Năm 2023 có thể là năm nóng nhất trong lịch sử loài người
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 12:00, 10/09/2023
Các báo cáo của Tổ chức Khí tượng thế giới và Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) công bố ngày 6/9 cho thấy, tháng 6, tháng 7 và tháng 8 vừa qua là giai đoạn ấm nhất trong gần 120.000 năm, với nhiệt độ trung bình là 16,8 độ C. Đây là mức chênh lệch nhiệt độ khá lớn so với các kỷ lục trước đó và cao hơn mức trung bình hàng năm là 0,66 độ C. Tháng 8/2023 cũng là tháng 8 nóng nhất trong lịch sử và ấm hơn tất cả các tháng trước đó, ngoại trừ tháng 7/2023.
Theo Phó giám đốc C3S, Samantha Burgess, 3 tháng vừa qua là giai đoạn ấm nhất trong gần 120.000 năm, tức là gần như toàn bộ lịch sử tồn tại của loài người.
Tháng 8/2023 cũng là tháng 8 nóng nhất trong lịch sử và ấm hơn tất cả các tháng trước đó, ngoại trừ tháng 7/2023.
Nhiệt độ nước biển bề mặt trên toàn cầu tăng cao kỷ lục được cho là tác nhân quan trọng làm tăng nhiệt trong mùa Hè, với các đợt sóng nhiệt đã xảy ra ở các vùng biển Bắc Đại Tây Dương và biển Địa Trung Hải.
Theo bà Burgess, mức nhiệt bổ sung từ bề mặt đại dương càng củng cố khả năng 2023 sẽ là năm ấm nhất trong lịch sử.
Cũng trong ngày 6/9, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cảnh báo các đợt sóng nhiệt ngày càng nhiều và mạnh hơn đang gây ra một hỗn hợp độc hại "không khí ô nhiễm" làm giảm tuổi thọ của con người và gây tổn hại các dạng thức sống khác.
Theo Tổng thư ký WMO Petteri Taalas, các đợt sóng nhiệt khiến chất lượng không khí suy giảm, với những tác động liên hoàn tới sức khỏe con người, các hệ sinh thái, nông nghiệp và trong mọi hoạt động đời sống hằng ngày.
Theo nhà khoa học Lorenzo Labrador thuộc Tổ chức Khí tượng thế giới, biến đổi khí hậu đang có tác động có thể đo lường được đến chất lượng không khí và do đó là chính con người: “Có một mối liên kết phức tạp trong tập hợp các phản ứng hóa học trong đó các chất ô nhiễm được tạo ra một phần từ khí nhà kính. Cũng có các bằng chứng cho thấy, các giai đoạn biến đổi khí hậu đi đôi với các giai đoạn ô nhiễm không khí gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới. Một số xu hướng khí hậu được dự đoán có thể ảnh hưởng tần suất và mức độ nghiêm trọng của các vụ cháy rừng ở nhiều khu vực trên toàn cầu, làm gia tăng lượng ni-tơ ô-xít trong không khí và các tác động liên quan.”
Hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5 độ C là cam kết trọng tâm của thoả thuận được 196 quốc gia thống nhất tại Paris (Pháp) vào năm 2015.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, thế giới sẽ còn tiếp tục chứng kiến nhiều kỷ lục về khí hậu hơn, cũng như các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên và dữ dội hơn nếu không kiểm soát được khí gây hiệu ứng nhà kính.