Cần sớm đánh giá lại Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh)

Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 18:07, 16/08/2023

Sau 12 năm tạm dừng, Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê chỉ còn... đống hoang tàn. Mùa mưa, hàng nghìn hécta đất sản xuất ngập trong nước lũ, đồng ruộng sình lầy, xói lở. Mùa nắng, đồng khô, cỏ cháy, cát bụi mù mịt. Nguồn nước nhiễm phèn, tụt nước ngầm khiến hàng nghìn hộ dân tại huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) phải sống trong cảnh bất an "đi không được, ở không xong".

Trước thực trạng đó, sáng 16/8, báo Đại Đoàn Kết đã tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Dự án mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á: Dừng lại hay tiếp tục?”.

Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê (viết tắt là Dự án) do Công ty CP sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư sau điều chỉnh hơn 14.500 tỷ đồng. Dự án kỳ vọng sẽ làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt tỉnh Hà Tĩnh. Năm 2009, Dự án triển khai rầm rộ để thử nghiệm công nghệ và bóc đất tầng phủ. 2 năm sau, Dự án tạm dừng, chủ đầu tư thu về được 3.000 tấn quặng.

toa-dam-3-.jpg
Quang cảnh Tọa đàm. Ảnh: Quang Vinh.

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, PGS-TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam cho biết: Chúng ta cần có cái nhìn tổng quan rằng, mỏ sắt Thạch Khê là mỏ sắt lớn nhất khu vực Đông Nam Á, nhưng nếu nhìn chung so với tổng thể các mỏ sắt trên thế giới đã được thăm dò thì mỏ sắt này chỉ chiếm có 0,8%. Chúng ta phải khẳng định điều này để có cái nhìn khách quan. Việc dừng hay không dừng thì trong Hội Kinh tế môi trường Việt Nam đã có quan điểm rõ ràng chưa đủ cơ sở khoa học để tiếp tục và nếu không đủ cơ sở khoa học để tiếp tục thì phải dừng. Còn nếu như Công ty CP Sắt Thạch Khê đủ cung cấp, đủ cơ sở khoa học để đánh giá thì tôi nghĩ rằng việc khai thác sẽ tiếp tục.

Đặc biệt, việc dự án đổ thải hơn 900ha và chỉ đổ cách bờ khoảng 3km, thì hiện nay bờ biển Hà Tĩnh đang bằng phẳng giờ tạo ra mỏ hàn cực lớn thì điều gì sẽ xảy ra.

toa-dam-1-.jpg
PGS.TS Lưu Đức Hải. Ảnh: Quang Vinh.

Trước hết, dòng bùn cát dọc bờ sẽ thay đổi mà dòng bùn cát ảnh hưởng trực tiếp tới hệ sinh thái biển. Nó có thể tạo ra vùng bồi và vùng lở với bờ biển. Đấy là còn chưa nói tới việc đổ thải có thể tạo ra các chất ô nhiễm như các kim loại nặng nằm trong đất đá thải hay tạo ra SO4 có thể gây ra thay đổi môi trường nước biển. Như vậy, chắc chắn rằng sự toàn vẹn của sinh thái biển sẽ hoàn toàn thay đổi, PGS-TS Lưu Đức Hải cho biết thêm

Cùng quan điểm, PGS.TS Trần Bình Chư – Tổng hội địa chất Việt Nam cho hay: Đây là mỏ quặng sắt độc nhất vô nhị trên thế giới nằm ở dưới trầm tích mở rộng, sát mực nước biển mà trên thế giới không một nước nào có. Ở Việt Nam, mỏ quặng dưới nền trầm tích mở rời, dưới cùng là đá vôi, đá granit... trao đổi thay thế với nhau, có nghĩa là có khe nứt, có lỗ hổng...Về mỏ quặng này, ta đã có đánh giá từ 1985, nhưng bây giờ là 30 - 40 năm sau rồi, mà vẫn bê nguyên những đánh giá của thời đó để vào khai thác là không ổn. Các tập đoàn, doanh nghiệp tham gia vào nhưng đã đánh giá, nghiên cứu tổng thể, kỹ lưỡng những ảnh hưởng khi khai thác chưa? Đó còn chưa nói mối liên kết giữa nước bề mặt, nước ngầm, nước biển mà chúng ta nghiên cứu chưa đầy đủ...

12.jpg
PGS.TS Trần Bình Chư. Ảnh: Quang Vinh.

Về phía mình, TS. Phạm Lê Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Khai thác khoáng sản Thăng Long. Thành viên sáng lập, thành viên HĐQT Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê, đại diện doanh nghiệp tư nhân duy nhất tham gia Dự án khẳng định đến nay chưa có văn bản nào chỉ đạo dừng dự án này.

"Một dự án chỉ có dừng triển khai khi xảy ra hai điều. Thứ nhất, chủ đầu tư xin dừng dự án. Thứ hai, trong quá trình triển khai dự án vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật. Ở đây, cả hai điều này không xảy ra nên tôi cho rằng mỏ sắt Thạch Khê không có lý do gì để dừng cả", ông Hùng nói.

Trước quan ngại của tỉnh Hà Tĩnh về nước thải, ông Phạm Lê Hùng nhấn mạnh dự án có 3 hồ và hồ cuối cùng có thể xả thải ra môi trường mà không gây ô nhiễm.

toa-dam-4-.jpg
Tiến sỹ Phạm Lê Hùng. Ảnh: Quang Vinh.

Còn theo GS. Viện sĩ Nguyễn Huy Mỹ, dự án này chưa có báo cáo khả thi, cuối năm 2011 hiệu chỉnh dự án, làm lại báo cáo khả thi và báo cáo thiết kế kĩ thuật. Đến năm 2015 thông qua thiết kế kĩ thuật cho dự án hiệu chỉnh.

"Điều rất vô lý là chia giai đoạn, một dự án khai thác mỏ phải làm từ đầu đến khi hoàn thổ. Về chủ trương của Đảng và Nhà nước rất đúng là phải tính đến quy hoạch tổng thể khoáng sản của Việt Nam, đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước. TKV và các cơ quan muốn tiếp tục khai thác mỏ Thạch Khê, trước hết phải làm báo khả thi rất nghiêm túc. Trước hết cần phải khoan thăm dò nước ngầm, báo cáo đánh giá tác động môi trường,...qua đó mới đánh giá hiệu quả được bao nhiêu. Nếu chưa có báo cáo khả thi thì không thể đánh giá hiệu quả kinh tế xã hội được. Khi có báo cáo khả thi thì mới có cơ sở khoa học để đánh giá và trả lời được câu hỏi tiếp tục hay dừng lại", GS. Viện sĩ Nguyễn Huy Mỹ nêu quan điểm.

Mỏ sắt Thạch Khê nằm trên địa bàn 5 xã ven biển gồm: Thạch Khê, Đỉnh Bàn, Thạch Hải, Thạch Trị và Thạch Lạc của huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), với tổng diện tích 4.821 ha.

Mỏ có trữ lượng khoảng 544 triệu tấn, được đánh giá là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á.

Dự án đầu tư Khai thác và Tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê (Dự án mỏ sắt Thạch Khê) do Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư được triển khai từ năm 2008, tổng vốn đầu tư khoảng 14.500 tỷ đồng, vòng đời khai thác hơn 50 năm.

Từ năm 2008 đến năm 2011, Chủ đầu tư đã triển khai thực hiện thử nghiệm công nghệ và bóc đất tầng phủ được khoảng 12,7 triệu m3 đến độ sâu -34m so với mực nước biển, thu hồi 3.000 tấn quặng. Về cơ bản, dự án đã dừng hoạt động khai thác từ năm 2011.

Hà Anh