Rà soát, xác định chi tiết quy mô diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải trên thực địa
Đa dạng sinh học - Ngày đăng : 15:30, 12/09/2023
Tại cuộc họp giao ban của Ban Tuyên giáo Trung ương sáng 12/9, UBND tỉnh Thái Bình đã có báo cáo liên quan đến khu bảo tồn thiên nhiên này.
Sau khi thống nhất với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Thái Bình đã có những thông tin chi tiết cung cấp cho các cơ quan báo chí.
Theo UBND tỉnh Thái Bình, với đặc điểm là vùng biển bồi, điều kiện thiên nhiên không thuận lợi, trước những năm 1980, vùng ven biển tỉnh Thái Bình chủ yếu là bãi triều ngập nước, hầu hết các diện tích ngập nước trở thành nơi sinh kế, nuôi trồng thủy sản, một số khu vực được bồi tụ phù sa có tiềm năng để trồng rừng ngập mặn.
Với mong muốn giữ được đất bồi tụ, lấn biển tạo không gian sinh kế cho người dân, ngày 26/9/2014, UBND tỉnh Thái Bình ban hành Quyết định số 2159 phê duyệt Đề án xác lập Khu rừng đặc dụng tại 3 xã Nam Hưng, Nam Phú và Nam Thịnh, huyện Tiền Hải.
"Quyết định số 2159 không mang tính chất xác định cụ thể ranh giới rừng trên thực địa, chủ yếu có tính quy hoạch định hướng, chủ trương, hướng tới hình thành Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước. Vì vậy, Khu rừng đặc dụng này có tên gọi là Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải với diện tích tạm tính ban đầu là 12.500 ha (vì quá trình xác lập khu rừng này chưa tiến hành đo đạc cụ thể mà chỉ kế thừa số liệu diện tích từ 5 nguồn dữ liệu khác nhau)", UBND tỉnh Thái Bình cho biết.
Do có sự sai khác về vị trí và diện tích chưa được đo đạc và tính toán một cách cụ thể, khoa học nên tại Khoản 2 Điều 3 Quyết định số 2159 có nêu: Sau khi đề án được xác lập và kiện toàn lại tổ chức bộ máy, tiến hành lập quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững khu rừng. Đây là cơ sở để xác định về quy mô và diện tích Khu rừng đặc dụng này.
"Nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên đến trước thời điểm tỉnh Thái Bình ban hành Quyết định số 731, khu rừng trên chưa được xác định chính xác về quy mô và vị trí ", UBND tỉnh Thái Bình khẳng định.
Bên cạnh đó, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước cần được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, khoa học và phân định để bảo vệ, bảo tồn trên toàn bộ vùng biển Thái Bình.
Lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình khẳng định trong gần 10 năm qua, Thái Bình rất trân trọng và sử dụng đúng mục đích, tôn chỉ và các quy định của công ước Ramsa, Khu dự trữ sinh quyển đồng bằng sông Hồng, được UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc) công nhận năm 2004.
Năm 2017, Thủ tướng ban hành Quyết định số 36/QĐ-TTg thành lập Khu kinh tế Thái Bình. Năm 2019, Thủ tướng ban hành Quyết định số 1486/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình với diện tích hơn 30.500 ha.
Tại Điều 2 Quyết định số 1486/QĐ-TTg, Thủ tướng giao UBND tỉnh Thái Bình có trách nhiệm rà soát, điều chỉnh các quy hoạch có liên quan bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ với quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình.
Một trong số các quy hoạch phải điều chỉnh để tránh chồng lấn với quy hoạch chung Khu kinh tế Thái Bình là quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thái Bình giai đoạn 2012-2020 và khu rừng đặc dụng được tỉnh xác lập tại Quyết định số 2159.
Do vậy, để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Thái Bình đã tiến hành điều chỉnh quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thái Bình giai đoạn 2012-2020 và tiến hành xác định vị trí, quy mô diện tích và ranh giới rừng đặc dụng được tỉnh xác lập tại Quyết định số 2159.
Theo UBND tỉnh Thái Bình, việc xác định vị trí, quy mô diện tích Khu rừng đặc dụng (theo Quyết định số 731) không tránh khỏi một phần diện tích rừng, đất chưa có rừng thuộc quy hoạch lâm nghiệp bị đưa ra khỏi quy hoạch lâm nghiệp.
Để giải quyết vấn đề này, tỉnh đã bố trí quỹ đất ven biển phù hợp để trồng rừng mới và trồng rừng thay thế; đối với diện tích rừng ngoài quy hoạch lâm nghiệp khi chưa chuyển mục đích sử dụng rừng vẫn được tiếp tục quản lý, bảo vệ để rừng phát huy vai trò phòng hộ ven biển.
"Do quy mô, diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước huyện Tiền Hải có nhiều nguồn số liệu khác nhau và có sai lệnh tọa độ trên thực địa nên cần được xác định quy mô, diện tích cụ thể phù hợp với điều kiện thực tế", UBND tỉnh Thái Bình thông tin.
Trong thời gian tới, UBND tỉnh Thái Bình sẽ phối hợp với các Bộ liên quan rà soát, xác định chi tiết cụ thể quy mô, diện tích khu rừng, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước huyện Tiền Hải trên thực địa; lập hồ sơ thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước huyện Tiền Hải theo đúng quy định của Luật Đa dạng sinh học làm cơ sở, căn cứ để bảo tồn phát triển đa dạng sinh học, đảm bảo phát triển kinh tế xã hội và thực hiện Quyết định số 1486/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thống nhất sẽ cử Cục Bảo tồn và Đa dạng sinh học, Cục Lâm nghiệp phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh Thái Bình rà soát, xác định chính xác trên thực địa và quản lý theo đúng quy định của pháp luật đảm bảo Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải được liên tục phát triển bài bản, khoa học.