Đìu hiu chợ gỗ Phù Khê
Kinh tế - Ngày đăng : 13:30, 23/08/2023
Trước đại dịch Covid-19 vài năm tôi đã từng có không ít lần tới thăm chợ đồ gỗ mỹ nghệ Phù Khê (phường Phù Khê, TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) và luôn cảm thấy ở đây có một bầu không khí đông vui tấp nập, tiếng cười nói rộn rã... Thế nhưng, vào một ngày cuối tháng 8/2023 gần đây, khi trở lại khu chợ đồ gỗ vào một phiên buổi sáng, tôi đã không còn thấy cảnh người mua kẻ bán đông vui, chen chân, tấp nập như xưa, mà thay vào đó là một khung cảnh đìu hiu, vắng lặng đến buồn tẻ, khi lượng khách tới mua hàng quá ít ỏi, khiến cho tiểu thương - chủ các sạp gỗ “ngóng” khách đến… buồn ngủ.
Khung cảnh chợ gỗ đìu hiu, thưa vắng
Vì tới chợ hơi sớm, các sạp hàng còn chưa mở cửa, chưa gỡ bạt trùm đậy gỗ, nên tôi và người bạn đã kiếm một quán trà đá ở gần khu chợ để ngồi chờ. Hỏi bà chủ quán nước, bà cho biết chợ họp mỗi ngày 2 phiên sáng - chiều, trong đó phiên sáng phải sau 8 giờ mới bắt đầu, buổi chiều thì chợ họp sau 3 giờ và kéo dài cho tới tối muộn. Trò chuyện một lát về tình cảnh khu chợ gỗ nổi tiếng nhất, nhì Miền Bắc của nước ta, bà chủ quán nước ngao ngán, thở dài bảo: “Từ đợt dịch Covid-19 tới tận bây giờ, tính ra đã mấy năm rồi mà khu chợ gỗ vẫn trong tình cảnh đìu hiu thưa vắng, người bán còn nhiều hơn cả khách tới mua gỗ. Con trai cả của tôi thuê sạp bán gỗ ngay đầu chợ kia kìa cũng cố cầm cự để duy trì buôn bán nhưng chả biết tới bao giờ mới làm ăn được… (?!). Nếu tình trạng hàng gỗ ế ẩm như thế này mà kéo dài thêm chỉ một vài năm nữa thì không chỉ người buôn bán gỗ, mà cả những người làm nghề đóng đồ gỗ cũng chết đói…”.
Bà cũng kể cho chúng tôi nguyên nhân khiến khu chợ gỗ thưa vắng ế ẩm, thưa vắng người mua trong những năm gần đây không hẳn tất cả là do kinh tế suy giảm do đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, mà một phần cũng tới từ nguyên nhân do khách Trung Quốc không nhập các sản phẩm đồ gỗ nhiều như các năm từ 2011 đến 2017. Khi sản phẩm đồ gỗ xuất đi Trung Quốc ít thì việc tiêu thụ gỗ ở chợ chậm là điều dễ hiểu, bởi hàng đóng ra dân làng nghề có bán đi đâu được mà có tiền để mua gỗ…
Chia tay bà chủ quán nước trà, lúc này đã là gần 9 giờ sáng, chúng tôi dạo quanh khu chợ gỗ tập trung chính, cũng như các sạp gỗ bày bán bám theo hai bên con đường Nguyễn Văn Cừ, thì thấy lượng khách hàng quá ít ỏi, thi thoảng mới có thưa thớt dăm, ba khách lựa chọn, mua gỗ. Chủ một sạp buôn bán gỗ trong khu chợ gỗ Phù Khê Thượng(gần công viên Phù Khê), đang ngồi bấm điện thoại, thấy chúng tôi dừng trước sạp, chị ngỡ khách mua gỗ đã đon đả chào mời: “Mấy anh lấy gỗ gì, vào chọn đi!”.
Khi biết chúng tôi chỉ là những người đi tham quan, chơi chợ mà không có nhu cầu mua gỗ, chị buồn bã kể rằng mấy năm nay buôn bán ế ẩm, chợ gỗ luôn “vắng như chùa Bà Đanh”, chứ không đông vui, tấp nập như 4 năm trở về trước. Chị còn cho biết, nhiều hôm mở sạp ra bán 2 phiên chợ sáng - chiều mà có khi chỉ bán được vài thanh gỗ trị giá không đầy 500.000 đồng. Nhiều hôm còn chả bán nổi một thanh gỗ…
Tiếp xúc, trò chuyện với anh Nguyễn Văn Tâm, chủ một sạp lớn trong chợ gỗ Phù Khê, chúng tôi được anh cho biết khi xưa chợ gỗ nhộn nhịp, khách mua đông đúc thì gia đình anh luôn phải thuê mướn thường trực 4 nhân viên để đứng bán gỗ, vận chuyển gỗ, vậy mà từ năm 2019 trở lại đây, do gỗ không bán được nên anh đã cho tất cả nhân viên nghỉ việc, công việc buôn bán ở chợ giờ chỉ do 2 vợ chồng anh đảm nhận. Anh Tâm kể: “Khách mua gỗ chả có mấy, nhiều khi ngóng khách tới… buồn ngủ, vậy nên có thuê nhân viên thì cũng làm gì có tiền để mà trả cho họ. Trước dịch Covid-19 sạp tôi có ngày bán được dăm bảy chục triệu tiền hàng là bình thường, vậy mà những năm gần đây có ngày bán nhiều nhất cũng không nổi 5 triệu tiền hàng, đó còn chưa nói tới những hôm ế ẩm chỉ bán được có một vài triệu đồng…”.
Mong thời “hoàng kim” trở lại
Tiếp xúc, trò chuyện với rất nhiều các tiểu thương buôn bán gỗ ở khu chợ gỗ Phù Khê; cũng như người dân các làng nghề đóng đồ gỗ mỹ nghệ ở TP Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh) và một số xã của huyện Đông Anh, Hà Nội như: Liên Hà, Vân Hà, Dục Tú…, chúng tôi đều thấy bất cứ ai cũng đều ao ước, mong muốn thương lái Trung Quốc quay trở lại nhập thật nhiều các sản phẩm đồ gỗ như trước kia để nghề gỗ trở lại cái thời “hoàng kim” như cách đây chừng dăm bảy năm về trước.
Bà Trần Thị Hải, nhà ở phường Đồng Kỵ, TP Từ Sơn, năm nay 60 tuổi, mà chúng tôi gặp ở khu chợ gỗ, khi bà đi chợ để tìm mua vài thanh gỗ về đóng cho xong mấy chiếc ghế mà khách đặt hàng, cho chúng tôi biết, trước đợt dịch Covid-19 xưởng đóng đồ gỗ nhà bà luôn giải quyết công ăn việc làm cho 8 người thợ mộc, bởi khi đó hàng tiêu dùng trong nước đặt nhiều, hàng xuất đi Trung quốc đặt cũng liên tục và thường xuyên, vậy nên mọi người đều phải lao động cật lực mới đáp ứng được đơn hàng. Khi đó, ngày nào gia đình tôi cũng phải ra chợ gỗ ngày 2 lần để lựa chọn mua gỗ mang về đóng đồ, có khi vừa mang gỗ mua được ngoài chợ về tới nhà, thấy thiếu món nào đó là tôi lại chạy ù ra chợ gỗ mua tiếp… Ấy vậy mà mấy năm trở lại đây, kinh tế suy thoái do ảnh hưởng từ Covid-19, cộng với thương lái Trung Quốc không nhập hàng sản phẩm đồ gỗ, nên các làng nghề đồ gỗ hầu như chỉ hoạt động, sản xuất cầm chừng, không ít xưởng thậm chí phải đóng cửa bởi hàng làm ra không bán cho ai được.
Đúng là khi các làng nghề đóng đồ gỗ hoạt động “mạnh” thì khu chợ bán gỗ nguyên liệu mới đắt hàng, làm ăn được là là lẽ đương nhiên và ngược lại khi người đóng đồ không hoạt động, hoặc hoạt động cầm chừng do hàng làm ra không bán được, nên họ không hoặc ít ra chợ mua gỗ, chợ gỗ ế ẩm cũng là điều dễ hiểu, bởi bất cứ một loại hàng hoá nào cũng luôn đòi hỏi cung - cầu phải cân bằng. Cái thời “hoàng kim” của gỗ nguyên liệu và các sản phẩm đồ gỗ thành phẩm ở nước ta nói chung, cách đây chừng gần chục năm, khi mà các khách hàng từ Trung Quốc nhập nhiều sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ, tôi nhớ khi đó cứ đi qua khu chợ gỗ Phù Khê bất kể là phiên buổi sáng hay chiều thì cũng đều bắt gặp cảnh người ta chen chân xem, mua gỗ. Các tiểu thương thì bán gỗ, cân gỗ, rồi đếm tiền đến… mỏi tay. Ngay cả như một số người dân ít vốn, buôn gỗ theo kiểu “buôn đứng bán ngồi”, hay “mua đi bán lại”, nghĩa là họ đi mua các thanh gỗ, miếng gỗ với mỗi món dăm bảy kg, từ sạp này sạp kia, sau đó mang bán lại cho người cần liền tay, vậy mà cũng thu lãi cả hàng trăm ngàn đồng, thậm chí tiền triệu. Chẳng vậy mà có những người kiếm ngày một vài, ba triệu đồng tiền lãi là có thật, quá đơn giản, nhẹ như… “lông hồng”!
Chị Lê Thu, nhà ở phường Hương Mạc, TP Từ Sơn, trước kia làm công việc buôn bán gỗ thời vụ ở chợ gỗ Phù Khê, khi hàng ngày chị ra mua những thanh gỗ loại nhỏ sau đó mang bán cho những khách hàng nào cần. Công vệc không quá nặng nhọc vậy mà có ngày chị cũng kiếm được trên dưới 1 triệu đồng mỗi ngày. Chị Thu kể rằng, khi chợ gỗ bắt đầu ế ẩm, thưa vắng khách mua, chị đã chuyển sang bán nước trà đá, bởi nếu cứ bám theo nghề buôn gỗ sẽ… chết đói. Chị Thu Tâm sự: “Không chỉ tôi, mà tất cả các tiểu thương buôn bán gỗ ở đây, bà con làm nghề đóng đồ gỗ đều mong muốn thời “hoàng kim” trở lại để chợ gỗ đông vui nhộn nhịp, và bà con lại làm ăn được như xưa…”.
Có thể thấy mong muốn của người dân buôn gỗ cũng như làm nghề đóng đồ gỗ là vậy, nhưng để thị trường đồ gỗ mỹ nghệ có thể nhộn nhịp trở lại như trước đại dịch Covid -19 thì có lẽ còn phải… chờ đợi, bởi nền kinh tế của nước ta nói riêng và thế giới nói chung vẫn chỉ đang ở giai đoạn hồi phục sau một khoảng thời gian bị đóng băng do đại dịch Covid-19.