Hiệu quả từ phong trào Phòng, chống rác thải nhựa của phụ nữ Thái Nguyên

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 19:00, 05/09/2023

Thời gian qua, các cấp hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều hoạt động nâng cao nhận thức cho hội viên và người dân về hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường bền vững.

Từ lâu, chị Nguyễn Thị Hạnh, xóm Tân Lập, thị trấn Đu (Phú Lương), đã có thói quen sử dụng làn để đi chợ mua thức ăn thay vì dùng những túi ni lông như trước. Trong sinh hoạt hàng ngày, gia đình chị cũng thường xuyên phân loại rác thải tại nhà; hạn chế dùng túi ni lông, giảm thiểu lượng rác thải nhựa.

Chị Hạnh cho biết: Được tham gia nhiều buổi truyền thông về chống rác thải nhựa của các cấp hội, tôi đã hiểu và trở thành hội viên tích cực trong mô hình “Đi chợ bằng làn”, nhằm cắt giảm tối đa sử dụng sản phẩm nhựa từ túi ni lông. Cùng với đó, các thành viên trong gia đình tôi cũng thực hành thuần thục việc phân loại rác thải để hạn chế xả rác thải nhựa ra môi trường. Tôi thấy đây là một phong trào rất thiết thực.

rac-thai-nhua(1).png
Các chương trình đều nhận được sự hưởng ứng của hội viên và người dân

Từ phong trào Phòng, chống rác thải nhựa do Hội LHPN tỉnh triển khai, đã có hàng trăm nghìn phụ nữ trên toàn tỉnh như chị Hạnh thực hành giảm thiểu rác thải nhựa trong đời sống hằng ngày trong 5 năm qua.

Điển hình, Hội LHPN huyện Phú Lương chỉ đạo 246/246 chi hội triển khai thực hiện nguyên tắc "3 có" trong phân loại và xử lý rác thải tại nguồn gắn với chống rác thải nhựa, thành lập 26 mô hình "Phòng chống rác thải nhựa" gắn với mô hình 3 có, mô hình nhà sạch - vườn đẹp, mô hình "đi chợ bằng làn". Xây dựng nhiều mô hình kinh tế thân thiện với môi trường, chống rác thải nhựa. Đặc biệt, Hội LHPN huyện phát động và triển khai mô hình "Đi chợ bằng làn" trong toàn huyện, trao 2.150 chiếc làn đi chợ cho cán bộ, hội viên phụ nữ. Tặng 24 thùng rác 90L cho hộ gia đình tham gia mô hình "Thùng rác văn minh" để các hộ thực hiện phân loại rác thải tại nguồn. Tặng 10 "Ngôi nhà xanh" cho 3 xã Phú Đô, Hợp Thành, thị trấn Đu nhằm biến rác thành tiền giúp phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đã thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ tham gia và mang lại hiệu quả tích cực.

rac-thai-nhua.png
Chị em dùng làn đi chợ thay cho túi nilon

Hội LHPN thành phố Thái Nguyên đã chỉ đạo các cấp Hội xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình CLB phòng, chống rác thải nhựa gắn với xây dựng gia đình 5 không 3 sạch. Hiện nay, có 34/34 cơ sở Hội tiếp tục triển khai thực hiện 36 mô hình hoạt động thiết thực, phù hợp tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; 132 Chi hội phụ nữ thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn; 34 mô hình "Phụ nữ phát triển kinh tế bảo vệ môi trường"; 79 Chi hội phụ nữ thực hiện tiết kiệm từ việc thu gom rác thải tái chế với tổng số tiền tiết kiệm gây quỹ đến nay là trên 900 triệu đồng và gần 75 km đường hoa.

Hội LHPN huyện Đại Từ Đã chỉ đạo các cấp Hội duy trì 398 mô hình "Chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch", 45 mô hình "chi hội điển hình 5 không, 3 sạch"; 286 mô hình "Chi hội phụ nữ nòng cốt tham gia bảo vệ môi trường" với 14.518 thành viên; 185 mô hình thu gom rác thải, thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng với 8.308 thành viên; 20 mô hình "Ngôi nhà 3 sạch nông thôn mới"; 15 mô hình "Phân loại rác thải, thu gom phế liệu gây quỹ hội, góp phần chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường". Đặc biệt, hội đã xây dựng 672 hố xử lý rác thải tại hộ gia đình...

Căn cứ chỉ đạo, hướng dẫn của cấp tỉnh, huyện, còn nhiều các cơ sở Hội trên địa bàn tỉnh đã có mô hình, cách làm hay, hoạt động sáng tạo trong thực hiện phong trào.

rac-thai-nhua-3.png
Nhiều mô hình hay và sáng tạo được triển khai và nhân rộng

Bà Trần Kim Dung, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên cho biết: Để xây dựng được các mô hình hoạt động hiệu quả, hội LHPN các cấp đã cụ thể hóa nội dung phong trào Phòng, chống rác thải nhựa; đồng thời tăng cường tổ chức các chiến dịch truyền thông, vận động cán bộ, hội viên Phụ nữ hưởng ứng Phong trào, đẩy mạnh vệ sinh môi trường; chú trọng xây dựng các mô hình phòng, chống rác thải nhựa tại địa phương.

Hội cũng chỉ đạo, hướng dẫn các cấp hội và hội viên thực hiện Phong trào gắn với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; phát động, triển khai mô hình “3 có” (có hố rác gia đình, có túi đựng rác tiết kiệm, có thùng đựng rác vô cơ không tái chế) trong phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn...

Qua đó, phong trào Phòng, chống rác thải nhựa đã có sức lan tỏa mạnh mẽ. Từ năm 2018 đến nay, các cấp hội đã tổ chức được 250 lớp tập huấn cho 10 nghìn lượt cán bộ về kỹ năng tuyên truyền, vận động phụ nữ thực hiện phòng, chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường. Các cấp hội cũng tổ chức trên 10 nghìn buổi truyền thông về môi trường, phòng chống rác thải nhựa, thu hút gần 1 triệu lượt hội viên Phụ nữ tham gia.

Các cấp hội trong toàn tỉnh cũng xây dựng được 2.772 mô hình câu lạc bộ bảo vệ môi trường, trong đó có hoạt động phòng, chống rác thải nhựa.

Một số mô hình có sức lan tỏa, thu hút nhiều hội viên như: “Phụ nữ đi chợ bằng làn”; “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”; “3 có” trong phân loại rác thải tại nguồn; “Đổi rác thải nhựa lấy cây xanh”; “Chi hội phụ nữ tự quản thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn”, “Thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng”; “Thu gom rác thải nhựa, bán phế liệu lấy tiền giúp phụ nữ, trẻ em nghèo”; “thùng rác văn minh”, “dòng sông không rác”… Các mô hình, câu lạc bộ này đã thu hút trên 150 nghìn hội viên Phụ nữ tham gia.

Đánh giá về hiệu quả của phong trào Phòng, chống rác thải nhựa, bà Trần Kim Dung cho biết: Hoạt động của các mô hình đã góp phần hiệu quả trong việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của hội viên Phụ nữ và người dân về bảo vệ môi trường, phòng chống rác thải nhựa, góp phần hạn chế tình trạng xả rác thải nhựa ra môi trường. Đồng thời, hoạt động của các mô hình đã biến rác thành thương phẩm, tạo nguồn kinh phí hỗ trợ nhiều phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em mồ côi. Đây là hoạt động có ý nghĩa lớn, thiết thực bảo vệ môi trường sống trước nguy cơ biến đổi khí hậu đang ngày càng diễn biến phức tạp.

Minh Trang