Nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với công tác biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng

Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 16:30, 18/08/2023

Đó là lời phát biểu tại của ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng,Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tại Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18/1/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, diễn ra hôm qua (ngày 17/8) tại TP Huế (Thừa Thiên Huế).
18-ntn.jpg
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại hội nghị

Tại hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: Chỉ thị số 20-CT/TW là một chủ trương lớn của Đảng nhằm khẳng định một lần nữa yêu cầu nhiệm vụ, tầm quan trọng của việc tiếp tục nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân đối với công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng.

Ngày 17/8, tại TP Huế (Thừa Thiên Huế), Ban Tuyên giáo Trung ương và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18/1/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng.

Tham dự và chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, cùng hơn 200 đại biểu của các ban, bộ, ngành Trung ương, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội; các tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương.

Phát biểu tại hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, Chỉ thị số 20-CT/TW là một chủ trương lớn của Đảng nhằm khẳng định một lần nữa yêu cầu nhiệm vụ, tầm quan trọng của việc tiếp tục nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân đối với công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng.

Hội nghị tập trung thảo luận làm sáng tỏ ý nghĩa, vai trò của việc nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng đối với công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới. Cùng với đó là trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy trong thực hiện Chỉ thị số 20; phát huy tính chủ động sáng tạo trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, từng đơn vị; nâng cao hơn nữa chất lượng nghiên cứu, biên soạn và khả năng ứng dụng của các công trình lịch sử Đảng có nhiều chuyển biến đáng kể.

18-lsd.jpg
Các đại biểu tham quan triển lãm sách về lịch sử Đảng trong khuôn khổ Hội nghị

Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Dương Trung Ý cho biết, qua 5 năm thực hiện Chỉ thị, công tác lịch sử Đảng đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Theo đó, các cấp ủy quan tâm, sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và tổ chức thực hiện Chỉ thị, có sự đầu tư về kinh phí, cơ sở vật chất và con người, tạo điều kiện quan trọng nâng cao chất lượng các hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng của Đảng, tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức trong hệ thống chính trị về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác lịch sử Đảng, góp phần gia tăng tính hiệu quả của các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, cơ sở.

Công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng được các cấp ủy coi trọng, xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị hàng đầu. Kết quả nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng đã có những đóng góp quan trọng vào thành tựu của nhiệm kỳ Đại hội XII và bước đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phát huy tính ứng dụng trong công tác bồi dưỡng, giáo dục chính trị tại các trường chính trị tỉnh, trung tâm chính trị cấp huyện và các trường phổ thông, góp phần tích cực vào công tác chính trị, tư tưởng, lý luận của Đảng trong tình hình mới.

Công tác sưu tầm tài liệu được đẩy mạnh, trong đó nổi bật là nguồn tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh tụ Đảng qua các kênh ngoại giao văn hóa. Công tác lưu trữ, bảo quản tư liệu lịch sử được tổ chức, sắp xếp khoa học theo hướng đẩy mạnh số hóa theo quan điểm chỉ đạo của Đại hội XIII của Đảng.

Công tác tuyên truyền lịch sử Đảng, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ đã được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, đơn vị chỉ đạo thực hiện một cách hệ thống, bài bản với nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội. Công tác giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng địa phương đã được đẩy mạnh thực hiện lồng ghép trong các chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị và giáo dục quốc dân.

Tại hội nghị, đại biểu đã cùng nhau phân tích, làm rõ những kết quả đạt được, những đóng góp nổi bật của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội XII, XIII của Đảng; những mặt tồn tại, hạn chế; trên cơ sở đó xác định phương hướng, tầm nhìn, đề xuất, kiến nghị những giải pháp khả thi, hữu hiệu, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thực hiện Chỉ thị số 20 trong thời gian tới.

Kết luận hội nghị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng đề nghị trong thời gian tới, các cấp ủy đảng cần nhận thức sâu sắc hơn nữa vị trí, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng; coi đây là một nhiệm vụ chính trị đặc biệt, trọng tâm, cấp bách và lâu dài…

Thường trực cấp ủy các cấp phải coi công tác lịch sử Đảng là một nhiệm vụ chính trị, đưa vào kế hoạch công tác hàng năm của cấp ủy nhằm tạo sự chuyển biến rõ hơn về chất đối với công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng.

Cấp ủy đảng mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi địa phương cần chỉ đạo xây dựng đề án riêng về công tác này, nhằm tạo ra bước đột phá, có tính bài bản, hệ thống… góp phần làm cho lịch sử Đảng thực sự trở thành "Pho lịch sử bằng vàng" như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy và "thấm sâu vào tâm trí cán bộ, đảng viên, nhất là thế hệ trẻ" như Chỉ thị số 20 đã chỉ rõ.

Đồng thời chỉ đạo nghiêm túc, đầy đủ các quy định, quy trình về nghiên cứu, biên soạn, thẩm định, xuất bản công trình lịch sử Đảng; chấn chỉnh tình trạng một số địa phương "thuê khoán" các tổ chức tư nhân (dưới những tên gọi như công ty, viện nghiên cứu…) không có chuyên môn sâu về lịch sử, dẫn tới tình trạng thương mại hóa trong nghiên cứu, biên soạn và xuất bản các công trình lịch sử.

Các cơ quan, ban, bộ, ngành chức năng của Trung ương cần tăng cường hơn nữa công tác trao đổi, phối hợp chặt chẽ, tránh chồng chéo trong chỉ đạo, hướng dẫn về nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng…

Lam Trinh