Quảng Ninh: Khẩn trương tìm giải pháp bảo tồn hòn Trống Mái
Môi trường du lịch - Ngày đăng : 18:00, 30/08/2023
Hòn Trống Mái trên vịnh Hạ Long gồm 2 đảo đá nhỏ có hình dạng như một đôi gà trống - mái, dưới tác động của thời gian, bão tố và sóng biển, chân đảo hẹp hơn phần thân, đảo có cấu tạo đơn nghiêng với nhiều hệ thống khe nứt, lại thường xuyên chịu tác động của mưa, gió, sóng biển...; hòn Trống Mái đang đứng trước nguy cơ đổ sập, nếu không có phương án bảo vệ.
Tháng 11/2020, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã đề xuất với UBND tỉnh bổ sung nhiệm vụ “Nghiên cứu đánh giá hiện trạng và các yếu tố ảnh hưởng làm cơ sở đề xuất các giải pháp bảo tồn hòn Trống Mái, vịnh Hạ Long” vào danh mục các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2021. Trên cơ sở đó, Sở KH&CN tổ chức tuyển chọn tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ.
Về các giải pháp xã hội và ngắn hạn nhằm giảm thiểu mức độ tác động lên hòn Trống Mái: Đề nghị các DN và các chủ phương tiện vận tải khách có hành trình qua các điểm tham quan vịnh Hạ Long khi di chuyển qua khu vực hòn Trống Mái phải thực hiện các biện pháp giảm thiểu các tác động trực tiếp cũng như phương án đảm bảo an toàn giao thông đường thuỷ qua khu vực hòn Trống Mái như giảm tốc độ di chuyển phương tiện tới mức thấp nhất (10km/h), giữ khoảng cách tiếp cận gần hòn Trống Mái tối thiểu 70m, áp dụng các biện pháp cảnh báo bằng tín hiệu trên phương tiện để tránh ùn tắc giao thông và va chạm tại khu vực tham quan; phổ biến nâng cao ý thức của các chủ tàu, thuyền, du khách và người dân địa phương về bảo vệ di sản…
Giải pháp khoan neo áp dụng cho các khối đá có nguy cơ trượt phẳng cao.
Giải pháp xây tường bê tông: Áp dụng cho các khối đá đã bị sạt mất phần chân, bề mặt đá bị phong hoá mạnh.
Trám bịt các hệ thống khe nứt mở, giảm thiểu tốc độ ăn mòn trong các hệ thống khe nứt.
Giải pháp chống ăn mòn chân đảo: Phun vảy bê tông trộn sợi polime nhằm bảo vệ chân đảo.
Thực hiện các biện pháp giảm thiểu các tác động trực tiếp và giữ ổn định hòn Trống Mái trên cơ sở tuân thủ đúng các quy trình, quy định của Luật pháp Việt Nam và hướng dẫn của Công ước quốc tế.
Đồng thời, về lâu dài, Quảng Ninh đang lựa chọn một giải pháp khả thi như dùng neo bảo vệ các khối trượt, bơm trám xi măng khe nứt, xây tường bê tông chịu lực hỗ trợ gia cố vách hang và hệ thống đê bao vòng quanh chân đế hòn Trống Mái..., theo nguyên tắc: bảo tồn, không làm thay đổi cảnh quan.
Theo ông Vũ Kiên Cường, Trưởng Ban Quản lý vịnh Hạ Long thì, đây là kết quả nghiên cứu, đề xuất của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản. Để có giải pháp tối ưu, Quảng Ninh sẽ nhanh chóng lựa chọn thông qua ý kiến của các chuyên gia, thông qua hội thảo khoa học và tham khảo các đề tài khoa học trên thế giới...
Việc bảo tồn hòn Trống Mái là rất quan trọng và không thể chậm trễ; tỉnh Quảng Ninh đã có những hành động được cho là rất kịp thời nhưng cũng rất thận trọng vì bảo tồn phải bảo đảm hạn chế tối đa tác động vào thiên nhiên, đặc biệt là không để tạo ra một hòn Trống Mái mới trên vịnh Hạ Long.
Hy vọng rằng, với những bước đi nhanh chóng và thận trọng này, hòn Trống Mái, biểu tượng của Hạ Long xinh đẹp sẽ được bảo vệ vững chắc với thời gian, trước mọi mưa giông, bão tố và nước biển xâm thực.