Năm học 2023-2024: Cả nước thiếu khoảng 120.000 giáo viên

Giáo dục - Ngày đăng : 19:30, 31/08/2023

Theo thống kê sơ bộ mới nhất trên cơ sở dữ liệu ngành, hiện cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên, con số này tăng thêm 11.308 người so với năm học 2021-2022.
31-gv.jpg
Năm học 2023-2024: Cả nước thiếu khoảng 120.000 giáo viên (Ảnh minh họa)

Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, so với định mức theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên mầm non, phổ thông (tính đến cuối năm học 2022-2023). Cụ thể, cấp mầm non thiếu 51.955 giáo viên; cấp tiểu học thiếu 33.112 giáo viên; cấp THCS thiếu 19.304 giáo viên và cấp THPT thiếu 13.882 giáo viên. So với năm học 2021-2022, số giáo viên còn thiếu tăng 11.308 người.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2022 - 2023, số trẻ đến trường tăng thêm 132.245 so với năm học 2021 - 2022, tương đương cần tăng thêm khoảng 5.500 giáo viên. Trong khi đó, cấp tiểu học, tỉ lệ lớp học 2 buổi/ngày tăng 4,6% so với năm học trước, tương đương tăng 10.811 lớp học 2 buổi/ngày đồng nghĩa với việc cần thêm khoảng 3.000 giáo viên. Cấp THPT cần tăng thêm khoảng 1.500 giáo viên.

Cùng với đó, năm học 2022 - 2023 toàn quốc có số lượng giáo viên nghỉ hưu và nghỉ việc nhiều (10.094 giáo viên nghỉ hưu và 9.295 giáo viên nghỉ việc). Giáo viên nghỉ việc chủ yếu tập trung ở các vùng kinh tế - xã hội phát triển, có nhiều sự lựa chọn để chuyển đổi nghề nghiệp với mức thu nhập cao hơn.

Một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên là thiếu nguồn tuyển một số môn đặc thù; sức hút vào ngành còn hạn chế; việc tuyển dụng và tinh giản biên chế ở một số nơi còn bất cập, một số địa phương thực hiện tinh giản biên chế ở các địa phương còn cào bằng về tỉ lệ, chưa linh hoạt, cắt giảm cơ học số lượng người làm việc...

Năm học 2022 - 2023, cả nước tuyển mới 17.208 giáo viên, chỉ bằng 61% so với chỉ tiêu biên chế được giao bổ sung. Bên cạnh đó, toàn quốc còn 74.172 biên chế giáo viên được giao từ những năm trước nhưng chưa tuyển được.

Hiện nay nhiều địa phương thiếu nhiều nhất là giáo viên dạy các môn học mới (các môn tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật) nhưng chậm được khắc phục. Chỉ tiêu phân bổ giáo viên cho các địa phương đa số thấp hơn so với nhu cầu thực tế.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ ra nguyên nhân chính dẫn đến số giáo viên cấp học Mầm non thiếu cao hơn so với năm học trước là do số trẻ đến trường năm học 2022-2023 tăng thêm 132.245 trẻ (tương đương cần tăng thêm khoảng 5.500 giáo viên).

Cấp Tiểu học, tỉ lệ lớp học 2 buổi/ngày năm học 2022-2023 tăng 4,6% so với năm học trước (tương đương tăng 10.811 lớp học 2 buổi/ngày, cần tăng thêm khoảng 3.000 giáo viên).

Cấp Trung học Phổ thông tăng 669 lớp so với năm học trước (tương đương cần tăng thêm khoảng 1.500 giáo viên).

Trong năm học 2022-2023, toàn quốc có hơn 19.300 giáo viên công lập nghỉ hưu và nghỉ việc.

Những vùng có tỉ lệ thấp nhất cả nước như: Bậc mầm non có vùng miền núi phía Bắc tỷ lệ giáo viên/lớp thấp nhất cả nước với 1,6. Bậc tiểu học có vùng đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Nam Bộ tỷ lệ giáo viên tiểu học/lớp thấp nhất đạt 1,29. Bậc THCS có vùng Đông Nam Bộ tỷ lệ giáo viên 1,69 thầy cô/lớp...

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường, để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, Bộ Nội vụ đang phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, căn cứ nhu cầu, so sánh định mức để trình Chính phủ cùng các cấp có thẩm quyền bổ sung biên chế trong thời gian tới.

Hiện nay, ở nhiều nơi đang diễn ra tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ tại một số địa phương và thiếu cân đối cơ cấu giáo viên giữa các môn học cùng một cấp học ở các vùng miền có điều kiện kinh tế xã hội khác nhau.

Nguyên nhân là do các quy định hiện hành về số học sinh/lớp học không phân biệt vùng miền. Nhiều địa phương không bố trí đủ học sinh, đặc biệt vùng sâu, vùng xa. Do đó, trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể xem xét điều chỉnh biên chế theo từng vùng miền.

Cũng theo ông Triệu Văn Cường thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cần khẩn trương hoàn thiện các nội dung liên quan đến thể chế. Về phía các địa phương, cần đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông gắn với nâng cao chất lượng giáo dục; hình thành trường phổ thông nhiều cấp; chuyển đổi mô hình các cơ sở giáo dục mầm non, Trung học Phổ thông công lập sang ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hoá. Đồng thời, các địa phương cần phê duyệt đề án tự chủ của các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý, trong đó xác định rõ lộ trình tự chủ tài chính.

Được biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp Bộ Nội vụ đề xuất giao bổ sung biên chế giáo viên. Trên cơ sở đề xuất, Bộ Chính trị đã bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn 2022 - 2026, riêng năm học 2022 - 2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập.

Đặc biệt, Bộ cũng đang tập trung các giải pháp cải thiện môi trường, điều kiện làm việc, ổn định cuộc sống nhà giáo; phối hợp Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết số 102/2020/NQ-CP về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế, trong đó cho phép các cơ sở giáo dục được ký hợp đồng lao động (dưới 12 tháng) đối với các vị trí việc làm là giáo viên trong phạm vi số lượng biên chế viên chức được cấp có thẩm quyền giao và theo định mức quy định để kịp thời thay cho số giáo viên nghỉ thai sản, nghỉ hưu theo chế độ và để bố trí giáo viên dạy buổi thứ 2 trong ngày (đối với cơ sở giáo dục dạy 2 buổi/ngày).

Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp, gồm sửa đổi, bổ sung các quy định về định mức giáo viên/lớp; thí điểm cơ chế tự chủ đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục; kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền về chế độ, chính sách đối với nhà giáo để thu hút người giỏi vào làm giáo viên, để giáo viên yên tâm công tác gắn bó với nghề, bảo đảm ổn định đội ngũ; tiếp tục rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp; chuẩn bị đủ nguồn tuyển giáo viên...

Hà My