Nước lũ bắt đầu đổ về các huyện vùng Đồng Tháp Mười
Nước và cuộc sống - Ngày đăng : 17:30, 22/08/2023
Vùng Đồng Tháp Mười trên địa bàn tỉnh Long An gồm các huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Thạnh Hóa, thị xã Kiến Tường. Liên tiếp nhiều năm qua, người dân vùng lũ Đồng Tháp Mười tại Long An thường xuyên đối mặt với nỗi lo lũ không về, hoặc lũ quá nhỏ làm ảnh hưởng đến sinh kế, sản xuất nông nghiệp.
Trong tâm trạng chung, năm nay những người dân mong ngóng lũ lớn hơn, mang lại lượng phù sa dồi dào bồi đắp cho đồng ruộng, sâu rầy được cuốn trôi.
Anh Lê Văn Hạnh (ngụ xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng) cho biết: “Gia đình có hơn 3ha lúa. Nếu như lũ năm nay không về thì sẽ gặp nhiều khó khăn cho vụ mùa tới”.
Còn ông Trần Văn Chiến (xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng) lo lắng: "Nếu lũ không về hoặc về nhỏ thì người dân sản xuất lúa phải đối mặt với thực trạng đồng ruộng không được vệ sinh, lượng phù sa bồi lắng giảm, chi phí đầu tư cho bơm, trục, thuốc diệt cỏ, sâu rầy, phân bón... nhiều hơn”.
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng Phan Văn Nỉ cho hay, người dân cũng đang trông chờ lũ về để mang lại nhiều sinh kế giăng câu, đánh cá, người thì thu hoạch các sản vật mùa nước nổi như bông súng, bông điên điển, hẹ nước,... để có thêm thu nhập.
Trong mấy ngày qua, nước lũ bắt đầu đổ về các huyện đầu nguồn của tỉnh Long An (Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, thị xã Kiến Tường). Trung bình ngày đêm, mực nước dâng lên từ 3 - 5cm.
Sáng 22/8, mực nước đo được tại Tân Hưng là 1,34m, thấp hơn 16cm so cùng kỳ năm 2022; tại Vĩnh Hưng là 1,32m, thấp hơn 9cm so cùng kỳ năm 2022.
Hiện các xã vùng trũng thấp ở các huyện đầu nguồn của tỉnh, nước lũ đã tràn vào chân ruộng, người dân tập trung vệ sinh đồng ruộng, cày trục đất, đón nhận phù sa.
Dự báo trong những ngày tới, mực nước tiếp tục tăng, những ngày có mưa, mực nước có thể tăng nhanh hơn.
Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, lũ và mưa, bão còn kéo dài, người dân cần cẩn trọng hơn, chằng chống lại nhà cửa, những hộ có nhà ngoài đồng trống, khả năng bị ngập lũ sớm có kế hoạch di dời về nơi an toàn để ổn định cuộc sống.
Diện tích lúa Hè Thu còn lại và lúa Thu Đông ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh, nông dân cần chủ động gia cố bờ bao để tránh thiệt hại; thường xuyên theo dõi tình hình diễn biến lũ, có kế hoạch sẵn sàng ứng phó, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại gây ra.