Trái đất nóng lên khiến ngành du lịch đứng trước nhiều rủi ro
Môi trường du lịch - Ngày đăng : 17:30, 07/09/2023
Theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới, du lịch đóng góp gần 6% cho GDP toàn cầu và tạo việc làm cho gần 290 triệu người, tuy nhiên ngành du lịch và lữ hành đang phải đối mặt với vô số thách thức đến từ nhiệt độ cực đoan. Những đợt nắng nóng không ngừng gây ra những rủi ro nghiêm trọng về sức khỏe, bao gồm mất nước và say nắng, khiến khách du lịch không thể ra ngoài khám phá, cản trở các hoạt động sôi động thường thấy của ngành.
Theo đó, thời tiết oi bức đang ảnh hưởng đến kế hoạch du lịch của người dân. Tháng trước, Ủy ban Du lịch châu Âu (ETC) báo cáo điều này góp phần làm sụt giảm ý định du lịch của người dân khu vực này. Ngoài ra, mức độ phổ biến của các điểm đến ở Địa Trung Hải đã giảm 10% so với 2022.
Bên cạnh đó, khi Trái đất nóng lên vấn đề hồ cạn nước, núi thiếu tuyết, rừng thu hẹp hay biển vắng san hô đang đe dọa ngày càng lớn với ngành du lịch.
Nằm dưới chân dãy núi Pyrenees, hồ Montbel nổi tiếng ở phía tây nam nước Pháp với làn nước màu ngọc lam và đời sống thủy sinh phát triển mạnh. Sau đợt khô hạn mùa đông năm ngoái, đến tháng 3 năm nay, mực nước của hồ chỉ đạt 25% tỷ lệ lấp đầy tối đa so với thông thường 60% những năm trước.
Các chuyên gia cũng cảnh báo nhiệt độ tăng có thể dẫn đến tuyết rơi thất thường và diện tích lớp tuyết dày bị thu hẹp lại, rút ngắn các mùa trượt tuyết và trượt ván trên tuyết. Tháng 12/2022, một số khu nghỉ dưỡng trượt tuyết trên dãy Alps đã đóng cửa do tuyết rơi không đủ.
Kết quả mới công bố bởi Viện Nghiên cứu Nông nghiệp, Thực phẩm và Môi trường Quốc gia Pháp (INRAE) và Météo-France cho hay hơn 2.200 khu nghỉ dưỡng trượt tuyết ở châu Âu bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu. Với mức tăng nhiệt độ 1,5°C, 32% trong số đó sẽ phải đối mặt với “nguy cơ rất cao” thiếu tuyết. Con số này sẽ tăng lên đến 98% nếu nhiệt độ tăng thêm 4°C.
Nhiều điểm thu hút khách nổi tiếng như Maldives có nguy cơ bị nhấn chìm do mực nước biển dâng.
Ngay cả khi đi theo lộ trình phát thải CO2 thấp, trung bình thế giới vẫn có khả năng mất đi 53% bãi biển có cát. Điều này sẽ kéo theo sự sụt giảm 30% số phòng khách sạn và 38% doanh thu du lịch năm 2100. Các rủi ro tiềm tàng bao gồm bờ biển bị xói lở, cơ sở hạ tầng du lịch bị ngập lụt, ảnh hưởng đến các công ty nghỉ dưỡng và khách sạn, công ty điều hành tour và thể thao dưới nước.
Sóng nhiệt biển và axit hóa đại dương là những thách thức lớn khác. Chúng tàn phá sự sống dưới biển, ảnh hưởng đến nét đặc trưng của cảnh quan như rạn san hô. Đợt nắng nóng trên biển gần đây xuất hiện tháng 6 dọc bờ biển Queensland (Australia) làm dấy lên mối lo ngại cho rạn san hô Great Barrier.
Biến đổi khí hậu cũng đe dọa du lịch sinh thái và nông nghiệp vì ảnh hưởng đến đa dạng sinh học và canh tác.