Các nhà khoa học trên thế giới tham dự hội thảo về đảm bảo an ninh nguồn nước tại Quy Nhơn

Nước và cuộc sống - Ngày đăng : 19:30, 11/09/2023

Ngày 11/9 tại TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định khai mạc hội thảo Khoa học vì hòa bình với chủ đề "An ninh và mất an ninh nguồn nước: Tái thiết sự chung sống hòa bình với khoa học" với sự tham gia của 60 nhà khoa học và nghị sĩ trẻ ở 18 quốc gia.

Sáng 11/9, hội thảo "Khoa học vì hòa bình" của Liên minh Nghị viện thế giới với chủ đề "An ninh và mất an ninh nguồn nước - tái thiết sự chung sống hòa bình với khoa học" đã khai mạc tại Trung tâm Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE, ở TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định).

z4682574575199-46492296f30c16faa6654ff4c75e02c9-2057.jpg
Toàn cảnh hội thảo

Đây là sự kiện ngoại giao khoa học do Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam và Trung tâm ICISE phối hợp tổ chức.

Đồng thời là hội thảo đầu tiên do Liên minh nghị viện thế giới tổ chức tại Trung tâm ICISE trong khuôn khổ ký kết hợp tác giữa Liên minh nghị viện thế giới và Trung tâm ICISE ngày 11/5/2023 tại Genève, Thụy Sĩ. Tập hợp các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các nhà quản lý và các nghị sĩ trẻ từ Việt Nam, châu Á-Thái Bình Dương, châu Phi và các vùng khác trên thế giới để chia sẻ kiến thức, trình bày kết quả nghiên cứu và thảo luận về các vấn đề liên quan an ninh và mất an ninh nguồn nước.

376915123_793363652794842_6168148543194672274_n.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại sự kiện. Ảnh: ICISE

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, mối quan tâm về nước là vấn đề chung toàn cầu. An ninh nguồn nước là một trong những thách thức an ninh phi truyền thống lớn mà nhân loại phải đối mặt hiện nay. Hiện, có 1/3 số quốc gia đang bị thiếu nước và dự báo đến năm 2025 con số này sẽ tăng lên 2/3 với khoảng 35% dân số thế giới rơi vào cảnh thiếu nước nghiêm trọng.

Tại Việt Nam, để đảm bảo an ninh nguồn nước cho trên 100 triệu dân là 1 thách thức lớn khi đất nước đang phát triển ở mức thu nhập trung bình. Việc thiếu nước chủ yếu tập trung do các nguyên nhân, như: xuất phát từ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; tác động của biến đổi khí hậu làm gia tăng các loại hình thiên tai; ô nhiễm nguồn nước; khả năng tiếp cận nguồn nước sạch, an toàn với chi phí hợp lý chưa cao…

Ô nhiễm nguồn nước từ các hoạt động sản xuất, sinh hoạt ngày càng gia tăng, có nơi đến mức báo động. Ô nhiễm nguồn nước còn xuất phát từ vấn đề xâm nhập mặn, hạn hán kéo dài dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn vào sâu hơn, ảnh hưởng đến nhiễm mặn các dòng sông, đặt ra vấn đề chống xâm mặn ở những nơi chưa từng xảy. Điều này dẫn đến tình trạng có nước nhưng không sử dụng được hoặc sẽ phải tăng chi phí để xử lý nước.

Trong khuôn khổ hội thảo, với mong muốn hợp tác cùng cộng đồng khu vực và quốc tế bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia, ông Nguyễn Đức Hải đề nghị các đại biểu tham dự cùng nhau chia sẻ những thách thức đang gặp phải và trao đổi các giải pháp tháo gỡ, đưa ra các bài học và kinh nghiệm trong thực hiện mục tiêu này để thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu đến năm 2030.

376251955_793362689461605_1646914952717055545_n.jpg
GS Trần Thanh Vân và Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Đức Hải trao đổi với các đại diện quốc tế tại hội thảo. Ảnh: ICISE

Theo GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam, Khoa học vì hòa bình cho biết đây cũng là một hội thảo ngoại giao khoa học quốc tế chất lượng cao, tạo điều kiện cho sự hợp tác giữa các nghị viện thông qua khoa học, truyền cảm hứng cho các các nghị sĩ trẻ của các quốc gia về tinh thần giải quyết các vấn đề chính trị, ngoại giao thông qua nền tảng khoa học.

Hồng Tú