An Giang chủ động xuống giống vụ Đông Xuân 3 đợt tránh khô hạn

Kinh tế - Ngày đăng : 07:30, 08/09/2023

Căn cứ vào khung lịch thời vụ của Cục Trồng trọt cho khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và diễn biến rầy nâu trên đồng ruộng, ngành nông nghiệp An Giang khuyến cáo khung lịch thời vụ xuống giống vụ Đông Xuân trong tỉnh bắt đầu từ ngày 1/11 đến ngày 31/12.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang, vụ đông xuân 2023 - 2024, An Giang có kế hoạch xuống giống 248.945ha (lúa 228.527ha, màu 16.775ha, vụ mùa 3.643ha); ước năng suất lúa bình quân đạt 7,4 tấn/ha, sản lượng khoảng 1,7 triệu tấn; vụ mùa ước năng suất 4,16 tấn/ha, sản lượng 15.156 tấn.

Trong điều kiện El Nino kéo dài đến đầu năm 2024, nhiệt độ trung bình mùa khô 2023 - 2024 tăng cao. Nhằm đảm bảo sản xuất hiệu quả, tỉnh khuyến cáo khung lịch thời vụ xuống giống vụ đông xuân bắt đầu từ ngày 1/11 đến 31/12/2023 (từ ngày 18/9 đến 19/11/2023 âm lịch). Trong đó, lịch xuống giống né khô hạn và chia sẻ nguồn nước được chia làm 3 đợt.

trong-lua.jpg
Ảnh minh họa.

Đợt 1 xuống giống từ ngày 1/11 - 15/11, diện tích khoảng 80.000ha, tập trung ở vùng sản xuất 2 vụ tại TX. Tịnh Biên, huyện Tri Tôn, Châu Phú, An Phú, Phú Tân, các tiểu vùng ngưng sản xuất vụ thu đông tại huyện Phú Tân, nhằm phân bố nguồn nước giữa các vùng trong tỉnh, chia sẻ nguồn nước với các tỉnh dưới hạ nguồn và né hạn, mặn cuối vụ. Đợt 2 từ 16/11 - 15/12, xuống giống đại trà đối với vùng sản xuất lúa 3 vụ/năm, diện tích khoảng 120.000ha. Đợt 3 từ ngày 16/12 - 31/12/2023, xuống giống diện tích còn lại tại các tiểu vùng nằm trong kế hoạch xả lũ vụ thu đông 2024 và một số tiểu vùng xuống giống đông xuân 2023 - 2024 muộn, rải rác tại TX. Tịnh Biên, TX. Tân Châu, huyện Tri Tôn, Chợ Mới, Châu Phú, An Phú.

Trên cơ sở theo dõi diễn biến rầy nâu vào đèn trong và ngoài tỉnh, tình hình thu hoạch lúa thu đông 2023, lịch xuống giống đồng loạt, tập trung và né rầy chia làm 2 đợt, gồm: Đợt 1 từ ngày 15/11 - 26/11, diện tích khoảng 60.000ha; đợt 2 từ 11/12 - 25/12/2023, diện tích khoảng 80.000ha. Tổng diện tích né rầy chiếm gần 61% kế hoạch xuống giống vụ đông xuân. Với diện tích xuống giống ngoài khung lịch né rầy, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật An Giang xây dựng kế hoạch riêng để phối hợp địa phương, cơ quan có liên quan bảo vệ tốt diện tích này.

Ngành nông nghiệp và các địa phương đang xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch sau khi Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt.

Minh Lâm