Tái sử dụng nước thải mỏ phục vụ sản xuất than

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 16:29, 10/08/2023

Với việc tái sử dụng nước thải làm nguồn nước phục vụ trở lại cho sản xuất than ở Công ty Môi trường Mỏ - TKV, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh đảm bảo không gây lãng phí nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường hiệu quả.

Theo đó, Công ty có 2 Trạm xử lý nước thải là Vàng Danh và Mạo Khê.

nuoc-thai-mo.png
Trạm xử lý nước thải Núi Nhện. Ảnh: Dương Phượng Đại

Tại nhà máy xử lý nước thải ở Vàng Danh, anh Trần Hữu Tùng, cán bộ phòng Cơ điện - Vận tải cho biết: Toàn bộ thiết bị, công nghệ tại Trạm xử lý nước thải mỏ Vàng Danh được Công ty nhập khẩu từ Đức về, theo quy trình tự động, khép kín. Công suất xử lý là 72.000m3/ngày; 2.160.000m3tháng. Chất lượng nước thải sau xử lý: Đạt tiêu chuẩn A – ACVN 40: 2011/BTNMT.

Anh Bùi Văn Hoà, Trạm trưởng Trạm xử lý nước thải mỏ Vàng Danh cho biết thêm: Nước thải từ khai thác than trong hầm lò của Công ty cổ phần than Vàng Danh được bơm ra và chứa vào bể điều hòa lưu lượng. Từ đây, một số chất thải, cặn rắn kích thước lớn đọng dưới đáy bể. Từ bể điều hòa nước thải được bơm lên ngăn trung hòa - sục khí của hệ thống xử lý. Tại đây, dung dịch sữa vôi Ca(OH)2 được bơm và hoà với nước để trung hoà nước thải, nâng độ pH đạt ngưỡng 7 hoặc 7.5. Đồng thời không khí từ máy thổi khí được sục vào ngăn trung hòa tạo điều kiện oxy hoá phần lớn cặn sắt, một phần mangan và trợ giúp quá trình hòa trộn sữa vôi… Nước thải mỏ qua bốn công đoạn xử lý chảy về bể sau. Từ bể chứa nước sau xử lý, nước thải tự chảy theo đường ống về ngăn chứa nước sạch và được giám sát qua Hệ thống quan trắc tự động (lắp đặt tại Trạm) trước khi xả ra môi trường.

Tại phòng quan trắc nguồn nước thải tự động, anh Hoà giới thiệu hệ thống tự động đo, xét nghiệm mẫu nước. Tất cả số liệu của hệ thống quan trắc được báo về trung tâm điều hành thường xuyên. Ngay cạnh đó là hệ thống đường nước đã được xử lý. Nước trong vắt, cuồn cuộn chảy.

nuoc-thai-mo-1.png
Kiểm tra nước thải mỏ sau xử lý. Ảnh: Dương Phượng Đại

Còn tại Trạm xử lý nước thải mỏ Mạo Khê - Trạm có công suất xử lý 2.400m3/giờ. Sau khi xử lý nước đạt chất lượng loại A. Cho phép lấy nước tắm giặt, phục vụ sản xuất tại mỏ, theo anh Tùng chia sẻ.

Nói về kỹ thuật và các thông số tại Trạm Mạo Khê, Trạm trưởng Nguyễn Văn Thế chia sẻ: Nước từ bể chứa vào được bơm trực tiếp từ trong lò. Trạm này có hai bể chứa: Một bể 7.000m3 và một bể 5.000m3, vận hành liên tục 24/24h. Công nhân sẽ vận hành hệ thống thiết bị để xử lý nước thải theo quy trình từ cấp nước vào, lọc xử lý, tách nước, tách bùn, xử lý khép kín.

Bùn sau khi được lọc ở bể xử lý sẽ được hệ thống dây chuyền đưa ra hệ thống chứa bùn, ép khô, loại bỏ nước sẽ vận chuyển ngược lại khu vực mỏ, hoàn nguyên môi trường. Phần nước ép từ bùn lại đưa trở lại xử lý. 

Còn bể chứa nước sau xử lý sâu khoảng 4m, rộng khoảng 6m, dài khoảng 8m, xung quanh được rào chắn bằng cột INOX. Nước trong vắt nhìn thấy đáy, cuồn cuộn chảy. 

Theo anh Thế: Nguồn nước này để cấp ngược lại cho mỏ Mạo Khê dùng tắm giặt và phục vụ sản xuất. Mỏ không lấy hết, sẽ xả về môi trường. Với hệ thống xử lý nước thải này, Trạm tận dụng triệt để biến các nguồn thải thành tài nguyên từ nước cho đến bùn. Cây cối của Trạm tốt thế này cũng chính là nhờ bùn thải.

Với hệ thống xử lý nước thải mỏ “Nước thải, không cần thải” không những đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất than mà còn góp phần bảo vệ môi trường hiệu quả. Tuy nhiên nhiều nơi, nước thải sinh hoạt không được xử lý đã xả thẳng ra môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng môi trường, cuộc sống sinh hoạt và sức khỏe của người dân.

Băng Sơn