Phát triển khoa học lý luận chính trị theo quan điểm Đại hội XIII của Đảng
Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 11:05, 08/09/2023
Chủ trì Hội thảo có GS.TS. Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; PGS.TS. Mai Đức Ngọc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Học viện Báo chí và Tuyên truyền; PGS.TS. Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Cùng dự Hội thảo còn có sự tham dự của các nhà khoa học đến từ các ban, bộ, ngành Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các Học viện khu vực, Học viện Báo chí và Tuyên truyền và các trường Đại học trong cả nước…
Phát biểu khai mạc, GS.TS. Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia khẳng định: Lý luận chính trị là một lĩnh vực khoa học đặc biệt, có vai trò và vị trí quan trọng đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Phát triển khoa học lý luận luôn được Đảng và Nhà nước đặt ra trong nhiều chủ trương, đường lối, chính sách. Trong Văn kiện Đại hội XIII, năm 2021, Đảng ta lần đầu tiên xác định và bổ sung khoa học lý luận chính trị là một trong các bộ phận hợp thành của khoa học - công nghệ nước nhà.
Đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, mặc dù công tác nghiên cứu khoa học lý luận chính trị ở Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng, nhưng nhìn chung, công tác nghiên cứu lý luận chính trị “còn nhiều hạn chế, khuyết điểm”; “còn lạc hậu, tính dự báo thấp, kết quả nghiên cứu lý luận chưa đáp ứng tốt yêu cầu của thực tiễn”. Kết quả thực hiện nhiệm vụ cung cấp luận cứ khoa học làm cơ sở cho việc hoạch định đường lối, quan điểm của Đảng còn hạn chế, nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra chưa được làm rõ… công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chưa được quan tâm đúng mức, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu; một số vấn đề mới, khó, phức tạp chưa được làm sáng tỏ.
“Trước bối cảnh mới của thế giới, khu vực và trong nước với những yêu cầu mới, đòi hỏi lý luận phải bám sát, cập nhật, khái quát hóa, phong phú hóa để có sức định hướng, dẫn dắt hoạt động thực tiễn. Nghiên cứu phát triển khoa học lý luận chính trị ở Việt Nam phải có sứ mệnh nhận diện, phân tích kịp thời, chính xác, toàn diện thực tiễn phát triển của đất nước và thế giới; nắm bắt được nhu cầu khách quan và dự báo xu hướng vận động của thực tiễn; khái quát khoa học sự vận động có tính quy luật; trên cơ sở đó, đề xuất những định hướng phù hợp, có tính khả thi để giải quyết hiệu quả các nhu cầu của thực tiễn. Nghiên cứu khoa học lý luận chính trị phải có nhiệm vụ mở đường cho những nhận thức, tư duy lý luận mới, cách làm mới. Trên cơ sở đó, xác lập một hệ thống tri thức mới vững chắc, khoa học, xứng tầm bổ sung, phát triển nền tảng tư tưởng, tư duy lý luận của Đảng trong điều kiện mới”, PGS.TS. Phạm Minh Sơn nhấn mạnh.
Các ý kiến phát biểu tại Hội thảo đều thống nhất khẳng định: Sự hình thành và phát triển khoa học lý luận chính trị ở Việt Nam gắn liền với quá trình sáng lập và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự phát triển của khoa học lý luận chính trị không những góp phần bảo vệ, củng cố và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng, mà còn cung cấp những luận cứ khoa học thuyết phục cho hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong từng điều kiện lịch sử cụ thể. Trên tinh thần đó, Đại hội XIII của Đảng đã chính thức đưa khoa học lý luận chính trị trở thành một trong bốn ngành khoa học quan trọng của nước nhà.
Nhiều bài tham luận đã đi sâu phân tích, đánh giá khách quan về thực trạng phát triển khoa học lý luận chính trị theo quan điểm Đại hội Đảng lần XIII.
Các tham luận, ý kiến được trình bày và gửi đến Hội thảo cũng làm rõ những vấn đề mới cần tổng kết thực tiễn để tiếp tục phát triển lý luận về đường lối, chủ trương của Đảng đặt ra trong văn kiện Đại hội XIII, trong đó có những nội dung rất quan trọng, có tính cấp bách hiện nay như hoàn thiện đường lối đổi mới ở Việt Nam; hoàn thiện lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam…