Quản lý, bảo vệ và phục hồi rừng phòng hộ tại Việt Nam
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 23:00, 09/12/2017
(Moitruong.net.vn) – Chỉ tính từ 2004-2014, diện tích rừng phòng hộ đã giảm 1,7 triệu hécta, tương đương tốc độ suy giảm trung bình 23%/năm.
“Rừng phòng hộ tại Việt Nam: Giải pháp quản lý, bảo vệ và phục hồi nhằm đảm bảo an ninh môi trường”
Ngày 7/12, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), Cơ quan Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Nhiệt đới (Tropenbos Việt Nam) đã đồng tổ chức hội thảo “Rừng phòng hộ tại Việt Nam: Giải pháp quản lý, bảo vệ và phục hồi nhằm đảm bảo an ninh môi trường” Với mong muốn đóng góp vào quá trình tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, cũng như thể chế hóa thực hiện Luật Lâm nghiệp năm 2017.
Tại hội thảo, bà Nguyễn Hải Vân, cán bộ nghiên cứu về rừng của Trung tâm Con người và Thiên nhiên cho biết: Rừng phòng hộ ở Việt Nam đang suy giảm mạnh cả về diện tích và chất lượng. Chỉ tính từ 2004-2014, diện tích rừng phòng hộ đã giảm 1,7 triệu hécta, tương đương tốc độ suy giảm trung bình 23%/năm.
trên thực tế, nhiều năm qua, hệ thống rừng phòng hộ đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức để đảm bảo tính toàn vẹn về diện tích và chức năng sinh thái, xã hội. Theo đó, “tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật, nhất là đối với rừng tự nhiên vẫn tiếp tục diễn ra phức tạp; diện tích rừng phòng hộ liên tục giảm qua các năm.
Hiện nay nước ta chỉ còn hơn 4,5 triệu ha rừng phòng hộ, trong đó có hơn 60% là rừng tự nhiên. Từ năm 2004 đến hết năm 2012, diện tích rừng phòng hộ là rừng trồng có xu hướng tăng dần, nhưng đến năm 2013 lại bắt đầu giảm mạnh. Bà Vân cũng cho biết, trong số 59 Ban quản lý rừng phòng hộ trong phạm vi đánh giá đã có tất cả 168 lần thay đổi diện tích, trong đó có 118 lần là thay đổi giảm diện tích.
Theo bà Nguyễn Hải Vân, Trung tâm Con người và Thiên nhiên, không chỉ diện tích rừng phòng hộ bị suy giảm, thảm thực vật bị chia cắt, mà còn có tình trạng rừng phòng hộ bị phân mảnh dẫn tới chất lượng rừng suy giảm. Hậu quả là tần suất lũ và mức độ khốc liệt của thiên tai gần gây gia tăng, trong đó có một phần nguyên nhân được xác định là do phá hoại và mất rừng đầu nguồn thời gian qua.
Trên phương diện là cơ quan quản lý, ông Nguyễn Tuấn Hưng, Vụ Quản lý rừng đặc dụng và rừng phòng hộ (Tổng cục Lâm nghiệp) cho rằng, để góp phần quản lý tốt diện tích rừng phòng hộ cần huy động nguồn vốn xã hội; gia tăng giá trị của ngành. Đồng thời, tổ chức tốt công tác tuyên truyền, phối hợp các lực lượng, các cơ quan liên quan trong bảo vệ rừng.
H.Thu (t/h)