Thêm ba cơn bão nhiệt đới hình thành ở Đại Tây Dương sau bão Hilary

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 18:30, 22/08/2023

Trong bối cảnh thế giới chuẩn bị cho một mùa bão có mức độ nghiêm trọng hơn bình thường khi mà bão nhiệt đới Hilary tiếp tục đổ bộ vào nước Mỹ, tàn phá miền Nam California thì ở Đại Tây Dương đã hình thành ba cơn bão nhiệt đới nữa.

Theo tờ The Hill ngày 21/8 (giờ Mỹ), ba cơn bão nhiệt đới có tên Franklin, Emily và Gert đã hình thành ở Đại Tây Dương trong vòng chưa đầy 24 giờ khi vùng Tây Nam nước Mỹ tiếp tục bị bão Hilary tấn công.

22-bao.png
Bão Hilary gây mưa lũ, hàng trăm chuyến bay ở Mỹ bị hủy

Theo Trung tâm Bão Quốc gia (Mỹ), bão Franklin ​​sẽ hướng về phía Bắc trong ngày 22/8 (giờ địa phương), mang theo lượng mưa lớn đến Puerto Rico và Hispaniola cho đến giữa tuần và cũng có thể gây ảnh hưởng tới Cộng hòa Dominica và Haiti bắt đầu từ 22/8 - nơi đã ban hành các cảnh báo bão nhiệt đới.

Bão Emily hình thành ở khoảng cách 1.600 km từ quần đảo Cabo Verde và ​​sẽ suy yếu trong những ngày tới. Các nhà dự báo của Trung tâm Bão Quốc gia cho biết cơn bão Emily đã đạt đến cường độ cực đại và không còn có các tiêu chí của một cơn bão nhiệt đới.

Các nhà dự báo cho biết: “Bão Emily đã không có đối lưu sâu trong gần 15 giờ. Mặc dù nhiệt độ bề mặt biển đủ ấm để hỗ trợ các đợt bùng phát đối lưu, nhưng gió đứt mạnh và môi trường rất khô sẽ ngăn nó tái hình thành một cơn bão nhiệt đới trong ít nhất vài ngày tới”.

Dự báo bão Gert cũng sẽ tồn tại trong thời gian ngắn vì nó đang tan nhanh chóng. Trung tâm Bão Quốc gia ước tính rằng sức gió duy trì của cơn bão này là khoảng 64km/giờ, ngay trên ngưỡng cần thiết để đặt tên cho con bão.

Sau khi các nhiễu loạn nhiệt đới đạt đến sức gió duy trì 63km/giờ, chúng sẽ được đặt tên. Khi sức gió đạt hơn 119km/giờ, chúng trở thành một cơn bão lốc xoáy nhiệt đó.

Bên cạnh ba cơn bão nhiệt đới trên ở Đại Tây Dương, các nhà dự báo thời tiết đang tiếp tục theo dõi một vùng nhiễu động nhiệt đới ở Vịnh Mexico. Ngày 21/8, các nhà dự báo thời tiết đã cảnh báo rằng cơn bão nhiệt đới tiềm ẩn số 9 này có thể gây ra lượng mưa lớn cho Nam Texas cùng với lũ quét và lở đất bắt đầu từ ngày 22/8.

Theo các nhà dự báo thời tiết, Hilary là cơn bão nhiệt đới đầu tiên đổ bộ vào Nam California sau 84 năm, gây ra lũ lụt nguy hiểm, lở đất và gió lớn đến khu vực thường bị hạn hán.

Thống đốc bang California, ông Gavin Newsom đã ban bố tình trạng khẩn cấp đối với phần lớn khu vực phía Nam bang này, đồng thời cảnh báo lũ quét trên khắp khu vực cho đến 3 giờ ngày 21/8 (giờ địa phương). Hàng trăm chuyến bay tại các thành phố San Diego, Los Angeles thuộc bang California và thành phố Las Vegas thuộc bang Nevada đã bị hủy bỏ, trong khi các trận đấu thể thao phải dời sang lịch khác. Nhà chức trách cũng đã đóng cửa các học khu thống nhất Los Angeles và San Diego trong ngày 21/8.

Dự báo lượng mưa trong một ngày tại một số khu vực vùng núi và sa mạc ở phía Nam bang California có thể đạt từ 120-250 mm, bằng tổng lượng mưa cả năm. Nhà khí tượng học cấp cao thuộc Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia ở San Diego, ông Alex Tardy, coi đây là một hiện tượng bất thường vì lượng mưa tại khu vực phía Nam bang California và thành phố San Diego vào tháng 8 hàng năm thường rất thấp.

Cơn bão nhiệt đới đầu tiên đổ vào hạt Los Angeles kể từ năm 1939 đã gây lũ lụt nghiêm trọng ở vùng núi San Gabriel, phía Đông thành phố và các khu vực ven biển phía Tây Bắc hạt Ventura. Chính quyền hạt San Bernardino đã ra lệnh sơ tán nhiều thị trấn ở khu vực vùng núi và thung lũng. Tại hạt Ventura, Cơ quan Khí tượng quốc gia cảnh báo nguy cơ lũ lụt đe dọa đến tính mạng do khu vực này được dự báo có lượng mưa lên tới 50 mm chỉ trong 2 giờ.

Nước lũ cũng đã tràn bờ sông Los Angeles vốn chỉ là một dòng chảy nhỏ. Tại thị trấn sa mạc Ocotillo, cách San Diego 145 km về phía Đông, đá lở rơi xuống xa lộ Liên bang 8, gây ảnh hưởng giao thông trên tuyến đường cao tốc đến bang Arizona. Mưa lớn đã khiến đường phố tại thành phố sa mạc Palm Springs, cách Los Angeles 160 km về phía Đông, bị ngập lụt.

Thành phố gồm 45.000 dân này thường ghi nhận lượng mưa khoảng 116 mm trong cả năm, song được dự báo có thể hứng chịu lượng mưa từ 152-254 mm trong trận bão này. Tương tự, khu vực Thung lũng Chết (Death Valley) ở California vốn chỉ ghi nhận lượng mưa khoảng 55 mm mỗi năm có thể hứng chịu lượng mưa từ 76-101 mm do bão Hilary.

Hilary là bão nhiệt đới đầu tiên đổ vào San Diego và khu vực phía Nam California cũng hiếm khi hứng chịu bão. Trong bối cảnh nhà chức trách đang nỗ lực ứng phó với bão Hilary, một trận động đất có độ lớn 5,1 đã làm rung chuyển thành phố Ojai cách Los Angles khoảng 130 km về phía Tây Bắc. Hiện chưa cáo thông báo về thương vong.

Trước đó, bão Hilary đã đổ vào bán đảo Baja California của Mexico khiến gần 1.900 người phải sơ tán đến nơi tránh trú tạm thời. Một người ở thị trấn ven biển Mulege, phía Đông bán đảo Baja California, đã thiệt mạng do bị nước lũ cuốn trôi. Quân đội Mexico cho biết đường dây điện thoại và đường dây tải điện tại một số ngôi làng lân cận đã hư hại. Hải quân Mexico cũng đã sơ tán khoảng 850 người khỏi 5 đảo nằm trên đường đi của bão Hilary vốn được đánh giá là bão cấp 4 trước khi suy yếu...

Hạ Vy