Thanh Hóa có gần 1.000 công trình thủy lợi hư hỏng cần duy tu, sửa chữa

Nước và cuộc sống - Ngày đăng : 19:00, 30/08/2023

Thanh Hóa là địa phương có nhiều công trình thủy lợi như hồ đập, trạm bơm... được xây dựng từ hàng chục năm trước, nay đã xuống cấp, hư hỏng, cần duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa, khắc phục.

Để chủ động ứng phó với các diễn biến bất thường của thời tiết, bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, tỉnh Thanh Hóa đang triển khai nhiều biện pháp để bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa, lũ năm 2023.

Theo thống kê, trên địa bàn huyện Thạch Thành có 72 hồ đập vừa và nhỏ, các hồ chứa được xây dựng từ nhiều năm trước, đa phần là đập đất, hiện đã xuống cấp.

cong-trinh-thuy-loi.jpg
Nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xuống cấp

Ông Hoàng Minh Sơn, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thạch Thành, Thanh Hóa cho biết, năm 2023, huyện Thạch Thành có 5 hồ chứa có nguy cơ mất an toàn, xuống cấp nghiên trọng. Để đảm bảo an toàn các công trình hồ đập, huyện đã chuẩn bị đầy đủ các phương án phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, góp phần thực hiện tốt phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão, đảm bảo cung cấp nước cho sản xuất và đời sống của người dân.

Tương tự, tại huyện Vĩnh Lộc, do ảnh hưởng của các đợt mưa bão trong năm 2022, cống Bồng Thôn nằm ở vị trí K20+900 đê tả sông Mã (xã Minh Tân, huyện Vĩnh Lộc) bị hư hỏng nặng. Đáy bê tông sân trước bể tiêu năng và đáy bể tiêu năng bị lồng sập, mái gia cố hai bên bờ tả và bờ hữu bằng tấm lát bê tông bị sạt trượt, hư hỏng hoàn toàn, trên trục tiêu của cống có một số đập chắn do người dân đắp để giữ nước chống hạn cần phải được thanh thải, phá bỏ trước mùa mưa lũ.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc, tình trạng nhiều trạm bơm, cống lấy nước… xuống cấp đã khiến giảm hiệu quả tưới, tiêu, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp.

Để đảm bảo an trong mùa mưa bão năm nay, UBND huyện Vĩnh Lộc đã chuẩn bị các phương án ứng phó, đối với các dự án, công trình thủy lợi hồ chứa, trạm bơm, kè chống sạt lở đang thi công. Lãnh đạo huyện đang đôn đốc các nhà thầu khẩn trương hoàn thành để chủ động ứng phó với mùa mưa bão năm nay đồng thời tăng cường lực lượng kiểm tra, canh gác phát hiện sớm những sự cố đê điều để xử lý, ứng cứu ngay từ giờ đầu, đặc biệt là các vị trí đê xung yếu.

Ông Trịnh Việt Cường, Trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Vĩnh Lộc cho hay, trên địa bàn có một số trạm bơm phục vụ điểm lẻ như trạm bơm xã Vĩnh Hưng, do biến đổi dòng chảy của sông Bưởi, mực nước xuống thấp, dẫn đến lượng nước hút lên của trạm bơm bị hạn chế. Trong đợt nắng nóng diện rộng vừa qua, Hợp tác xã nông nghiệp xã Vĩnh Hưng phải vận hành nhiều ngày mới đảm bảo nước tưới của bà con.

Qua kiểm tra các công trình thủy lợi trước mùa mưa lũ năm 2023, Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa cho biết trên địa bàn tỉnh hiện có 964 công trình thủy lợi bị hư hỏng, cần duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa, khắc phục trong đó có 169 hồ chứa, 154 đập dâng, 237 trạm bơm, 603 kênh và hệ thống kênh tưới, tiêu…

Đáng lưu ý, Thanh Hóa hiện có 96 hồ chứa bị hư hỏng nặng, có nguy cơ mất an toàn trên địa bàn 13 huyện, thị xã gồm Như Thanh (15 hồ), Thạch Thành (14 hồ), Thường Xuân (13 hồ), Ngọc Lặc (11 hồ)… Năm 2023 tỉnh đã bố trí đầu tư vốn để triển khai thi công sửa chữa, nâng cấp 61 công trình; trong đó có 19 hồ, 15 đập dâng, 16 trạm bơm, 11 kênh mương.

Không chỉ mất an toàn tại nhiều công trình thủy lợi, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn nhiều công trình vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện hơn 2,5 nghìn vụ vi phạm bảo vệ công trình thủy lợi.

Các vi phạm chủ yếu là xây dựng nhà ở, công trình, quản lý an toàn đập, hồ chứa, gây cản trở dòng chảy, xả rác thải, nước thải vào công trình thủy lợi. Kết quả xử lý vi phạm đã có chuyển biến, trong đó số vụ kiến nghị UBND cấp xã, huyện xử lý là 68/80 vụ.

Các vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn mới chỉ dừng lại ở việc lập biên bản, nhắc nhở, vận động các tổ chức, cá nhân tự giác tháo dỡ, khôi phục hiện trạng, chưa xử phạt vi phạm hành chính.

Báo cáo của Sở NN-PTNT cũng chỉ rõ, nguyên nhân tồn tại như trên là do thiếu sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền các cấp, sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong kiểm tra, xử lý còn nhiều hạn chế. Nhiều công trình chưa được cắm mốc chỉ giới bảo vệ, phổ biến, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ công trình thủy lợi chưa được quan tâm đúng mức

Bà Nguyễn Thị Anh Nga, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa cho biết: "Để đảm bảo an toàn cho các công trình hồ chứa nước nói chung và các hồ chứa bị hư hỏng nặng, có nguy cơ mất an toàn nói riêng, Sở NN-PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh và chỉ đạo các đơn vị có trách nhiệm tích nước hạn chế đối với 68 hồ và không tích nước 1 hồ bị hư hỏng nặng, có nguy cơ mất an toàn.

Tập trung huy động các nguồn lực gia cố, khắc phục sửa chữa các hạng mục công trình để hạn chế tình trạng xuống cấp; đẩy nhanh tiến độ thi công các hồ chứa nhằm đảm bảo vượt lũ, chống lũ an toàn; rà soát, xây dựng phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp, phương án ứng phó thiên tai sát với hiện trạng công trình, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện theo quy định.

Chuẩn bị vật tư phòng, chống lụt bão đảm bảo đầy đủ theo phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng xử lý khi có sự cố. Đặc biệt, lưu ý các hồ chứa nhỏ có nguy cơ nước tràn qua đỉnh đập đất cần phải trải bạt phủ kín mặt và chân đập hạ lưu để tránh xói lở, gây vỡ đập. Tổ chức lực lượng tuần tra, canh gác các hồ chứa khi có hình thái thời tiết bất thường".

Theo Sở NN-PTNT Thanh Hóa, để hoàn thiện hệ thống hạ tầng thủy lợi, ngành nông nghiệp Thanh Hóa đang tiếp tục phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố rà soát, đánh giá tình trạng của các công trình thủy lợi, từ đó đề xuất, xây dựng phương án sửa chữa, nâng cấp phù hợp.

Hoàng Linh