Phát triển du lịch biển ở Duyên hải Nam Trung bộ (Bài 2): Tác động và những và vấn đề đặt ra
Môi trường du lịch - Ngày đăng : 18:30, 13/08/2023
Tác động của du lịch biển đến an ninh, xã hội vùng
Tác động của du lịch biển đến an ninh, xã hội vùng Duyên hải Nam Trung bộ
Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ trải dài khoảng 800km, gồm 8 tỉnh: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận. Với chiều dài bờ biển gần 1.200km, Duyên hải Nam Trung Bộ là nơi tập trung nhiều vũng, vịnh, bãi biển dài, đẹp; các tỉnh, thành phố trong khu vực đều sở hữu không gian biển, đảo đẹp, mang đặc trưng riêng. Bởi vậy, “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Duyên hải Nam Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã chọn biển đảo làm mũi nhọn để đầu tư phát triển, tạo thành đặc trưng, thế mạnh của Vùng.
Phát huy tiềm năng và lợi thế sẵn có, các tỉnh, thành phố vùng Duyên hải Nam Trung Bộ thời gian qua đã đẩy mạnh phát triển du lịch biển. Sự phát triển năng động của du lịch biển ở các địa phương vùng Duyên Hải cũng đã có những tác động nhất định đến mọi mặt đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của cả Vùng.
Tác động tích cực
Thống kê cho thấy, thời gian qua du lịch biển vùng Duyên hải Nam Trung Bộ đã có những bước phát triển nhanh, góp phần vào sự phát triển chung của ngành Du lịch cả nước; thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng và tạo diện mạo mới cho nhiều địa phương. Chiến lược phát triển du lịch biển gắn với các tour du lịch biển - đảo không những tạo việc làm ổn định cho dân cư vùng biển - đảo, mà còn tăng cường các hoạt động dân sự trên các vùng biển - đảo, tạo nên thế phòng thủ liên hoàn bờ - biển - đảo vững chắc, góp phần xây dựng, củng cố thế trận an ninh nhân dân, quốc phòng toàn dân, phát triển vững chắc tuyến phòng thủ trên biển vùng Duyên hải Nam Trung Bộ.
Nguồn kinh phí thu hút được từ phát triển du lịch biển phần nào đã giúp các địa phương tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác của các lực lượng làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự trên các địa bàn; thúc đẩy các phong trào quần chúng bảo vệ an ninh quốc phòng, giữ gìn trật tự an toàn xã hội giảm thiểu tối đa các rủi ro cho du khách và doanh nghiệp. Điển hình như tại TP. Nha Trang (Khánh Hòa), tranh thủ nguồn lực thu hút từ phát triển du lịch biển, TP. Nha Trang đã đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác đảm bảo an ninh quốc phòng, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; xây dựng Trung tâm hỗ trợ khách du lịch, trạm cứu hộ và hệ thống loa không dây để phát các thông tin cảnh báo những điểm phức tạp về an ninh trật tự. Trên dọc tuyến bờ biển và tại các điểm du lịch, TP. Nha Trang còn lắp đặt nhiều biển báo về nội quy, quy định bảo vệ cảnh quan môi trường, thực hiện nếp sống văn minh; quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự an toàn xã hội; đường dây nóng... để chỉ dẫn cho khách du lịch và người dân thực hiện.
Tác động tiêu cực
Bên cạnh những tác động tích cực, hoạt động du lịch biển tại khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ cũng đem lại không ít những tác động tiêu cực đến an ninh, an toàn xã hội của các địa phương trong Vùng. Cụ thể, du lịch biển phát triển làm tăng lượng du khách quốc tế đến thăm quan dẫn đến việc thu đổi ngoại tệ trái phép; buôn bán, vận chuyển và lưu thông tiền giả; tẩy rửa tiền; du khách cư trú “lỳ” trên địa bàn, lao động nước ngoài làm “chui” trong các công ty du lịch, hướng dẫn viên nước ngoài làm “chui” cho các đoàn khách quốc tế; đầu tư “chui” gây thất thu thuế, thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp và nhà nước… Ngoài ra, khách du lịch quốc tế còn vi phạm những quy định về xuất nhập cảnh, cư trú, đi lại, hoạt động ở các khu vực cấm trên địa bàn du lịch biển.
Sự gia tăng nhanh chóng lượng khách đến thăm quan vượt quá “sức chứa” của các điểm, khu du lịch biển cũng gây ra những bức xúc đối với dân cư trên địa bàn du lịch biển và những biểu hiện tiêu cực khác như: Gây quá tải hệ thống dịch vụ, cơ sở hạ tầng du lịch, gia tăng rác thải vào môi trường ở các bãi biển và trên các đảo vào mùa cao điểm du lịch; Gia tăng chi phí cho các ngành dịch vụ công như y tế, giao thông, môi trường, điện lực, ngành nước... và tăng chi phí hoạt động cho các lực lượng làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn du lịch biển.
Trong thực tế, du lịch biển phát triển đã tạo ra sinh kế mới góp phần làm thay đổi cuộc sống của người dân bản địa nhưng cũng gây nên xáo trộn và tác động mạnh mẽ vào lối sống và bản sắc văn hóa cộng đồng. Khảo sát tại Hội An (Quảng Nam) cho thấy, trước đây người dân phố cổ có thói quen dậy sớm, bây giờ họ mở cửa muộn hơn theo thời gian khách tham quan, còn những hàng quán phục vụ dân sinh dần mất đi để nhường không gian cho các hoạt động kinh doanh phục vụ khách du lịch. Đặc biệt, quá trình phát triển du lịch cũng đã sản sinh ra các đặc thù văn hóa khác trong hành vi ứng xử của những con người tham gia hoạt động du lịch, thể hiện qua thái độ hành xử, giao tiếp với khách cũng như doanh nghiệp và hướng dẫn viên...
Bên cạnh đó, các lễ hội tại địa phương còn thiếu liên kết với nhau, nhiều sự kiện chồng chéo cả về thời gian lẫn nội dung dẫn đến sự cạnh tranh ngầm giữa các địa phương trong Vùng. Hiện tượng thương mại hóa các giá trị văn hóa bản địa, tính thực dụng xuất hiện đã làm biến dạng bản sắc văn hóa truyền thống thể hiện trong ngôn ngữ, trang phục, tập quán, kiến trúc, phương thức canh tác, cách thức tổ chức sinh hoạt cộng đồng...
Việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường gắn với hoạt động du lịch của Vùng nhìn chung vẫn còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, nhu cầu phát triển kinh tế và nâng cao đời sống của người dân trong khu vực gia tăng khiến việc xây dựng các cơ sở hạ tầng như mở đường, san lấp mặt bằng lấn biển, xây dựng bến bãi cầu cảng, xây dựng các công trình phục vụ dân sinh... tại khu vực lân cận di tích, hoặc thậm chí trong phạm vi bảo vệ của các di tích đã và đang diễn ra với mức độ ngày càng lớn, gây ảnh hưởng đến môi trường di tích ở các cấp độ khác nhau.
Mặt khác, phát triển du lịch thiếu quy hoạch dẫn đến sự phát triển ồ ạt của các cơ sở lưu trú làm dư thừa nguồn cung, lãng phí nguồn lực của xã hội; đồng thời, tạo ra nhóm lợi ích, chỉ một phần nhỏ người dân được hưởng lợi trực tiếp, lợi tức phần lớn là của doanh nghiệp. Điển hình tại Cù Lao Chàm, theo khảo sát của Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An trong năm 2014, số tiền mà du khách phải chi trả trong một ngày cao điểm khoảng 1,575 tỷ đồng, tuy nhiên địa phương chỉ hưởng khoảng 12% số tiền này, hơn 88% còn lại thuộc về doanh nghiệp. Sự phối hợp, liên kết giữa các địa phương trong Vùng về việc phát triển du lịch vẫn còn nhiều hạn chế; các sản phẩm du lịch chủ lực của các địa phương còn trùng lắp, đơn điệu, chưa phong phú, thiếu dịch vụ đi kèm, vì vậy chưa thật sự thu hút được du khách, dẫn đến thời gian lưu trú ngắn, mức chi tiêu bình quân của du khách thấp, hiện tượng “một đi không trở lại” xảy ra phổ biến…
Nhìn chung, bên cạnh việc thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, du lịch biển có những tác động tiêu cực làm nảy sinh những phức tạp về an ninh trật tự làm xấu đi hình ảnh của du lịch biển ở vùng Duyên hải Nam Trung Bộ cũng như hình ảnh của du lịch Việt Nam. Điều này đòi hỏi các lực lượng chức năng tăng cường các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các các hành vi vi phạm pháp luật, các loại tội phạm và mọi âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch đe dọa đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; hạn chế và loại trừ những tác động tiêu cực của du lịch biển; tạo môi trường ổn định, lành mạnh thúc đẩy du lịch biển phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của các địa phương trong vùng Duyên hải Nam Trung Bộ.
Biển Nam Trung bộ đối diện nạn cạn tài nguyên, đặt ra các vấn đề môi trường
Đứng trước nhiều tác động của môi trường, khí hậu
Các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển bền vững kinh tế biển, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, tranh chấp chủ quyền và sự bất đồng giữa các nước tại biển Đông. Mặt khác, việc khai thác tài nguyên như hiện nay ở khu vực Nam Trung Bộ cũng dẫn đến suy giảm lớn nguồn lợi từ biển.
Nhiều hoạt động kinh tế đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường biển đặc biệt là hoạt động khai thác phát triển du lịch biển đảo. Nhiều cửa sông ven biển bị ô nhiễm do nước thải từ khu công nghiệp, khu đô thị, cùng với sự gia tăng về tần suất và mức độ ảnh hưởng của thiên tai do biến đổi khí hậu.
Tại hội thảo khoa học Phát triển bền vững kinh tế biển ở duyên hải Nam Trung Bộ, PGS.TS. Trương Minh Dục, Học viện Chính trị khu vực III nhận định: “Nhiệm vụ bảo vệ môi trường là nội dung quan trọng, không thể tách rời trong phát triển kinh tế biển mà các địa phương cần quán triệt. Không phát triển kinh tế bằng mọi giá mà coi nhẹ việc bảo vệ môi trường; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, đặc biệt là quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất, nước, khoáng sản và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác”.
GS.TS. Trương Minh Dục cũng cho rằng, nên thúc đẩy thủy sản phát triển. Xây dựng ngành thủy sản thành ngành kinh tế mũi nhọn và là khâu đột phá về kinh tế, là hướng làm giàu của các tỉnh, thành phố trong vùng. Từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế ngành theo hướng đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là tôm, cua và các đặc sản cho nhu cầu du lịch và xuất khẩu. Phát triển nghề cá của vùng gắn với việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phân bổ lao động dân cư nông thôn miền biển. Đẩy mạnh công tác khuyến ngư, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phát triển du lịch biển, đảo ngày càng hấp dẫn thu hút du khách trong nước và quốc tế; làm tốt công tác quy hoạch và liên kết giữa các vùng miền và các quốc gia, tạo điều kiện để phát triển du lịch biển, đảo; khai thác tài nguyên du lịch biển đảo một cách hợp lý, không được phép làm suy giảm cạn kiệt tài nguyên, phá huỷ môi trường.
Đối diện "nạn" cạn tài nguyên
Tại hội thảo “Khoa học công nghệ trong phát triển kinh tế biển vùng Nam Trung Bộ”, các chuyên gia nhận định, nguồn tài nguyên biển tại khu vực Nam Trung bộ đang bị khai thác cạn kiệt mà không có kế hoạch phục hồi, tái tạo, vấn đề ô nhiễm cũng đe dọa đến du lịch biển.
PGS. TS Nguyễn Chu Hồi - ĐH Quốc gia Hà Nội chỉ ra thực tế, mặc dù vùng duyên hải Nam Trung Bộ gồm 8 tỉnh thành từ Đà Nẵng đến Bình Thuận đều là những tỉnh thành có biển với diện tích rất rộng, giàu tiềm năng nhưng đến nay vị thế và tiềm năng đó chưa được khai thác hiệu quả và bền vững.
Cụ thể, về khai thác ngư nghiệp, dù Việt Nam luôn đứng top 10 các nước xuất khẩu thuỷ hải sản nhưng ít nước đến ta học tập vì chúng ta đang chú ý đến tổng sản lượng, chưa chú ý đến chất lượng.
“Chúng ta mãi mở rộng diện tích đánh bắt, tăng số lượng lồng bè nuôi trồng, tăng tàu thuyền… dù có tăng trưởng nhưng nguồn lợi sẽ dễ dàng bị cạn kiệt. Khai thác của chúng ta vẫn đang thiếu bền vững do phương thức khai thác chủ yếu vẫn dưới hình thức sản xuất và đầu tư nhỏ, công nghệ lạc hậu”, PGS Hồi nói.
Tháng 5/2010, Chính phủ đã quy hoạch 16 khu bảo tồn biển thế nhưng đến nay chỉ có 10 khu có ban quản lý chứ chưa nói đến đánh giá hoạt động.
“16 khu bảo tồn biển chỉ mới đạt mức 0,24% diện tích vùng biển Việt Nam, trong khi chúng ta đặt mục tiêu 2030 chúng ta phải đạt 6% bảo tồn biển là rất khó. Nhưng có bảo tồn thì hệ sinh thái biển mới bền vững, đây là bài học từ các nước đang làm rất nhiều còn chúng ta chỉ có khai thác và khai thác”, PGS Hồi cho biết thêm.
Về du lịch biển, vấn đề môi trường đang là thách thức lớn với các tỉnh thành Nam Trung Bộ. Biển bị ô nhiễm nghiêm trọng do chất thải, các hệ sinh thái biển đảo đang bị suy thoái.
Ngay như tại Đà Nẵng, nhiều chuyên gia đưa ra ví dụ về các cống xả trực tiếp ra biển, ảnh hưởng không nhỏ đến du lịch biển thành phố.
Đại diện Bộ Khoa học và công nghệ cũng đã nhìn nhận rằng, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển bền vững kinh tế biển, từ việc gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường; lợi thế, tiềm năng là cửa ngõ vươn ra các vùng chưa được phát huy đầy đủ; phát triển một số ngành kinh tế biển mũi nhọn chưa đáp ứng với đòi hỏi của thực tiễn. Khoa học và công nghệ, điều tra cơ bản, phát triển nguồn nhân lực biển chưa trở thành nhân tố then chốt trong phát triển bền vững kinh tế biển.
Góp ý tại hội thảo,PGS Chu Hồi cho rằng, các nhiệm vụ khoa học - công nghệ ưu tiên của các địa phương ven biển là công nghệ sản xuất giống thủy sản chất lượng cao, củng cố các trung tâm giống thủy sản và đầu tư cho cơ sở hạ tầng cảng cá; phát triển du lịch, các cơ sở hạ tầng cho du lịch, xây dựng mô hình du lịch bền vững trong các khu bảo tồn, mô hình du lịch vùng cát; đánh giá năng lực tải của các điểm đến du khách.
Bên cạnh đó, vấn đề thu gom, phân loại, xử lý rác thải biển; kiểm soát và bảo vệ môi trường biển, ven biển, đặc biệt là rác thải nhựa cũng cần được chú trọng. Việc phục hồi các hệ sinh thái biển bị suy thoái (rạn san hô, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển) cần phải được làm ngay thì mới mong có cơ hội phát triển kinh tế biển bền vững.