Quảng Ngãi tập trung tái tạo rừng ngập mặn ven biển

Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 09:09, 09/01/2018

(Moitruong.net.vn) – Quảng Ngãi đã và đang tập trung khôi phục và trồng mới một số diện tích rừng ngập mặn ở các địa phương ven biển, nhằm chủ động ứng phó và hạn chế những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Quảng Ngãi đang tập trung tái tạo rừng ngập mặn ven biển

Với hệ động thực vật đa dạng, độc đáo, đặc trưng, rừng ngập mặn đóng vai trò quan trọng trong phòng chống thiên tai, là lá phổi xanh điều hòa khí hậu và cũng là nơi cung cấp nhiều loài thủy hải sản quý.

“Mùa nước nổi tháng 8, cá, tôm trong rừng ngập mặn nhiều vô kể. Người nào siêng năng đánh bắt thì không phải tốn tiền chợ hằng ngày. Rừng ngập mặn ý nghĩa với người dân chúng tôi là thế”, ông Phạm Sinh, ngụ xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) cho hay.

Rừng ngập mặn không chỉ có ý nghĩa bảo vệ môi trường sinh thái, mà còn là sinh kế của người dân ven biển. Thế nhưng, trong mười năm trở lại đây, khi Quảng Ngãi phát triển nuôi tôm ồ ạt, nhưng lại không có quy hoạch, dẫn đến rừng ngập mặn bị những đìa tôm, ao cá thay thế dần, chỉ còn lại khoảng 200ha.

“Trước đây, khu vực này có rừng đước, nhưng sau này bị phá dần để lấy đất làm hồ nuôi tôm. Vào mùa mưa, hồ nuôi tôm bị sạt lở, do không còn rừng che chắn, nên nước biển cứ thế xâm thực vào sông. Con cua, con cá trong sông vì thế mà ngày một vơi dần”, nông dân Phạm Trinh, thôn Tuyết Diêm, xã Bình Thuận (Bình Sơn) cho biết.

Trước thực trạng rừng ngập mặn đang ngày một suy kiệt, khiến tình trạng nước biển xâm thực diễn ra ngày một nghiêm trọng, những năm gần đây, Quảng Ngãi đã tập trung triển khai nhiều dự án khôi phục và trồng mới rừng ngập mặn, nhằm giải quyết tình trạng xâm thực, tăng cường khả năng phòng hộ, điều hòa khí hậu, bảo vệ hệ sinh thái ven bờ biển và tạo ra sinh kế cho người dân.

Trong giai đoạn 2014 – 2015, Quảng Ngãi đã triển khai Dự án trồng mới và phục hồi 104ha rừng ngập mặn ven biển xã Bình Thuận. Giai đoạn 2015 – 2020, Quảng Ngãi có 4 dự án trồng mới và phục hồi rừng ngập mặn ven biển là trồng mới 308ha rừng ngập mặn; trồng 192ha rừng phòng hộ ven biển và cảnh quan môi trường; trồng 200ha, cải tạo 50ha rừng ngập mặn ven biển các xã Bình Phước, Bình Đông, Bình Dương (Bình Sơn) và dự án xây dựng hệ thống đê bao nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển hạ tầng khu vực xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi).

Cây trồng rừng ngập mặn của các dự án này chủ yếu là đước, bần, mắm, dừa nước… Từ đó sẽ hạn chế dòng chảy của triều cường, giảm mất đất ở, đất sản xuất; giảm sự xói lở do sóng biển gây ra và nhiễm mặn vào mạch nước ngầm…

Chia sẻ niềm vui khi rừng ngập mặn tại địa phương được phục hồi, bà Nguyễn Thị Ái, ở thôn Phước Hòa, xã Bình Trị (Bình Sơn) nói: “Việc trồng mới và phục hồi rừng ngập mặn ít nhiều cũng ảnh hưởng đến công việc đánh bắt thủy sản cũng như nuôi tôm của chúng tôi. Nhưng khi rừng phát triển ổn định thì chúng tôi sẽ có nguồn thu lâu dài từ tôm cá trong rừng ngập mặn và sẽ không lo bị nước mặn xâm thực. Chúng tôi ủng hộ chủ trương này”.

Theo báo Quảng Ngãi