Những kỹ năng thoát hiểm và thiết bị cần thiết đề phòng cháy nổ khi sống ở chung cư
Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 07:30, 14/09/2023
Bình thường không ai để ý tới nhưng khi xảy ra cháy, các thiết bị để phòng cháy chữa cháy tại nhà này đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống. Nhất là nếu bạn ở nhà cao tầng hay những khu chung cư mini.
6 thiết bị cần có để phòng cháy chữa cháy
1. Đầu báo cháy
Trên thị trường có rất nhiều loại đầu báo cháy khác nhau như đầu báo khói, đầu báo xì ga nhưng đầu báo cháy là thiết bị nên có trong mỗi gia đình khi sống trong chung cư cao tầng. Nó có tác dụng phát đi tín hiệu báo cháy về cho trung tâm báo cháy khi có cháy nổ xảy ra.
Đây là thiết bị được khuyến cáo lắp đặt tại các chung cư, văn phòng, tòa nhà,… để phòng chống hỏa hoạn xảy ra. Nhằm cảnh báo cho người dân đang sinh sống tại khu vực đó về nguy cơ tiềm ẩn cháy nổ.
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại đầu báo cháy khác nhau như đầu báo khói, đầu báo xì gas,… với giá cả phải chăng. Trung bình dao động từ 300.000 đến 500.000 tùy vào nguồn gốc xuất xứ, thời hạn pin sử dụng.
2. Búa thoát hiểm
Đây là loại búa được làm từ vật liệu thép cacbon cường độ cao chống gỉ. Chúng được thiết kế để tạo ra một lực đập lớn phá vỡ cửa thoát ra ngoài trong trường hợp có hỏa hoạn xảy ra.
Búa thoát hiểm có nhiều kích cỡ khác nhau, trước khi mua bạn cũng nên tìm hiểu thêm về sản phẩm để chắc chắn chọn được loại có kích thước vừa phải, chất lượng với giá cả phù hợp. Nhìn chung, đây là một trong các thiết bị phòng cháy chữa cháy phải có để đề phòng cháy nổ.
3. Bình chữa cháy xử lý cháy ban đầu
Một trong các thiết bị phòng cháy chữa tháy thường thấy nữa đó là bình chữa cháy xử lý ban đầu. Theo thống kê thì có đến gần 90% các đám cháy nhỏ có thể kiểm soát được nhờ sử dụng các bình chữa cháy cầm tay xử lý ban đầu trước khi đám cháy lan rộng hơn.
Trên thị trường hiện nay có hai loại phổ biến là bình chữa cháy bột và bình chữa cháy CO2. Đối với bình chữa cháy bột, bên trong có chứa khí N2 làm lực đẩy để phun bột dập tắt đám cháy. Bột chữa cháy không độc, không dẫn điện và có hiệu quả dập tắt các đám cháy chất rắn, lỏng, khí, đám cháy điện,…
Bình chữa cháy CO2 xách tay có khối lượng 3kg, 5kg bên trong chứa khí CO2-790C được nén với áp lực cap. Chúng có hiệu quả dập tắt đám cháy chất rắn, lỏng, đám cháy điện.
4. Mặt nạ chống khói
Mặt nạ chống khói có nhiều mẫu mã đa dạng chủng loại như mặt nạ trùm kín đầu, có kính chống nóng, hỗ trợ đầu lọc không khí bằng phin than hoạt tính.
Các mặt nạ chống khói được thiết kế để đeo dễ dàng trong vòng 3 giây, hầu hết các mặt nạ có hai lõi lọc khói sử dụng được trong vòng 30 phút tới 1 giờ tùy theo độ đậm đặc của khói. Thiết bị này giúp bạn có thể hít thở bình thường để vượt qua những đám khói dày đặc, di chuyển đến nơi an toàn.
5. Thang dây thoát hiểm
Đối với thang dây inox: làm bằng sợi inox, được móc vào lan can của tòa nhà, chỉ phù hợp với những ngôi nhà có độ cao từ 10m trở xuống, tương đương với căn nhà 3 tầng.
Bộ thang dây thoát hiểm hạ chậm là một hộp dụng cụ gọn nhẹ bao gồm dây thoát hiểm, giá treo, đai đeo và bộ điều tốc bằng thép được sơn tĩnh điện siêu bền, có tính năng hãm tốc. Dây thoát hiểm có chiều dài từ 20m - 100m, tương ứng độ cao từ tầng 3 - tầng 33. Sản phẩm có tốc độ hạ xuống theo cơ chế rất chậm rãi, an toàn nhưng lại giúp bạn nhanh chóng thoát khỏi khu vực nguy hiểm.
Các sản phẩm thang dây thoát hiểm thông thường có giá từ 100.000 đồng tới 400.000 đồng. Trong khi các sản phẩm cao cấp hơn được nhập khẩu lại được trang bị đầy đủ phụ tùng như giá treo, khuy mọc, giá treo đứng, hộp giảm tốc, dây cáp, đai an toàn, chịu được tải trọng lớn. Các sản phẩm này giúp di chuyển bằng cách đu từ tầng cao xuống theo nguyên lý cơ học của ròng rọc, giá từ 4.000.000 đồng trở lên.
6. Chăn chữa cháy
Chăn được sử dụng trong chữa cháy thường được làm từ sợi cotton, dễ thấm nước. Khi có đám cháy, nhanh chóng nhúng chăn vào nước để nước ngấm vào chăn, lúc này, sợi bông trong chăn sẽ nở ra và làm tăng bề mặt chăn.
Kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn
Bình tĩnh dập lửa
Khi xảy ra cháy, việc đầu tiên là bạn cần phải giữ bình tĩnh, vì chỉ có bình tĩnh mới giúp bạn suy nghĩ sáng suốt. Nếu là đám cháy nhỏ thì lấy bình chữa cháy và phun dập lửa ngay lập tức. Còn nếu là đám cháy lớn thì lại càng cần phải bình tĩnh để tìm cách xử lý an toàn nhất. Yếu tố hàng đầu để con người sống sót khi hỏa hoạn xảy ra là phải thật sự bình tĩnh và nhanh chóng thực hiện theo đúng phương pháp, kỹ năng thoát nạn.
Khi đám cháy nhỏ thì tìm cách dập lửa, có thể dùng bình bột, bình khí CO2, cát, chăn, nước hoặc những thứ khác mà bạn có thể kiếm được ngay quanh đó có khả năng dập lửa.
Trong trường hợp đám cháy quá lớn không thể dập lửa thì phải nhanh chóng tìm cách thoát hiểm. Hét lên cho mọi người trong nhà biết để cùng thoát hiểm, ngay sau đó hãy lập tức ấn máy gọi 114 để được trợ giúp.
Phải xác định lối thoát hiểm an toàn
Nếu ngọn lửa không xuất phát từ phòng, tầng của bạn thì cần xác định rõ vị trí đám cháy và luồng khói để đưa ra kế hoạch thoát hiểm nhanh nhất cho bản thân và gia đình.
Khi xác định được đám cháy xuất phát từ tầng trên thì bạn cần chạy xuống phía dưới. Ngược lại, nếu đám cháy xuất phát ở tầng dưới bạn nên chạy lên tầng thượng.
Khi lửa cháy quá to, bạn không thể chạy xuống phía dưới được thì hãy chạy ngược lên trên mái và ra tín hiệu cho cứu hộ biết. Tuyệt đối không chui vào phòng và đóng chặt cửa vì khói lan rất nhanh, hít nhiều khói sẽ khiến con người hôn mê và tử vong.
Đối với trường hợp lửa cháy ở khu vực ngoài hành lang làm cho bạn không có lối thoát ra được, cách duy nhất lúc này là bạn hãy di chuyển đến nơi có không gian rộng hơn, thoáng khí chẳng hạn như ban công. Nhớ đóng kín cửa ban công, chèn khăn ướt để ngăn khói tràn ra.
Tuyệt đối không sử dụng thang máy
Khi xảy ra hỏa hoạn, bạn tuyệt đối không được sử dụng thang máy để làm lối thoát hiểm. Vì khi xảy ra hỏa hoạn, nguồn điện có thể đã bị ngắt, khi bạn vào thang máy sẽ dễ bị kẹt trong thang.
Trong trưởng hợp này, tốt nhất bạn nên sử dụng cầu thang bộ, đi theo biến báo “EXIT” – lối ra để thoát hiểm. Đồng thời bạn nên thông báo cho hàng xóm ở các căn hộ xung quanh, tầng đó để họ biết đang cháy.
Tìm chỗ ẩn nấp tránh khói
Để tránh bị sặc khói, bạn có thể tự tạo ra một chỗ ẩn nấp ngăn khói tràn vào miệng bằng cách dùng một tấm nệm đã làm ướt, đặt nghiêng một góc 45 độ vào thành ban công, sau đó ngồi dưới khoảng trống mà đệm tạo ra. Nếu khói tràn qua cửa ban công sẽ trượt theo tấm nệm và bay lên trên. Đây là một trong những kỹ năng thoát hiểm cần phải biết.
Phần lớn những trường hợp tử vong trong hỏa hoạn là do bị ngạt khói, do đó khi có hỏa hoạn để chống nhiễm khói bạn nên lấy khăn hoặc tấm vải thấm nước (tận dụng nước uống có sẵn gần đấy) che kín miệng và mũi. Lúc này, chiếc khăn sẽ trở thành chiếc mặt nạ phòng độc, giúp bạn lọc không khí và thở dễ dàng hơn. Tránh xa những không gian gây ngạt như phòng kín và các địa điểm có thể gây nổ như bình gas, tủ lạnh, máy lạnh…
Lưu ý khi di chuyển
Khi di chuyển cần cúi khom và men theo tường. Khi mở cửa cần kiểm tra nhiệt độ cánh cửa tránh để lửa tạt vào người. Nếu nhiệt độ quá cao phải tìm lối thoát hiểm khác. Nếu không có lối thoát phải chạy ra cửa sổ, ban công ra hiệu và gọi điện cho Cảnh sát phòng cháy chữa cháy.
Không được nhảy từ tầng quá cao xuống đất nếu không có sự hướng dẫn của lực lượng cứu hộ.