Thái Bình: Thông tin về Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 17:00, 21/08/2023
Năm 2014, UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt đề án và xác lập khu rừng đặc dụng tại ba xã trên với quy mô 1.430ha rừng, 11.050ha đất ngập nước và bãi bồi.
Việc chuyển đổi trên theo Quyết định 731 xác định quy mô, diện tích, ranh giới khu rừng đặc dụng tại ba xã Nam Phú, Nam Hưng, Nam Thịnh vừa được tỉnh Thái Bình ký ban hành. Khu vực này còn có tên gọi Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải, một trong hai vùng lõi khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng.
Trong đó, diện tích Khu bảo tồn sẽ giảm từ 12.500ha xuống còn hơn 1.320ha (giảm 11.050ha). Phần diện tích này sẽ được xây dựng thành Khu đô thị, du lịch, nghỉ dưỡng, sân golf Cồn Vành - Cồn Thủ.
Ông Đinh Vĩnh Thụy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình lý giải, khu vực rừng ngập nước thuộc ba xã của huyện Tiền Hải được UBND tỉnh xác định là khu rừng đặc dụng lấy tên là "Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải".
Với quyết định này, việc quản lý sẽ dựa theo Luật Bảo vệ và phát triển rừng, theo đó thẩm quyền xác lập quy hoạch rừng thuộc UBND tỉnh. Theo quy hoạch, khu kinh tế được phê duyệt sẽ chồng lấn hơn 11.000 ha khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải, trong đó có 300 ha diện tích rừng đặc dụng. Tỉnh đã điều chỉnh đưa ra khỏi Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2012-2020.
Theo ông Thụy, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải thực tế "chỉ là tên gọi" với mong muốn lúc thành lập là bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước điển hình của vùng Đồng bằng sông Hồng, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, khu vực di trú của các loài chim nước, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên ứng phó biến đổi khí hậu.
"Tuy nhiên, những năm qua do nhiều nguyên nhân khách quan như biến đổi khí hậu nên diện tích rừng ngập mặn ở đây không những không phát triển mà còn bị suy giảm xuống còn hơn 980ha, đa dạng sinh học không còn được như trước. Vì vậy, tỉnh mong muốn thay đổi hướng phát triển để đem lại hiệu quả lớn hơn", ông Thụy nói.
Ngoài ra, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Bình, cho rằng, với lợi thế có tuyến đường bộ ven biển chạy qua kết nối với cảng nước sâu Lạch Huyện, sân bay Cát Bi (Hải Phòng), đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng nên tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp, kinh tế hướng biển.
"Do đó cần phải nhanh chóng hình thành vùng kinh tế ven biển để phát triển đột phá, sớm đưa Thái Bình trở thành tỉnh phát triển của khu vực Đồng bằng sông Hồng", ông Thụy nói thêm.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Lại Văn Hoàn khẳng định, Thái Bình là một vùng đất ven biển, được hình thành bởi bãi bồi của sông Hồng, sông Thái Bình và quá trình khai hoang lấn biển nên công tác trồng, bảo vệ, phát triển rừng luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh Thái Bình đặc biệt coi trọng.
Để phát triển rừng, những năm qua tỉnh Thái Bình đã có chủ trương và nhiều cơ chế chính sách phát triển rừng, trong đó huy động mọi nguồn lực từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn của các tổ chức nước ngoài, các nguồn vốn khác và huy động sự vào cuộc của người dân. Đến nay, tỉnh Thái Bình đã trồng được gần 4.300 ha rừng ở ven biển, tăng gần 600ha so với năm 2015. Tỉnh phấn đấu đến năm 2030 trồng mới thêm 1.000 ha và trồng bổ sung thêm 500 ha. Bên cạnh đó, diện tích rừng ngoài quy hoạch lâm nghiệp khi chuyển mục đích sử dụng đều phải trồng rừng thay thế. Vậy nên, diện tích và chất lượng rừng ven biển của tỉnh Thái Bình không ngừng được mở rộng và nâng cao. Từ đó phát huy hiệu quả phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ sản xuất, đời sống nhân dân, tạo môi trường sinh thái, môi trường sống cho các loài động vật, thực vật.
Thực hiện Quyết định số 1486 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Thái Bình rà soát điều chỉnh các quy hoạch có liên quan đảm bảo phù hợp, thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch chung Khu kinh tế. Trong đó, việc xác định vị trí, quy mô ranh giới cho khu rừng đặc dụng tại 3 xã Nam Phú, Nam Hưng, Nam Thịnh (huyện Tiền Hải) theo Quyết định 731 năm 2023 với quy mô 1.320 ha vừa đảm bảo các khu rừng được xác lập đều có ranh giới để quản lý, vừa tránh chồng lấn với Khu kinh tế Thái Bình đã được Thủ tướng phê duyệt.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết thêm, xây dựng Khu kinh tế Thái Bình là nhiệm vụ chiến lược của tỉnh hiện nay, trong đó phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái là chủ trương xuyên suốt của tỉnh. Nên thời gian tới, tỉnh tiếp tục mở rộng, nâng cao chất lượng diện tích rừng thuộc quy hoạch lâm nghiệp; tập trung thực hiện quy hoạch Khu kinh tế Thái Bình đã được Thủ tướng phê duyệt; thực hiện nhiệm vụ đột phá phát triển trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX "Xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh"; tận dụng tiềm năng, lợi thế của tỉnh ven biển để phát triển kinh tế hướng biển; trong đó thực hiện đầu tư các dự án theo quy hoạch được duyệt, gồm các dự án cảng biển, điện gió, điện khí, công trình giao thông và các dự án khu du lịch và dịch vụ, đô thị tập trung, sân golf Cồn Vành, khu nông nghiệp tập trung…
Trước thông tin tỉnh Thái Bình chuyển đổi hơn 11.050ha Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải làm khu kinh tế, ông Đoàn Hoài Nam, Trưởng phòng Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ, Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay: "Việc tỉnh tự ra quyết định khiến chúng tôi hết sức ngỡ ngàng".
Ông Nam khẳng định khu bảo tồn là một trong hai vùng lõi của khu Dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng và được UNESCO công nhận là một trong những vùng lõi quan trọng của khu dự trữ sinh quyển thế giới. Khu bảo tồn cũng liên quan đến các chương trình ứng phó biển đổi khí hậu theo Nghị quyết 102 của Quốc hội và được nhiều tổ chức quốc tế đầu tư.
Trong quá trình xây dựng quy hoạch, năm 2020, tỉnh Thái Bình đã có văn bản xin ý kiến Bộ Nghiệp và Phát triển nông thôn. Ông Nam cho biết Bộ đã trả lời đây là khu bảo thiên nhiên được UNESCO công nhận nên phải có ý kiến đồng thuận của các bộ Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu Tư, Văn hóa, Thể Thao và Du Lịch.
"Từ đó đến nay, Bộ cũng chưa nhận được phản hồi của UBND tỉnh Thái Bình", ông Nam nói và cho rằng không thể đánh đổi và thực hiện như tỉnh Thái Bình đang làm. Tới đây, khi thực hiện quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có ý kiến về quy hoạch của tỉnh Thái Bình.
Tháng 12/2004, hơn 105.000ha diện tích đất ngập nước ven biển liên tỉnh châu thổ sông Hồng gồm các vùng đất phía nam vùng duyên hải Bắc Bộ, nằm ở cửa sông Đáy, sông Hồng và sông Thái Bình thuộc ba tỉnh Ninh Bình, Nam Định và Thái Bình được UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển đất ngập nước ven biển với hai vùng lõi là Vườn quốc gia Xuân Thuỷ và Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải.
Khu bảo tồn nằm ở tả ngạn cửa Ba Lạt thuộc huyện Tiền Hải, ranh giới phía tây giáp đê thuộc các xã Nam Phú, Nam Hưng và Nam Thịnh; phía nam là sông Hồng; phía đông là dải cồn cát cao Cồn Vành, Cồn Thủ từ cửa Ba Lạt đến cửa Lân, tiếp giáp với biển.
Theo quy định của UNESCO, khu dự trữ sinh quyển cần đáp ứng 7 tiêu chí, trong đó tiêu chí thứ 4 và thứ 5 là có diện tích đủ lớn để thực hiện ba chức năng bảo tồn, phát triển và hỗ trợ. Do vậy, diện tích Khu bảo thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải giảm gần 90% có thể ảnh hưởng tới việc đáp ứng các tiêu chí đã được công nhận.
Theo quy định, 10 năm một lần, các cơ quan liên quan sẽ báo cáo việc đáp ứng tiêu chí, nếu không đủ điều kiện, Hội đồng Điều phối liên chính phủ Chương trình con người và sinh quyển sẽ khuyến nghị chính phủ và đưa vào danh sách đề nghị rút danh hiệu.