Nhiều giải pháp thích ứng, ứng phó biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 10:30, 18/08/2023
Trong những năm qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung xây dựng năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với BĐKH. Đó là việc phát triển năng lực nghiên cứu để phục vụ dự báo, cảnh báo và phân vùng rủi ro thiên tai; phát triển hệ thống theo dõi, giám sát thiên tai, hiện đại hóa hệ thống quan trắc, dự báo khí tượng thủy văn; xây dựng hệ thống giám sát, kịch bản BĐKH, nước biển dâng; lập bản đồ cảnh báo thiên tai chi tiết đến từng vùng, miền, địa phương.
Tổ chức thực hiện Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; phát triển và nhân rộng các mô hình thích ứng với BĐKH dựa trên hệ sinh thái, dựa vào cộng đồng và dựa vào tự nhiên. Tập trung bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo vệ nguồn nước, các hệ sinh thái ven biển; trồng rừng ngập mặn, bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản. Xây dựng các khu bảo tồn biển đảo; bảo vệ và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng. Hạn chế khai thác nước dưới mặt đất nhằm giảm sụt lún, nhiễm mặn ở các vùng ven biển.
Các hoạt động bảo vệ môi trường ở các khu đô thị, khu công nghiệp và làng nghề cũng được quan tâm. Nhà nước khuyến khích, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ xanh, thân thiện với môi trường; thiết lập hệ thống quốc gia về giám sát, báo cáo, thẩm định cho các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính. Thực hiện các nhiệm vụ trong Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH, kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH quốc gia và các kế hoạch có liên quan…
Từ nay đến cuối năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất các dự án nhằm triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính và tham gia các chương trình, dự án trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon theo quy định; hoàn thiện quy định về thị trường tín chỉ carbon.
Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục hoàn thiện Đề án Việt Nam tham dự Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (Hội nghị COP 28) vào năm 2023 tại Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE) và tham dự tổ chức đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị COP 28.
Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế, cơ quan có liên quan triển khai cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP 26 và phát huy tổng hợp các nguồn lực nhằm thúc đẩy các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu ở nước ta.
Bộ sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Kế hoạch Quốc gia về Quản lý, Loại trừ các Chất làm Suy giảm Tầng Ozon, Chất gây Hiệu ứng Nhà kính được Kiểm soát; Kế hoạch Quốc gia Thích ứng với Biến đổi Khí hậu giai đoạn 20221-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (cập nhật) theo đúng tiến độ; thực hiện kiểm tra định kỳ việc chấp hành pháp luật về biến đổi khí hậu; việc tuân thủ các quy định hiện hành trong nước và quốc tế đối với các dự án theo Cơ chế Phát triển Sạch, cơ chế tín chỉ chung tại các tỉnh Thừa Thiên-Huế và Bà Rịa-Vũng Tàu.
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ đầu năm 2023 đến nay, Bộ đã chủ động tham mưu cho Chính phủ, triển khai thực hiện các Chương trình, Chiến lược, Kế hoạch Hành động về Biến đổi Khí hậu; tổ chức Phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Hà Lan về Thích ứng với Biến đổi Khí hậu và Quản lý nước; đề án triển khai Tuyên bố Chính trị thiết lập Quan hệ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng công bằng; ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26; Kế hoạch Hành động Giảm Phát thải Khí metal đến năm 2030; trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ thực hiện Tuyên bố Chính trị Thiết lập Quan hệ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chuẩn bị nội dung phục vụ tổ chức Phiên họp lần thứ 4 của Ban Chỉ đạo COP26; rà soát các nội dung triển khai thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật; Chiến lược Quốc gia về Biến đổi Khí hậu để hướng dẫn triển khai thực hiện đối với các bộ, ngành, địa phương.
Bộ đã xây dựng Kế hoạch Quản lý Loại trừ các chất HFC giai đoạn 1 và Kế hoạch Quản lý Loại trừ các Chất HCFC giai đoạn 3.
Các địa phương đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất để huy động nguồn lực tổ chức triển khai các dự án về thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cụ thể có 16 dự án phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã được Thủ tướng đồng ý chủ trương vay ODA với tổng mức vốn 2,53 tỷ USD.
Nhiều địa phương gồm các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Phú Yên … đã chủ động đề xuất sử dụng ODA để triển khai các dự án phát triển hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, thực hiện đúng các cam kết quốc tế không chỉ bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước, mà còn là đóng góp của Việt Nam đối với sự phát triển chung của nhân loại, vì cuộc sống tốt đẹp của chúng ta và các thế hệ mai sau.