Sạt lở đất ở Việt Nam – Bài 1: Nguyên nhân, thực trạng và thách thức

Môi trường - Tài nguyên - Ngày đăng : 19:00, 25/08/2023

Ở nước ta, nhất là tại các vùng núi, lũ quét và sạt lở đất, đá thường đi kèm với nhau làm gia tăng mức độ nguy hại.

Nguyên nhân gây ra sạt lở đất

Theo Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS) sạt lở đất là sự di chuyển của một khối đá, một tầng đất hay những khối mảnh vụn của đất đá rời rạc trượt xuống một con dốc trên triền núi, đồi hay một địa tầng nào đó. Thông thường những mái dốc đồi, núi thường nằm ở trạng thái ổn định, tuy nhiên do tác động dần dần của sự phong hóa (nước làm mềm đất) hay kiến tạo (khe nứt phát triển) thì liên kết của mái dốc vào khối chính của đồi, núi không thắng được trọng lực, chính những biến động này tác động vào các khối đất đá, mảnh vụn khiến cho độ dốc của núi, đồi không còn giữ được ổn định dẫn đến sạt lở đất, đá.

Bên cạnh đó, theo nhiều nghiên cứu cho thấy lở đất xếp thứ 4 trong 5 loại tai biến tự nhiên ( tai biến địa chất) sau sau động đất, phun trào núi lửa, tuyết lở và đứng trước hố sụt.

satlodat-1566297125-width1200height800.jpg
Ảnh minh họa

Ở nước ta, nhất là tại các vùng núi, lũ quét và sạt lở đất, đá thường đi kèm với nhau làm gia tăng mức độ nguy hại.

Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã đưa ra đánh giá: Lũ quét và sạt lở đất xảy ra ở hầu hết các tỉnh miền núi và trung du trên lãnh thổ Việt Nam.

Theo đó, tất cả các vụ sạt lở đất, đá đều có nguyên nhân. Hầu hết những nguyên nhân sạt lở chính đến từ vấn đề do tác động ngoại lực gây nên, tác động ngoại lực sẽ phá vỡ mọi sức bền liên kết với nhau trên mái dốc, đỉnh đồi khiến cho đất, đá không giữ được trọng lực mà rơi xuống. Những vụ sạt lở thông thường bao giờ cũng kèm theo mưa lớn, nước mưa làm cho các mối liên kết của đất, đá, rễ cây, thảm thực vật bị phân rã. Mặt khác nguyên nhân cũng có thể đến từ những lý do như nước ngầm, động đất, …

Tuy nhiên theo nhiều nhận định, các vụ sạt lở gần đây là do hoạt động của con người khi khai thác rừng quá mức, xây dựng nhiều công trình dân sinh ở dưới chân núi hoặc ngăn chặn dòng chảy để làm thủy điện, …

Biến đổi khí hậu cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng sạt lở đất, đá gia tăng, hình thái thời tiết cực đoan cũng khiến lượng mưa tại các quốc gia nhiệt đới như Việt Nam đang tăng mạnh. Với vị trí địa lý nằm sát biển Đông, Việt Nam là một đất nước phải hứng chịu hầu hết các cơn bão nhiệt đới tới từ ngoài khơi Thái Bình Dương. Chính nguyên nhân này khiến cho các vùng trũng thấp bị ngập lụt và lũ quét, vùng trung du và núi cao bị sạt lở đất, đá.

Theo đó, sạt lở đất được cho là có 3 nguyên nhân chính:

Địa chất: Là nơi tạo nên địa tầng của hiện trạng như đồi núi, sườn dốc. Địa chất có thể yếu đi hoặc bị đứt gãy do các tác động của thời tiết gây nên.

Hình thái: Hình thái liên quan đến sạt lở đất do cấu trúc đất đá quyết định nên địa tầng của hiện trạng, do vậy nếu như thảm thực vật bị mất đi do cháy rừng hoặc hạn hán, chặt phá rừng lấy đất canh tác, khai thác rừng bừa bãi, tạo nên đồi trọc. Thảm thực vật đặc trưng nhất là rừng nguyên sinh. Những cây cổ thụ lớn có thể bám rễ rất nhiều lớp, từng tầng riêng biệt nhau giữ đất tốt hơn trong những trường hợp biến động của thời tiết như mưa dữ dội hoặc giữ vững những địa tầng khi bị động đất cấp độ nhỏ.

Con người: Tác động chủ yếu của con người chính là những hoạt động như phá rừng phát triển nông nghiệp, xây dựng các công trình công nghiệp dân dụng bên trên triền núi, triền dốc. Các công trình tưới tiêu cấp nước, tạo rãnh cho kênh mương… Những hoạt động này đều làm suy yếu cấu trúc dưới chân của triền dốc.

Thực trạng sạt lở đất tại nước ta

Những năm gần đây, ở nước ta, các loại hình thiên tai xảy ra với tần suất và cường độ ngày càng tăng, gây ra những thiệt hại nghiêm trọng, điển hình ở các tỉnh miền núi Bắc Bộ, khu vực Tây Nguyên, các nơi có nền địa chất trên sườn, dốc núi đồi, …

sat-lo-1-1670814060300.jpeg
Sạt lở đất là loại hình thiên tai nguy hiểm. Ảnh: Nhất Phong

Gần đây, tại Lâm Đồng, ngay trong khoảng thời gian từ tháng 6-8/2023 đã liên tiếp xảy ra các vụ sạt lở đất. Cụ thể, rạng sáng ngày 29/6, một vụ sạt lở đất nghiêm trọng xảy ra tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng vào rạng sáng 29/6, khiến 2 người bị vùi lấp, nhiều người bị thương được chuyển đến bệnh bệnh cấp cứu. Thực tế vụ sạt lở đất ở Phường 10 (TP Đà Lạt) là do lượng mưa tích lũy 12 giờ trước khi xảy ra sạt lở khoảng 50 mm, trước 24 giờ khoảng 100 mm.

Tiếp đó, tới ngày 30/7, một vụ sạt lở đất nghiêm trọng khác đã xảy ra tại Trạm Cảnh sát giao thông Madagui, nằm giữa đèo Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng vào chiều 30/7, làm 3 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông Lâm Đồng hy sinh và 1 người là nguyên chiến sĩ nghĩa vụ Công an nhân dân tử nạn. Theo đánh giá của các chuyên gia, vụ sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc, lượng mưa 12 giờ trước đó đạt 170 mm, 24 giờ trước đó 232 mm.

Chưa dừng lại ở đó, hiện tượng sạt lở đất diện rộng tiếp tục xảy ra ở một loạt địa phương trên khắp cả nước. Tại Đắk Nông, sau mưa lớn, nhiều khu vực cũng đã bị sạt lở nghiêm trọng. Lãnh đạo địa phương đã phải ký Quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để ứng phó, khắc phục tại 3 khu vực gồm: Công trình hồ chứa nước Đắk N’Ting, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, đường Hồ Chí Minh qua phường Nghĩa Thành, thành phố Gia Nghĩa và điểm sạt trượt tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức.

Những thách thức trước tình hình sạt lở đất đang ngày càng gia tăng

Theo nhiều nhận định, đứng trước tình trạng sạt lở đất đang ngày càng gia tăng, thách thức lớn nhất của Việt Nam đó là hiện tượng này thường xảy ra ở các vùng núi, đồi với địa hình chia cắt, độ dốc cao, khi xảy ra lũ quét, sạt lở khiến giao thông bị đình trệ, đội ngũ cứu hộ phải mất vài ngày mới có thể tiếp cận được địa điểm xảy ra sạt lở. Bên cạnh đó là nhận thức của người dân khi xảy ra thiên tai vẫn còn chủ quan.

download__2__3e654.jpg
Ảnh minh họa

Tiếp đến, vấn đề dự báo thiên tai cũng là một trong những thách thức trong vấn đề này ở nước ta. Đối với các loại hình thiên tai nguy hiểm, cảnh báo chính xác, kịp thời về thời gian, địa điểm xảy lũ quét, sạt lở đất hiện vẫn là một vấn đề nan giải không chỉ với Việt Nam mà ngay cả những nước có công nghệ dự báo tiên tiến trên thế giới. Với Việt Nam, khó khăn này là do các mô hình dự báo quá trình mưa, lũ còn hạn chế. Mặt khác, do thiếu dữ liệu về quan trắc, địa hình, thiếu thông tin số liệu về cấu trúc thảm phủ, lớp đất, tính chất cơ lý của đất. Sự thay đổi về sử dụng đất, phá rừng, khai thác khoáng sản, làm đường… cũng là những nhân tố gây khó khăn trong công tác dự báo lũ quét, sạt lở đất.

Trong bối cảnh đó, mới đây các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã ứng dụng thành công việc phân tích ảnh viễn thám trong đánh giá hiện trạng sạt lở đất đá ở vùng miền núi. Bên cạnh đó, phân tích ảnh viễn thám cho phép nhận dạng các khối trượt và các yếu tố chính phát sinh trượt lở đất, đá. Đó là các yếu tố cấu trúc địa chất, đới phá hủy kiến tạo, thảm phủ thực vật và những biến động của lớp thảm phủ thực vật...

Mặt khác, do thiếu dữ liệu về quan trắc, địa hình, thiếu thông tin số liệu về cấu trúc thảm phủ, lớp đất, tính chất cơ lý của đất, sự thay đổi về sử dụng đất, phá rừng, khai thác khoáng sản, làm đường, độ dốc, việc tích trữ nước cũng như tác động của việc nghẽn dòng tự nhiên... cũng là những nhân tố gây khó khăn trong công tác dự báo lũ quét, sạt lở đất. Thực tế, một số hiện tượng sạt lở đất trong thời gian qua gây thiệt hại lớn là do tác động của nghẽn dòng.

Biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, cùng với đặc điểm địa hình khu vực bị chia cắt mạnh, sông ngắn, dốc, rừng đầu nguồn bị suy giảm,… đã và đang đặt ra những thách thức mới, khó lường, khó chủ động trong các tình huống thiên tai lớn, bất ngờ. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến phương án phòng chống mưa lũ tại các địa phương không còn phù hợp, cộng đồng, doanh nghiệp và chính quyền các cấp gặp nhiều khó khăn, bị động khi có tình huống thiên tai xảy ra. Thiệt hại về người vẫn còn lớn, nhất là do mưa lũ, nguyên chính vẫn do một số bộ phận người dân, chính quyền địa phương còn chủ quan, thiếu kỹ năng ứng phó.

Bên cạnh đó, còn nhiều rào cản gây khó khăn cho việc thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai. Nhà nước đã đầu tư rất nhiều kinh phí kiện toàn bộ máy dự báo, cứu hộ cứu nạn và phòng chống thiên tai, nhưng chưa thực sự đạt hiệu quả mong muốn. Qua khảo sát cho thấy rất nhiều hộ dân sống ngay cạnh các triền đồi núi có nguy cơ sạt lở cao gia tăng độ nguy hiểm đến tính mạng và tài sản.

Hồng Tú