Mâm lễ cúng Gia tiên Rằm tháng 7 đủ đầy cần có những gì?

Cuộc sống xanh - Ngày đăng : 09:00, 27/08/2023

Rằm tháng 7 là ngày lễ quan trọng trong năm. Chính vì vậy, mâm cúng rằm tháng 7 thường được các gia đình chuẩn bị đơn giản nhưng vẫn phải đầy đủ và kỹ càng.

Rằm tháng 7 trùng vào dịp lễ Vu Lan báo hiếu, cho nên con cháu thường đến chùa cầu siêu cho ông bà, tổ tiên. Vì vậy, lễ cúng rằm tháng 7 âm lịch luôn được tiến hành long trọng hơn những ngày rằm khác trong năm.

Năm 2023, rằm tháng 7 nhằm vào thứ Tư, ngày 30/8 dương lịch. Việc cúng rằm tháng 7 có thể diễn ra từ ngày 2/7 đến trước 12h ngày 15/7 âm lịch, tức từ ngày 17/8 đến ngày 30/8 dương lịch.

Theo lịch vạn niên, thời điểm cúng rằm tháng 7 đẹp nhất năm 2023 là ngày 13/7 âm lịch, tức ngày 28/8 dương lịch. Ngày này được dự đoán rất thuận lợi để cầu tài, xuất hành và đạt được nhiều may mắn.

ram-thang-7.jpg
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, phần lớn gia đình khi cúng rằm tháng 7 chỉ hướng đến việc tri ân, tưởng nhớ tổ tiên, cha mẹ, cảm tạ thần linh, cũng như thể hiện lòng từ bi, thương xót đến những vong hồn cô đơn đói khổ.

Nhiều người không quá coi trọng việc chọn ngày để cầu tài lộc, công danh phú quý. Họ chọn ngày cúng dựa vào điều kiện của mỗi gia đình sao cho thuận tiện nhất, chỉ cần cúng trước 12h ngày rằm tháng 7.

Nghi lễ cúng rằm tháng 7 bao gồm cúng thần linh, cúng gia tiên và cúng chúng sinh (cô hồn) với thời điểm và cách thức thực hiện khác nhau.

Mâm lễ cúng Phật rằm tháng 7

Rằm tháng 7 cũng là ngày lễ Vu Lan báo hiếu, để con cháu tưởng nhớ tới các cụ, ông bà, cha mẹ. Vì vậy, những gia đình theo đạo Phật càng không thể bỏ qua nghi lễ cúng Phật.

Mâm cúng rằm tháng 7 dành cho các vị chư Phật gồm những món chay, đảm bảo thanh tịnh và nhằm thể hiện sự kính trọng, tuân theo luật nhân quả, tránh sát sinh. Những lễ vật thường xuất hiện trên mâm cúng Phật có thể kể đến như:

Hoa tươi có hương thơm: hoa sen, hoa mẫu đơn, hoa huệ, hoa ngâu, không dùng hoa dại, hoa tạp.

Nhang, đèn

Nước trà

Quả chín có hương vị

Xôi, chè, cơm chay, nấm kho, rau xào, canh củ, quả chay…

Mâm lễ cúng thần linh, gia tiên

Cỗ cúng thần linh, gia tiên dịp rằm tháng 7 có thể gồm cơm chay hoặc mặn. Mâm cúng cần chuẩn bị tươm tất nhằm thể hiện sự kính trọng đối với thần linh và tổ tiên đã khuất. Đồ lễ cho mâm cúng này thường có:

Trà, rượu, trái cây, hoa tươi

Gà luộc

Xôi đậu xanh

Bánh chưng

Canh miến mọc

Nem, chả

Thịt xào

Vàng mã, đồ giấy

Mâm cúng cúng chúng sinh ngoài trời

Dịp rằm tháng 7 không thể thiếu mâm cỗ cúng chúng sinh hay còn gọi là cúng cô hồn, cúng thí thực. Mâm cỗ này dành cho những vong linh vất vưởng không nơi hương khói với những đồ lễ như:

Cháo trắng nấu loãng

Nước

Bánh, kẹo, bỏng ngô, đường thẻ

Nhang, nến

Trái cây

Tiền lẻ

Gạo, muối

Khoai, bắp luộc

Theo văn hóa của người Việt từ xưa tới nay, cúng chúng sinh hay còn gọi cúng cô hồn được xem là một nghi lễ truyền thống, được truyền từ đời này sang đời khác. Trong lễ cúng có đồ cúng, bài cúng cô hồn và cả phần lễ hóa vàng để cúng cho những hồn ma quỷ, xua đuổi vận hạn và cầu được bình an.

Đồ cúng cô hồn thì nên mang cho những người lang thang cơ nhỡ, không mang các đồ đã cúng vào nhà để sử dụng. Những thứ khó dùng như muối gạo bỏng có thể rắc ra ngoài đường hoặc hóa kèm với vàng mã cho các cô hồn thụ hưởng.

Khi cúng cô hồn, theo thói quen, nhiều người thường cầu xin nhiều việc như khi đi lễ tại đền, chùa… Tuy nhiên việc này không nên thực hiện khi cúng cô hồn. Vì cúng cô hồn ngoài đường là việc làm phước của các gia đình dành cho các vong linh, cầu siêu để các vong linh sớm giác ngộ và đầu thai chuyển kiếp.

Theo truyền thống xưa, các gia đình sẽ mua quần áo chúng sinh bằng giấy nhiều màu sắc (xanh lam, xanh lá mạ, vàng, hồng...). Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây Giáo hội Phật giáo Việt Nam khuyến cáo không nên sử dụng vàng mã, tránh lãng phí. Đồng thời Giáo hội cũng cấm đốt vàng mã trong các cơ sở thờ tự. Bởi vậy, các gia đình có thể cân nhắc hình thức này.

Minh Lâm