Sạt lở đất ở Việt Nam – Bài 2: Hậu quả và đánh giá từ các chuyên gia

Môi trường - Tài nguyên - Ngày đăng : 18:00, 26/08/2023

Sạt lở đất đang dần trở thành một trong những loại hình thiên tai nguy hiểm, đe dọa trực tiếp tới tính mạng con người mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường và kinh tế - xã hội.

Những hậu quả khôn lường khi xảy ra sạt lở đất

Trong những năm vừa qua, sạt lở đất đang ngày càng gia tăng và hậu quả mà những trận sạt lở đất đem lại không hề nhỏ. Gần đây, cả nước đã chứng kiến rất nhiều vụ sạt lở đất có quy mô lớn, gây ra nhiều thiệt hại về người và của. Có thể thấy hậu sạt lở đất gây ra rất nhiều những hậu quả khôn lường.

tay-nguyen.jpg
Nhiều tuyến đường ở Tây Nguyên bị sạt lở. Ảnh: Văn Tư

Con người: Sạt lở đất gây ra nhiều thiệt hại lớn, đặc biệt là đe dọa tới tính mạng con người. Đã có rất nhiều người tử vong, bị thương, mất tích, mất đi khả năng lao động. Hay bị sang chấn tâm lý do chứng kiến những thảm họa kinh hoàng xảy ra.

Kinh tế: Tác động của sạt lở đất gây ra thiệt hại về kinh tế vô cùng to lớn. Sau mỗi trận sạt lở đất khiến nhà cửa đổ nát, tài sản bị cuốn trôi, hoa màu, ruộng vườn bị vùi lấp, … tất cả biến mất chỉ sau một trận sạt lở. Nhiều người dân trắng tay không còn kế sinh nhai, điều này càng khiến cho việc phục hồi kinh tế sau thảm họa càng trở nên khó khăn. Bên cạnh đó, đất đai cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng không thể khắc phục trong một sớm một chiều để người dân có thể tiếp tục trồng trọt ngay được.

Môi trường: Sạt lở đất không chỉ gây ra những thiệt hại về con người và kinh tế mà còn có tác động rất lớn tới vấn đề môi trường khi có thể gây ra các vấn đề về ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, …

Sạt lở đất dưới góc nhìn và đánh giá của các chuyên gia

Theo các chuyên gia, nạn phá rừng, xây thủy điện và các tác động khác tới đất rừng để biến đổi mục đích sử dụng chính là những nguyên nhân gây ra những trận sạt lở đất kinh hoàng gần đây. Hiện nay nhiều ngọn đồi đang bị thu hẹp độ che phủ để sử dụng vào các mục đích thương mại khiến cho diện tích rừng nguyên sinh ở Việt Nam không còn nhiều. Điều này khiến cho hệ sinh thái bị mất cân bằng dẫn đến những thảm họa thiên tai mà chúng ta không lường trước được.

Theo các Chuyên gia ngành Lâm Nghiệp Việt Nam. Rừng nhiệt đới nguyên sinh có nhiều tầng khác nhau. Những cây cao tới 40 đến 50m thì dưới tầng của những cây này có thảm thực vật và các tầng cây khác nhau cùng tồn tại hỗ tương với nhau. Lớp mùn lá dày từ 30 – 50 cm. Lớp cây bụi và cây lá kim thấp nếu có một lượng mưa không lớn.

Nước được giữ lại ở trên tầng các lá cây, thậm chí còn không xuống tới mặt đất. Nhưng nếu lượng mưa tăng lên. Xuống tới mặt đất thì gặp lớp cây bụi và lá mục sẽ giữ hầu hết nước từ 80 -90% lượng mưa.

Nếu lượng mưa lớn, rừng nguyên sinh có thể giữ được hầu hết nước, hoặc thấm xuống mạch nước ngầm. Do đó nguy cơ gây lũ quét và sạt lở đất cho phía hạ lưu là rất nhỏ, hầu như khó xảy ra.

Rừng có tác dụng phủ xanh điều tiết môi trường, chúng còn chức năng giữ nước ở thượng lưu. Giảm thiểu tác hại của lũ lụt và sạt lở đất ở vùng hạ lưu. Theo trung tâm Giám Sát và Bảo tồn Thế giới, hiện nay diện tích che phủ rừng đủ tiêu chí tính tỷ lệ che phủ của Việt Nam là 13.926.043 ha, tỷ lệ che phủ toàn quốc là 42,02%.

h26-16907615750001833127225-1690776926231992160130.jpeg
Hiện trường vụ sạt lở tại Trạm CSGT đèo Bảo Lộc. Ảnh: Lâm Viên

GS.TS Bảo Huy - nhà nghiên cứu độc lập về tài nguyên và môi trường rừng, nguyên giảng viên Trường Đại học Tây Nguyên đánh giá về vấn đề sạt lở đất trên vùng đồi núi là do nhiều nguyên nhân, tuy nhiên theo ông quan sát tình trạng sạt lở đất ở các tỉnh Tây Nguyên vừa qua thì hầu hết các trận sạt lở đều xảy ra tại những khu vực không còn rừng. Khi rừng bị chặt phá, đất để trống hoặc trồng rừng đơn loài với cây lâm nghiệp, cây nông nghiệp đã làm thay đổi thảm phủ thực vật, dẫn đến mất khả năng giữ đất, gây sạt lở.

Rừng tự nhiên nhiệt đới có sự đa dạng loài thực vật, gồm cây thân gỗ, cây bụi, thân thảo, dây leo... Tương quan với số tầng tán lá bên trên thì hệ rễ thực vật cũng phát triển sâu, rộng. Các tầng tán lá trước hết ngăn cản nước mưa rơi xuống trực tiếp mặt đất, làm giảm dòng chảy mặt đột ngột, chống dòng chảy mặt mạnh, chống lũ quét. Hệ rễ giúp điều hòa nước, như giữ nước vào mùa mưa, sinh nước vào mùa khô và giữ đất, chống xói mòn.

Trong khi đó, các khu rừng trồng mọc nhanh đơn loài, cây công nghiệp là những kiểu thảm thực vật một tầng tán, một tầng rễ, không đáp ứng được các chức năng đặc biệt về thủy văn, chống xói mòn, sạt lở như rừng tự nhiên. Việc chặt phá rừng tự nhiên đã gây ra nhiều nguy cơ, trong đó có sạt lở đất, lũ quét, hạn hán, đất đai suy thoái, biến đổi khí hậu.

Giáo sư Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận xét, về đất đai, những năm trước đây vùng Đà Lạt trên núi cao nên cấu trúc đất đá khá chặt chẽ. Dân cư còn thưa thớt và người dân hầu như không phàn nàn gì về tình trạng mưa lũ gây khó khăn cho cuộc sống. Cảnh tượng thiên nhiên ở đây thường xuyên mát mẻ, nhiều sương mù, tạo nên một thành phố đầy chất thơ.

Vùng quanh Đà Lạt đều là rừng, như một lá chắn giữ nước không cho tạo thành những dòng lũ gây hiểm họa cho các khu dân cư. Từ đó Đà Lạt đã trở thành một khu nghỉ dưỡng vào hàng cao cấp đối với dân Sài Gòn. Đi dọc từ Đà Lạt xuống Bảo Lộc là những đồi chè bạt ngàn tạo nên thương hiệu trà Bảo Lộc có tiếng khắp các tỉnh phía Nam. Cây chè và đồi chè cũng là hình thức giữ cho đất đai khỏi trượt lở và cũng là nguồn sinh kế của dân địa phương.

Sự phát triển của Đà Lạt gần như đã phá vỡ ý tưởng kiến trúc từ thời Pháp, gây ra những kiểu cách xây dựng dưới chuẩn kỹ thuật, làm hệ thống thoát nước bị ứ tắc, nền móng công trình xây dựng không đỡ nổi sự sụt lở của công trình.

Ở những vùng rừng tự nhiên, rễ cây rừng và cây bụi tạo nên kết cấu đất đá chặt chẽ nay bị chuyển sang làm việc khác khiến cho kết cấu đất đá lỏng lẻo, dễ đổ sập lên cuộc sống con người. Người ta dễ dàng chuyển đất rừng tự nhiên sang làm thủy điện, sang làm vườn cây ăn trái, từ đấy kết cấu đất đá càng trở nên vô cùng lỏng lẻo. Trước đây, một cánh rừng tự nhiên cạnh đường giao thông là vững chãi, nay làm mất rừng vì lợi ích kinh tế mà gặp mưa lớn thì dễ dàng đổ ập xuống đè nát sự phát triển.

Nhiều người hay đổ lỗi cho thiên nhiên gây ra như người xưa vẫn nói nhưng đây là cách trốn tránh trách nhiệm mà chính mình phải gánh chịu. Sạt lở đất cũng chính do con người hám lợi mà gây ra.

Đây là vấn nạn ở rất nhiều địa phương có rừng tự nhiên mà nhẹ dạ cho người dân chiếm cứ rừng để chuyển sang trồng cây ăn trái, cây công nghiệp. Trồng cây lâu năm thì thu lợi trước mắt được nhiều nhưng cái hại lâu dài cho cộng đồng lại rất lớn.

Mặt khác, tình trạng thiếu đất ở nhiều địa phương đông dân sinh kế khó khăn đã đẩy dòng dân di cư tới các tỉnh có nhiều đất rừng tự nhiên để khai phá tìm đất sản xuất. Các địa phương không thể quản lý được dòng dân di cư tự phát này. Những cộng đồng người hỗn hợp không cùng luật tục được hình thành phá vỡ những tập quán dân tộc bản địa từ xưa mà chính quyền không quản lý nổi.

sat-lo-1-16880304493752016012505.jpg
Vụ sạt lở kinh hoàng ở Đà Lạt khiến hai người tử vong, nhiều ngôi nhà bị vùi lấp, hư hỏng. Ảnh: CAND.

Một số chuyên gia khác cũng đánh giá vấn đề sạt lở đất, đặc biệt là tại Đà Lạt là do vấn đề dồn nén đô thị quá mức. Theo ghi nhận tại đây, nếu trời cứ mưa to, nước từ suối Cam Ly lại tràn vào nhà khiến cho cuộc sống của nhiều gia đình ngay tại trung tâm Đà Lạt bị xáo trộn thực sự trong mùa mưa năm nay.

Theo đó, 13 vụ sạt lở được ghi nhận trong hai ngày cuối tháng 6 vừa qua ở Đà Lạt đang được cơ quan chuyên môn tiếp tục xác định nguyên nhân nhưng nhiều ý kiến cho rằng, cũng không thể đổ lỗi hoàn toàn vào thời tiết. Mật độ xây dựng hiện tại đã khiến Đà Lạt bị bê tông hóa, kéo theo gây ngập lụt nhưng lo ngại hơn là làm gia tăng rủi ro sạt lở.

TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai nhận định, nhìn vào hiện trường vụ sạt lở có thể thấy với nền đất đỏ bazan vốn dĩ rất mềm và tơi xốp mà xây dựng các công trình cao 4-5 tầng cheo leo bám vào vách taluy cao 30 mét thì sớm muộn gì sức đè của công trình cũng sẽ khiến nơi đây bị sạt lở. Với các công trình này cần phải khoan cọc nhồi sâu tới tầng đá vỉa thì may ra công trình trụ được.

Dồn nén đô thị là thực tế đã xảy ra ở Đà Lạt. Dễ thấy nhất là làn sóng đầu tư xây dựng khách sạn, khu thương mại, điểm du lịch tại trung tâm Đà Lạt.

Với đặc thù phố núi, hiện tượng "nhà chồng lên nhà" cũng vì thế trở nên nổi cộm tại Đà Lạt, trong khi đó, công tác quản lý lại có những hạn chế. Có thể thấy tác động của vấn đề xây dựng quá nhiều công trình trên địa hình của Đà Lạt khiến cho trọng lực của những địa tầng nơi đây không thể “chịu đựng” thêm khiến cho các triền đồi, núi bị trượt đất và gây ra sạt lở.

Hồng Tú