Quy hoạch khu đô thị, sân golf hay bảo tồn đất rừng ven biển?

Môi trường - Tài nguyên - Ngày đăng : 16:20, 06/09/2023

Liên quan đến quy hoạch Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải (Thái Bình) nhằm tạo động lực tăng trưởng mới, một nền kinh tế hướng ra biển. Theo chuyên gia về môi trường cho rằng, đây không phải là câu chuyện không nên làm, nhưng không phải vị trí nào cũng có thể chuyển đổi được, việc quy hoạch đất rừng ven biển quy mô lớn để làm dự án sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sinh thái, đa dạng sinh học trong khu vực.

Quy hoạch dự án hướng ra biển cần đánh giá minh bạch tạo sự đồng thuận

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải được xác lập tại Quyết định số 2159 năm 2014 của UBND tỉnh Thái Bình với diện tích 12.500 ha nhằm bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước điển hình của vùng cửa sông Hồng, bảo vệ khu vực di trú của các loài chim nước quý hiếm, có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và ứng phó biến đổi khí hậu.

Vấn đề được dư luận nhân dân quan tâm bắt nguồn từ quyết định 731 của UBND tỉnh Thái Bình về việc xác định ranh giới, vị trí của khu bảo tồn là 1.320 ha, giảm tới hơn 11.000 ha so với quyết định trước đó.

Theo quyết định 731, bao quanh khu bảo tồn thiên nhiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải là các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, phía Bắc, Nam và Đông của khu bảo tồn giáp quy hoạch khu đô thị, dịch vụ, nghỉ dưỡng, sân golf Cồn Vành - Cồn Thủ, phía Tây sẽ giáp Quy hoạch khu nuôi trồng thủy hải sản công nghệ cao.

Theo Quyết định, xã Nam Phú là 1/3 xã mà sẽ có diện tích rừng đặc dụng bị điều chỉnh nhiều nhất từ 4.900 ha xuống còn 189 ha.

Nam Phú, Nam Thịnh, và Nam Hưng là 3 xã thuộc huyện Tiền Hải, nằm trong khu vực rừng đặc dụng, có diện tích rừng là 12.500 ha, theo Quyết định 2159 của tỉnh Thái Bình. Được biết, để phù hợp với quy hoạch chung khu kinh tế của tỉnh, Thái Bình đã tiến hành rà soát, xác định vị trí của Khu bảo tồn, hiện diện tích là 1.320 ha. Nhiều ý kiến cho rằng tỉnh này đã giảm đi 11.000 ha rừng có vai trò quan trọng với Việt Nam và quốc tế.

tien-hai-1.jpg
Dư luận, các bộ ngành và giới chuyên gia đều băn khoăn trước kế hoạch quy hoạch mới của tỉnh Thái Bình đối với khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải.

Lý giải về vấn đề này, theo tỉnh Thái Bình, trước năm 2014, vùng ven biển, chủ yếu ở Tiền Hải chỉ có rải rác diện tích cây ngập mặn. Phần lớn là diện tích đất bãi triều, doi đất ngập nước, không có rừng. Với mong muốn phát triển rừng nhằm giữ đất, chống biến đổi khí hậu, tạo sinh kế cho người dân, năm 2014, tỉnh Thái Bình đã ban hành Quyết định 2159 xác lập khu rừng đặc dụng có diện tích "tạm tính" 12.500 ha với tên gọi Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải. Phạm vi, ranh giới, quy mô của khu bảo tồn này chỉ mang tính ước lệ, chưa xác định được bằng các nghiên cứu, đo đạc.

Với chiến lược hướng ra biển, Chính phủ đã ban hành Quyết định 36 năm 2017 thành lập Khu kinh tế Thái Bình và tiếp đó là Quyết định 1486 năm 2019, phê duyệt quy hoạch chung Khu kinh tế Thái Bình với diện tích hơn 30.500 ha, trong đó bao gồm hơn 8.700 ha là khu vực ngập nước ven biển. Theo tỉnh Thái Bình, Quy hoạch chung Khu kinh tế cũng chỉ rõ các diện tích, phân khu để tập trung bảo vệ phát triển rừng và diện tích bảo tồn đa dạng sinh học.

Vì vậy, việc xác lập diện tích rừng ngập mặn vừa để tiếp tục thực hiện các Quyết định trước đây, đặc biệt là Quyết định 1486 của Chính phủ, chứ không thể hiểu là xóa bỏ rừng ngập mặn và khu bảo tồn.

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải có chức năng bảo tồn môi trường, sinh cảnh và quần thể sinh vật vùng cửa sông Ba Lạt, có vai trò quan trọng phòng hộ ven biển và khu vực cửa sông châu thổ sông Hồng. Tỉnh Thái Bình trước đó cũng có nhiều nỗ lực để xác lập khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy cho thấy sự cân nhắc của tỉnh về công tác bảo tồn.

Việc xác lập chính xác diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải sẽ được tỉnh này thực hiện đúng quy định để đảm bảo phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước, đảm bảo phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Trong văn bản báo cáo lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường về Quyết định số 731/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thái Bình nêu trên, lãnh đạo Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học khẳng định, Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải là một trong hai vùng lõi của khu Dự trữ sinh quyển thế giới châu thổ sông Hồng, được UNESCO công nhận vào năm 2004.

Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải cũng nằm trong quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Quyết định số 731 của UBND tỉnh Thái Bình điều chỉnh diện tích khu bảo tồn thiên nhiên giảm từ 12.500ha xuống còn 1.320ha sẽ ảnh hưởng tới việc thực hiện các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học, chủ trương của Đảng, Nhà nước về bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện các cam kết quốc tế.

Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học cho rằng Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải cần tiếp tục được duy trì và bảo vệ đảm bảo nguyên tắc hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, không đánh đổi môi trường với phát triển kinh tế.

Nơi đây chứa đựng các sinh cảnh quan trọng của 215 loài chim với nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, 116 loài thực vật, 113 loài côn trùng, 37 loài lưỡng cư, bò sát.

Đồng thời có giá trị đa dạng sinh học cao và cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa huyện Tiền Hải; góp phần bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học của tỉnh Thái Bình.

Lợi ích thật sự của khu đô thị, sân golf đối với người dân như thế nào?

Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học đã có những cảnh báo nguy cơ từ việc thu hẹp diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải. Theo đó, nguy cơ hiện hữu nhất là sẽ làm ảnh hưởng tới việc bảo tồn đa dạng sinh học và các sinh cảnh đất ngập nước tiêu biểu, làm mất đi mắt xích quan trọng trong đường bay của các loài chim di cư quý hiếm trên thế giới, gây suy giảm các loài nguy cấp, quý hiếm, được ưu tiên bảo vệ, ảnh hưởng đến khả năng thích ứng và chống chịu trước các rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu, tác động trực tiếp đến sinh kế của người dân ven biển, kinh tế - xã hội của địa phương.

Các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có các ý kiến, đề nghị UBND tỉnh Thái Bình có giải trình.

Mới đây, UNESCO tại Việt Nam cũng có văn bản đề nghị Việt Nam cung cấp thông tin liên quan đến việc thu hẹp gần 90% diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải. Tổ chức này cho biết, quyết định của chính quyền tỉnh Thái Bình về việc giảm diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải từ 12.500ha xuống còn 1.320ha có thể tác động đến Khu sinh quyển đồng bằng sông Hồng đã được UNESCO công nhận.

“Nếu báo cáo được xác nhận thì diện tích bị suy giảm ở Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải chồng lên ranh giới Khu dự trữ sinh quyển thế giới đồng bằng sông Hồng được UNESCO chỉ định công nhận trong hồ sơ đề cử Khu dự trữ sinh quyển trình UNESCO ở mức độ nào?”, văn bản của UNESCO nêu rõ.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Moitruong.net.vn PGS.TS Bùi Thị An - Nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng, tỉnh Thái Bình cần có báo cáo chính xác và có báo cáo đánh giá tác động môi trường khi thu hẹp lượng diện tích lớn như vậy của Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải, phải báo cáo với Chính phủ, báo cáo với Quốc hội, việc này ảnh hưởng đến môi trường đến cam kết quốc tế, cam kết tại COP26 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, ảnh hưởng đến sự sống của nhiều loài, sự đa dạng sinh học, của động, thực vật và đặc biệt của những loài quý hiếm, gây tác động đến rừng ngập mặn, rừng ngập mặn liên quan đến vấn đề lũ lụt và vấn đề biến đổi khí hậu.

pgs-ts-bui-thi-an-1.jpg
PGS.TS Bùi Thị An - Nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng

"Đề nghị cân nhắc giữa lợi ích kinh tế và môi trường. Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán quan điểm không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế; bảo vệ môi trường phải theo phương châm ứng xử hài hòa với thiên nhiên, theo quy luật tự nhiên, phòng ngừa là chính; kết hợp kiểm soát, khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; lấy bảo vệ sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu. Khu đô thị, sân golf có thể làm chỗ khác, nhưng khu bảo tồn thiên nhiên tại đó chỉ có một”, PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh.

Tại Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường nêu rõ: "...Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế; Thực hiện sàng lọc, lựa chọn đầu tư phát triển dựa trên các tiêu chí về môi trường".

Nếu duy trì và phát triển tốt dải rừng ngập mặn ven biển, chúng ta sẽ có được một hệ thống phòng hộ tự nhiên giảm thiểu tác động của bão lụt, nước biển dâng và các sự cố thiên nhiên khác giúp bảo vệ cuộc sống của con người trước thiên tai. Bên cạnh đó, rừng ngập mặn và đất ngập nước ven biển cũng được xem là bể chứa carbon rất hiệu quả, góp phần giảm phát thải và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. 

Việc bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn cùng hệ sinh thái tại các khu đất ngập nước trong những năm qua góp phần giúp địa phương thích ứng với biến đổi khí hậu, tình trạng nước biển dâng, đảm bảo tính toàn vẹn của hệ sinh thái địa phương, đồng thời giúp người dân cải thiện và nâng cao sinh kế.

Thiết nghĩ, việc "nhường" đất rừng ven biển quy hoạch để làm khu đô thị, dịch vụ, nghỉ dưỡng, sân golf rất cần có sự đánh giá kỹ lưỡng cả về khoa học và thực tiễn để đảm bảo quyền, lợi ích lâu dài của người dân.

Mai Dung