An Giang kiến nghị đầu tư 3 dự án khắc phục sạt lở khẩn cấp
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 17:00, 30/08/2023
Theo UBND tỉnh An Giang, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh này xảy ra 73 vụ sạt lở, răn nứt, sụp lún đất bờ sông, kênh, rạch.
Tình hình sạt lở trên địa bàn tỉnh An Giang gần đây diễn biến phức tạp và ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người dân, ảnh hưởng đến sản xuất và lưu thông đường thủy, bộ, trong khu vực bị sạt lở.
Do kinh phí khắc phục sạt lở sông rạch là rất lớn, nguồn lực của tỉnh còn rất khó khăn không đảm bảo nguồn để thực hiện, UBND tỉnh An Giang kiến nghị Trung ương quan tâm, hỗ trợ tỉnh đầu tư các dự án khắc phục sạt lở khẩn cấp, với tổng kinh phí 397 tỷ đồng.
Cụ thể, các dự án đó gồm: Dự án kè xử lý khẩn cấp sạt lở bờ bắc kênh Rạch Giá - Long Xuyên thuộc khu vực tổ 15, ấp Bình Khánh, xã Mỹ Khánh, TP. Long Xuyên, với chiều dài kè 350m, tổng mức đầu tư 50 tỷ đồng.
Dự án kè khắc phục sạt lở bờ sông Tiền đoạn tiếp giáp đầu kè Tân Châu, phường Long Châu, thị xã Tân Châu, với chiều dài 1.426m, tổng mức đầu tư 272 tỷ đồng.
Dự án kè xử lý khẩn cấp sạt lở bờ Tây sông Hậu tại tổ 44, khóm Bình Đức 4, phường Bình Đức, TP. Long Xuyên (từ đầu kè hiện hữu về phía cầu Cần Xây), với chiều dài kè 500 m, tổng mức đầu tư 75 tỷ đồng.
Tỉnh An Giang cam kết thời gian thực hiện giải ngân, đảm bảo công tác thi công và hoàn thành các dự án trong năm 2024.
An Giang là tỉnh ở đầu nguồn của Đồng bằng sông Cửu Long, có rất nhiều sông, kênh, rạch. Trong đó, có hai dòng sông chính là sông Tiền và sông Hậu bắt nguồn từ sông Mê Kông chảy vào Việt Nam, với rất nhiều đoạn sông cong, có địa hình tương đối cao hơn một số tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hàng năm chịu tác động của dòng chảy lũ thượng nguồn đổ về từ tháng 6 đến tháng 11.
Đồng thời, An Giang là vùng đất trẻ, nền đất yếu, rất dễ bị xâm thực, bào mòn nhanh. Đó cũng là những yếu tố dẫn đến An Giang bị ảnh hưởng sạt lở nhiều hơn một số tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.