An Giang chủ động phòng, chống thiên tai mùa mưa bão
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 18:00, 02/09/2023
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh An Giang, mưa, giông, sét gây chết 2 người tại huyện Phú Tân và Châu Phú. Đồng thời, làm 248 căn nhà bị sập, tốc mái, ước thiệt hại 3,2 tỷ đồng. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh xảy ra 71 vụ sạt lở, răn nứt, sụp lún đất bờ sông, kênh, rạch, tổng chiều dài 3,4km, gây ảnh hưởng 95 căn nhà, ước thiệt hại về đất khoảng 8 tỷ đồng.
Ảnh hưởng đợt thiên tai từ ngày 27 - 31/7/2023 làm cho diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Tri Tôn, Châu Thành, TX. Tịnh Biên, TP. Long Xuyên bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Riêng địa bàn TX. Tịnh Biên, bão số 2 và những cơn mưa lớn trên diện rộng gây thiệt hại 538ha đất sản xuất nông nghiệp; tốc mái hoàn toàn 1 căn nhà ở xã An Cư. Tại xã An Hảo, xảy ra sạt lở tại 2 vị trí đất khu vực ấp Vồ Bà, mỗi vị trí sạt lở chiều ngang khoảng 15 - 20m, dài 100m. Cùng với đó, sạt lở xảy ra tại bờ bắc kênh Văn Lanh (ngoài vùng đê bao 3 vụ) thuộc ấp An Lợi, tổng chiều dài khoảng 5m...
Bên cạnh đó, tình hình thủy văn trong tháng 8/2023 có diễn biến mới, khi mực nước trên sông, kênh, rạch trong khu vực tỉnh tiếp tục chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều. Các trạm trong khu vực nội đồng còn chịu ảnh hưởng bởi lượng mưa nội vùng và quy trình vận hành hệ thống công trình thủy lợi vùng Tứ giác Long Xuyên.
Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Ứng phó biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh An Giang, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Lương Huy Khanh cho hay: “Ở vùng hạ lưu, mực nước cao nhất tháng trên sông Hậu tại Long Xuyên có khả năng từ trên báo động I đến báo động II. Trên rạch Ông Chưởng tại huyện Chợ Mới, mức trên báo động I từ 0,05 đến 0,1m. Trong khu vực nội đồng Tứ giác Long Xuyên, mực nước cao nhất tháng tại các trạm xuất hiện trong những ngày cuối tháng, ở mức cao hơn từ 0,05 - 0,5m; mực nước thấp nhất tại các trạm có khả năng xuất hiện trong tuần giữa tháng, ở mức cao hơn so với cùng kỳ năm 2022 từ 0,05 - 0,35m... Điều này đòi hỏi các ngành, địa phương trong tỉnh cần tập trung tuyên truyền, kịp thời thông tin dự báo, cảnh báo về mưa lũ, bão để chủ động ứng phó với lũ lớn, lũ lên nhanh trong những ngày tới”.
Trước diễn biến phức tạp của tình hình thiên tai, Ban Chỉ huy Ứng phó biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh An Giang yêu cầu các ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai, cách phòng tránh thiên tai trên báo chí, mạng xã hội, nhằm tránh bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Cụ thể, cần tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, hướng dẫn người dân chằng chống, tu sửa nhà ở, kho tàng, nhà máy, xí nghiệp, công trình công cộng để tăng độ vững chắc. Cắt tỉa cây xanh, cây to có nguy cơ đổ ngã, kiểm tra biển hiệu, pa-nô, biển quảng cáo có khả năng mất an toàn nhằm đề phòng mưa, giông, lốc xảy ra. Để bảo vệ sản xuất nông nghiệp, cần kiểm tra, sửa chữa máy móc kịp thời bơm tiêu chống úng cho lúa, màu, cây ăn trái trong mùa mưa lũ.
Tại TX. Tịnh Biên, công tác phòng, chống thiên tai đang được ngành chuyên môn và địa phương tập trung thực hiện. Phó Chủ tịch UBND TX. Tịnh Biên Nguyễn Thanh Hùng cho biết: “Ban Chỉ huy thị xã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu - phòng, chống thiên tai tại thị xã. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch; rà soát, đề xuất điều chỉnh kế hoạch phù hợp tình hình, diễn biến thời tiết…”.
Trong công tác phòng, chống sạt lở, Ban Chỉ huy tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương thường xuyên kiểm tra, rà soát khu vực có nguy cơ cao theo cảnh báo của Sở Tài nguyên và Môi trường, kể cả khu vực cặp tuyến kênh, rạch, nhằm kịp thời phát hiện, xử lý theo phương châm “4 tại chỗ”. Chủ động di dời người dân, nhà ở đến nơi an toàn khi có dấu hiệu sạt lở. Tăng cường rà soát, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý sự cố sạt lở có thể xảy ra. Cùng với đó, phải huy động nguồn lực địa phương, quỹ phòng, chống thiên tai, nguồn lực hợp pháp để hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại, ổn định cuộc sống.
“Trong những ngày tới, các ngành, địa phương cần chủ động phương tiện, lực lượng xung kích ở vị trí xung yếu, ứng phó với tình hình thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”. Khai thông cống, rãnh đề phòng ngập úng cục bộ khi mưa lớn kéo dài. Triển khai đồng bộ giải pháp để phòng tránh đuối nước, nhất là đảm bảo an toàn tính mạng cho trẻ em, học sinh trong mùa lũ” - Chánh Văn phòng Lương Huy Khanh đề xuất.