Người vô gia cư mưu sinh giữa phố thị phồn hoa
Cuộc sống xanh - Ngày đăng : 14:03, 10/08/2023
Chật vật mưu sinh
Trong khi không ít người ăn xin lợi dụng lòng thương cảm của người khác để trục lợi thì đâu đó vẫn còn những mảnh đời bất hạnh, những người vô gia cư cố gắng tìm kế mưu sinh trên khắp các nẻo đường Hà Nội.
Nghèo khó và cô độc là những từ ngắn gọn nhất để miêu tả cuộc sống của họ. Ở độ tuổi xế chiều, đáng họ phải đang sum vầy bên con cháu, tận hưởng tuổi già. Vậy mà khi phố lên đèn, người thì tất tả với cuộc sống mưu sinh, người lại chọn gầm cầu, vỉa hè làm nơi trú ngụ sau một ngày dài kiếm kế sinh nhai.
Theo ghi nhận của PV Moitruong.net.vn, trong đêm tối lúc người dân đã chìm sâu vào giấc ngủ, nhưng vẫn còn những người lao động nghèo với những gánh hàng rong hay giỏ hàng rong ruổi khắp các con phố Hà Nội để mưu sinh.
Ông Nghênh (66 tuổi, quê ở Quảng Xương, Thanh Hóa) làm nghề đánh giầy tại quận Hoàn Kiếm) cho biết: "Tôi đi đánh giầy được bốn chục năm rồi, mỗi ngày tôi đi bắt đầu từ chập tối đến 4 giờ sáng kể cả mùa đông hay mùa hè, tuy vất vả nhưng có đồng ra đồng vào phòng lúc ốm đau, bệnh tật không ai nương tựa”.
Bà Nguyễn Thị Vy, 82 tuổi (làm nghề bán nước tại phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bộc bạch: “Tôi già rồi, không giúp đỡ được con cái nên ra đây dựng tạm cái lều bán nước tính đến nay cũng đã hơn 30 năm. Cuộc sống tôi thì vất vả, 3 năm nay xương khớp thoái hóa hết, ốm yếu suốt nhưng tôi vẫn phải thức khuya dậy sớm để bán nước kiếm tiền mưu sinh, sau dịch Covid-19 nên bán chậm lắm”.
Những người vô gia cư không có công việc cố định, họ làm đủ nghề như bán hàng rong, nhặt ve chai, ăn xin, bán nước, đánh giầy... Dù vậy, nhiều người vẫn cố xoay xở, bám trụ với công việc để có chi phí trang trải trong cuộc sống. Vì tính chất công việc mưu sinh, họ phải hoạt động ngoài trời, không còn cách nào khác là phải ra đường, bất chấp sự khắc nghiệt của thời tiết.
Hành trình mang hơi ấm đến với người vô gia cư
Giữa lòng Thủ đô không chỉ có đêm lạnh và những phận đời nghèo khó. Còn có những điều đẹp đẽ ấm áp, nhóm thiện nguyện "Ấm" tỏa khắp các phố phường, trao tặng thực phẩm, đồ dùng cho những người khó khăn, vô gia cư, sưởi ấm lòng người bằng tấm lòng nhân ái.
Nhóm Ấm ra đời năm 2013 với sự khởi xướng của Nguyễn Hoàng Thảo và các bạn thân. Sau đó, Thảo sang Nhật du học, nên vị trí trưởng nhóm được giao lại cho chàng trai sinh năm 1992 Vũ Trung Anh. Đến nay, nhóm đã có thêm nhiều thành viên thường xuyên hoạt động, các hình thức hỗ trợ, trao quà cũng trở nên đa dạng và thiết thực hơn. Và sau mỗi buổi đi trao quà, nhóm đều tổng kết ngay tại vỉa hè, đồng thời điểm danh các thành viên rồi mới ra về.
Nhóm tình nguyện Ấm tập trung giúp đỡ những trường hợp cụ thể, đã qua xác minh để tránh lãng phí, dàn trải. Mỗi lần đi phát quà, nhóm có 10 - 20 tình nguyện viên tập hợp tại số 71 đường Đặng Văn Ngữ, Đống Đa, Hà Nội. Khoảng 9h30, các thành viên chia nhau thành từng nhóm nhỏ, chở theo các phần quà, rong ruổi trên những tuyến đường có nhiều người vô gia cư để gửi tặng từ 22 giờ đến 1-2 giờ sáng mỗi ngày cuối tuần.
Trong nhiều năm qua, anh Vũ Trung Anh – người trực tiếp dìu dắt “Ấm”, cho biết, việc trở thành thành viên của “Ấm” đã giúp anh thấy cuộc sống của mình trở nên ý nghĩa hơn. Và khi đến với “Ấm”, đi tới nhiều nơi, gặp nhiều người, anh mới có được cái nhìn đa dạng hơn về cuộc sống, cảm thông và chia sẻ với những người yếu thế. Ngoài ra, anh cũng học được thêm nhiều bài học về cuộc sống, về cách “cho đi” sao cho đúng, cho phù hợp với đối tượng mà mình hướng tới. Từ đó đến nay “Ấm” đã giúp đỡ, chia sẻ với nhiều trường hợp người vô gia cư, giúp họ bớt được phần nào những khó khăn trong cuộc sống.
Chú Vinh - một trường hợp đang được "Hành trình Ấm" hỗ trợ để chú có thể kiếm kế sinh nhai cùng một chút thực phẩm, chia sẻ: “Cũng may tôi được các bạn trẻ của Ấm hỗ trợ nên tôi cũng có đồng ra đồng vào, không phải đi nhặt chai lọ nữa. Trước đây làm chỉ được có nhiều nhất là 40.000 thôi, còn giờ được hẳn 200.000, mà công việc cũng an toàn hơn, không sợ va phải kim tiêm, mảnh sành nữa”.
Dù ngày nắng hay những ngày mưa, các thành viên trong nhóm vẫn duy trì hoạt động đều đặn để có thể giúp đỡ người vô gia cư vượt qua những ngày tháng khó khăn nhất. Mang trong mình tình thần tình nguyện, tương thân tương ái, giúp đỡ sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn.
Trong đêm Hà Nội vắng lặng, mặc cho những dòng người đang tất bật di chuyển để trở về nhà, chỉ có những người vô gia cư vẫn còn lang thang khắp mọi nẻo đường. Dù còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng mỗi khi nhận được sự giúp đỡ của những tấm lòng thơm thảo, họ như được tiếp thêm niềm tin vào cuộc sống...
Mong rằng sẽ còn nhiều những tổ chức thiện nguyện như hành trình Ấm để những người vô gia cư và những người lao động nghèo bớt khó khăn một phần nào đó.