thuận, lý do khiến Nhà máy Xử lý rác TP Phan Thiết dừng hoạt động sau thời gian vận hành thử nghiệm là do chủ đầu tư chưa hoàn thành hồ sơ nghiệm thu nhà máy, giấy phép môi trường của dự án cũng như chưa thống nhất phương thức nghiệm thu, thanh toán khối lượng thu gom, vận chuyển và xử lý rác với UBND TP Phan Thiết.

Do dự án chậm tiến độ đưa vào hoạt động chính thức, vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch đầu tư, tháng 3/2022, Thanh tra Sở KH-ĐT đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ đầu tư.

Đến nay, Công ty TNHH Nhật Hoàng đã liên hệ với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) để thực hiện hồ sơ nghiệm thu nhà máy, giấy phép môi trường của dự án; liên hệ UBND TP Phan Thiết để thống nhất phương thức nghiệm thu, thanh toán khối lượng thu gom, vận chuyển và xử lý rác.

"Sở KH-ĐT đã có văn bản yêu cầu Công ty TNHH Nhật Hoàng tích cực và khẩn trương phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền thực hiện các thủ tục về môi trường, nghiệm thu nhà máy để đủ điều kiện đưa dự án đi vào hoạt động chính thức vào tháng 9/2023. Trường hợp đến thời hạn trên mà công ty chưa hoàn chỉnh thủ tục pháp lý và không đưa nhà máy đi vào hoạt động, Sở KH-ĐT sẽ báo cáo UBND tỉnh thu hồi chủ trương đầu tư theo quy định và không giải quyết bất cứ lý do nào của công ty" - đại diện Sở KH-ĐT thông tin.

Hoàng Linh