Ngành nước Việt Nam sẵn sàng cho cách mạng 4.0 ở mức trung bình thấp

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 07:47, 09/11/2017

(Moitruong.net.vn) – Mặc dù được sự hỗ trợ của nhiều tổ chức quốc tế như GIZ (Đức) từ năm 2005 nhưng đến nay ngành nước Việt Nam bao gồm cấp thoát nước, lọc nước và xử lý nước thải đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do quá trình đô thị hóa nhanh, tình trạng ngập úng ở đô thị ngày càng nghiêm trọng, và thiên tai.

Ngành nước Việt Nam hiện vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức lớn

Đây là những đánh giá của các diễn giả là các chuyên gia ngành nước của Việt Nam, của Đức, và các doanh nghiệp sản xuất thiết bị ngành nước của Đức đã đồng hành cùng Việt Nam trong nhiều năm đưa ra tại “Diễn đàn ngành nước Đức – Việt 2017”.

Diễn đàn ngành nước Đức – Việt 2017 với chủ đề “Nước 4.0” do Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), Tổ chức Hợp tác Ngành nước Đức (GWP) và Hội Cấp thoát nước Việt Nam (VWSA) phối hợp tổ chức, đang diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh.

Đầu tư 250 triệu USD/năm cho thoát nước và xử lý nước thải

PGS.TS. Trần Đức Hạ – Viện trưởng Viện nghiên cứu cấp thoát nước và môi trường cho biết, hiện ở Việt Nam dân số đô thị được cấp nước tập trung từ 57% đến 90%; khu vực nông thôn chỉ mới đạt được 50% – 60%; tỷ lệ thất thoát nước sạch vẫn ở mức cao 23,5% – 24% (năm 2016).

Đồng thời, trong 10 năm gần đây, mỗi năm ngành nước được đầu tư khoảng 250 triệu USD cho thoát nước và xử lý nước thải đô thị, Nhưng chỉ có 12,5% lượng nước thải đô thị được xử lý; 40% lượng nước thải công nghiệp được xử lý; phần lớn trong khoảng 5.000 làng nghề trên toàn quốc chưa có trạm xử lý nước thải.

Lý giải cho những khó khăn ngành nước Việt Nam đang gặp phải cả PGS.TS. Trần Đức Hạ và đại diện GIZ cho rằng, tốc độ đô thị hóa nhanh đã gây áp lực to lớn đối với việc cung cấp dịch vụ cũng như tác động đến môi trường ở khu vực này.

Cơ sở hạ tầng đô thị hiện tại chưa đáp ứng nhu cầu, hệ thống thoát nước đô thị xây dựng qua nhiều thời kỳ khác nhau nên không hoàn chỉnh và đồng bộ; cống không đủ, hồ bị san lấp, trạm bơm không đủ công suất, và những diễn biến khó lường từ biến đổi khí hậu như nước sông dâng cao, xâm thực mặn….khiến cho thoát nước và xử lý nước thải gặp khó khăn.

Trong khi đó, mục tiêu của ngành là đến năm 2025, 95% – 100% dân cư được cấp nước sạch, tỷ lệ thất thoát nước sạch ở đô thị duối 15%; hệ thống thoát nước phải phụ vụ hơn 70% diện tích đô thị, 20% – 50% lượng nước thải được thu gom xử lý; 80% lượng nước thải ở các làng nghề được thu gom và xử lý…

Vì vậy, theo các diễn giả, ngành nước Việt Nam phải nhanh chóng đổi mới công nghệ, thiết bị và phương án xử lý hiệu quả; cũng như phải cân bằng giữa lợi ích về mặt kinh tế và quản lý.

Lao động sẽ là vấn đề lớn trong cuộc cách mạng nước 4.0  

Cách mạng 4.0 với ngành nước là xu hướng tất yếu

Cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất… Nước 4.0 là xu hướng tất yếu bao gồm cho cả cấp thoát nước, lọc nước và xử lý nước thải.

Hiện tại, hệ thống cấp thoát nước thông minh của thế giới ứng dụng hệ thống SCADA để nâng cao năng lực quản lý, điều hành hệ thống cấp nước và hệ thống thoát nước.

Trong tương lai, hệ thống cấp thoát nước thông minh sẽ quản lý đến từng địa chỉ thu phí nước sạch và nước thải, dự báo chất lượng các nguồn nước, mô phỏng được các tình huống lũ lụt để đưa ra những cảnh báo sớm….

Tuy nhiên, mức độ sẵn sàng cho cuộc cách mạng nước 4.0 ở Việt Nam ở mức trung bình thấp. Và nước 4.0 có thể phá vỡ thị trường lao động khi tự động hóa thay thế con người và làm tăng độ phân hóa lao động giữa lao động kỹ năng cao – lượng cao và lao động kỹ năng thấp – lương thấp. Nước 4.0 cũng đòi hỏi các doanh nghiệp/Chính phủ phải đầu tư nhiều hơn vào công nghệ, thiết bị.

Các diễn giả cho rằng, điểm quan trọng để tiến đến nước 4.0 là Chính phủ phải đổi mới quản lý ngành và vận hành hệ thống, cân bằng giữa lợi ích về mặt kinh tế và quản lý.… – và đây là thách thức không hề nhỏ.

Diễn đàn có sự tham gia các diễn giả đến từ GIZ, Công ty Wilo – đơn vị cung cấp máy bơm cho Samsung ở Việt Nam, Công ty Tilla, Công ty WaterLeau….

Theo Bizlive