Xanh hóa các khu, cụm công nghiệp (Bài 3): Đồng bộ nhiều giải pháp

Kinh tế - Ngày đăng : 20:00, 14/09/2023

So với các khu công nghiệp thông thường, khu công nghiệp xanh rất khác biệt. Được xây dựng theo cách tiết kiệm chi phí và thân thiện với môi trường..., Vì vậy, cần sự chung tay góp sức và hỗ trợ từ nhiều hướng.

Ngoài việc đảm bảo chất lượng hoạt động, các chủ đầu tư cũng rất quan tâm về bảo vệ môi trường. Đây được xem là thước đo đánh giá uy tín của khu công nghiệp với các nhà đầu tư khác. Việc này giúp thúc đẩy khả năng tăng trưởng và tiềm lực của các doanh nghiệp. Góp phần vào công cuộc tối ưu công nghiệp xanh theo tiêu chuẩn “xanh”.

Bài toán được đặt ra là làm sao vừa phát triển công nghiệp vừa có thể bảo vệ môi trường. Không thể phát triển mạnh công nghiệp nhưng suy thoái về mặt môi trường. Vì thế, tại các địa phương cũng như các nhà đầu tư đang tích cực đẩy mạnh xây dựng và phát triển các khu công nghiệp xanh.

3 tiêu chí để phát triển khu công nghiệp xanh bền vững, hiệu quả

xanh-hoa-khu-cum-cong-nghiep.jpg
Khi xây dựng mô hình khu, cụm công nghiệp sinh thái cần đảm bảo đầy đủ các tiêu chí của khu công nghiệp xanh

Hệ thống xử lí chất thải tối ưu

Hầu hết các nhà máy sản xuất trong những khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lí nước thải phù hợp. Theo đó gây nên tình trạng ứ đọng và làm cho nguồn nước bị ô nhiễm. Người dân xung quanh KCN gặp khó khăn trong việc sử dụng nguồn nước sinh hoạt. Vì thế, việc cung cấp hệ thống làm sạch để kiểm tra và tái sử dụng là rất cần thiết.

Hệ thống cấp thoát nước cũng cần được đầu tư hiện đại và quy mô hơn. Vì các khu công nghiệp thường sử dụng các loại máy móc, xe cộ và nhà xưởng thải ra nhiều chất thải: rắn, lỏng và khí. Cho nên, ở khu công nghiệp xanh cần hạn chế số lượng chất độc hại ra môi trường. Bằng các công nghệ mới, tự động hóa so với cách truyền thống sẽ giải quyết được vấn đề này. Sử dụng nguồn năng lượng tự nhiên (mặt trời, gió, nước…). Nên ưu tiên dùng các nguyên liệu có thể tái chế, để tiết kiệm nhiên liệu và chi phí. Có kế hoạch thu gom và xử lí rác thải tập trung một cách tối ưu nhất. Tránh tình trạng phát tán và xả thải không hợp lí.

Phát triển môi trường xanh

Một phần quan trọng trong mục tiêu tạo ra một khu công nghiệp xanh, đó là tạo ra một cảnh quan với phong cách sống xanh. Điều này xóa bớt sự khô cứng và nhàm chán thường thấy ở rất nhiều khu công nghiệp khác. Cụ thể là phát triển nguồn cảnh quan cây xanh, thảm cỏ, hồ nước quanh nhà xưởng. Một thảm thực vật xanh sẽ làm giảm tiếng ồn, giảm độ nóng của các công xưởng và lượng khí thải ra bên ngoài. Từ đó mang lại nguồn không khí sạch trong môi trường làm việc. Giảm thiểu hiệu ứng nhà kính và giúp cân bằng lại sự biến đổi khí hậu. Ngoài ra còn giúp nâng cao tinh thần làm việc và ngăn ngừa các bệnh về hô hấp.

Quan tâm đời sống công nhân viên

Một tiêu chí khác trong công cuộc đổi mới nữa là xây dựng nhà ở cho công nhân trong KCN. Công nhân có thể tự do di chuyển tới nơi làm việc dễ dàng. Đồng thời, có những biện pháp, phương tiện cho việc phòng cháy chữa cháy hiệu quả. Nhờ vậy mà người lao động có thể an tâm làm việc và sinh sống.

Việc xây dựng các khu công nghiệp theo tiêu chuẩn “xanh” không hề là điều dễ dàng trong một thời gian ngắn. Bên cạnh những thuận lợi, những khó khăn thử thách cũng được đặt ra. Tuy nhiên, từng địa phương, từng doanh nghiệp và cá nhân đang tích cực góp phần để đẩy mạnh quá trình phát triển khu công nghiệp xanh trở nên bền vững và hiệu quả.

xanh-hoa-cum-khu-cong-nghiep.jpeg
Xanh hóa các cụm, khu công nghiệp tạo môi trường xanh, an toàn cho người lao động

Để xanh hóa, cần sự hỗ trợ từ nhiều hướng

Biết rằng sự chuyển đổi theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong các KCN, Khu kinh tế là yếu tố then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo phát triển bền vững cho từng KCN, Khu kinh tế cũng như cho từng địa phương và cả nền kinh tế là cần thiết. Nhưng để biến nó thành hiện thực trong một tương lai gần thì cần đến nhiều sự hỗ trợ khác nhau, trong đó đặc biệt là các vấn đề liên quan đến chính sách, công nghệ, tài chính, thông tin và cơ chế kết nối chặt chẽ giữa các cơ quan trong nước và các tổ chức quốc tế. Bên cạnh đó cũng cần đến hướng dẫn về tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn của các Bộ ngành và hướng dẫn về kỹ thuật từ các chuyên gia trong nước, quốc tế, đặc biệt đối với các mạng lưới cộng sinh công nghiệp và giải pháp kinh tế tuần hoàn.

xanh-hoa-cum-khu-cong-nghiep.jpg
Việc xanh hóa mô hình khu, cụm công nghiệp cần sự hỗ trợ từ nhiều phía

Nói về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc khuyến nghị: "Thực tế bước đầu cho thấy, mô hình KCN sinh thái chỉ thực sự phát huy vai trò tích cực đối với chiến lược phát triển bền vững của quốc gia khi được nhân rộng trên cả nước, với các hỗ trợ về chính sách, công nghệ, tài chính, thông tin và cơ chế kết nối chặt chẽ giữa các cơ quan trong nước và các tổ chức quốc tế. Vì vậy, cần có thêm các hướng dẫn về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật của các Bộ, ngành và hướng dẫn về kỹ thuật từ các chuyên gia trong nước, quốc tế, đặc biệt là đối với các mạng lưới cộng sinh công nghiệp và giải pháp kinh tế tuần hoàn. Ngoài ra, việc bổ sung chính sách ưu đãi về tài chính cho các KCN sinh thái, doanh nghiệp sinh thái là cần thiết để khuyến khích doanh nghiệp tự thực hiện việc chuyển đổi và xây dựng mới KCN sinh thái. Đặc biệt, chuyển dịch KCN theo hướng xanh, bền vững muốn thành công cần phải có sự cam kết hỗ trợ về mặt tài chính/kỹ thuật thực sự từ các đối tác phát triển"

Khi đánh giá về mô hình và chính sách phát triển KCN sinh thái trên toàn cầu (dựa trên phân tích số KCN sinh thái nổi tiếng hàng đầu về cộng sinh công nghiệp tại các quốc gia, điển hình là KCN Kwinana ở Úc), chuyên gia Dick Van Beers, đã khẳng định, quy hoạch KCN sinh thái tại Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng, đem lại hiệu quả sử dụng đất cao nhất do các doanh nghiệp có thể cộng sinh được với nhau sẽ được sắp xếp gần nhau để việc cộng sinh hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Mặt khác, sự cộng sinh công nghiệp này cần đạt được lợi ích về hiệp đồng (cả về mặt ý nghĩa kinh tế và xã hội); trong đó các nhà hoạch định chính sách ra các quyết định để cho các cơ quan quản lý nhà nước và các công ty phát triển hạ tầng KCN triển khai thực hiện.

Không chỉ dừng lại ở cơ chế chính sách, thời gian qua, các tổ chức quốc tế cũng đã đầu tư và hỗ trợ Việt Nam rất nhiều đối với chiến lược tăng trưởng xanh và bền vững, phát triển kinh tế theo chiều sâu, giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường. Suốt từ năm 2014 đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với UNIDO và một số nhà tài trợ triển khai thí điểm mô hình KCN sinh thái và đạt được các kết quả tích cực trong xây dựng thể chế, áp dụng công nghệ và phương thức sản xuất tiên tiến, được các tổ chức quốc tế ghi nhận. Dự án "Triển khai KCN sinh thái theo hướng tiếp cận từ chương trình KCN sinh thái toàn cầu" là sự kế thừa kết quả triển khai thí điểm mô hình này trong thời gian qua, đồng thời là tiền đề để nhân rộng mô hình này trên cả nước trong giai đoạn tới.

Một trong những đóng góp của UNIDO cho các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs), cụ thể là Phát triển Công nghiệp Bền vững và Toàn diện (SDG 9) là thông qua việc thúc đẩy triển khai mô hình KCN sinh thái. UNIDO và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp triển khai Dự án "Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu", với mô hình KCN được triển khai từ năm 2014 tại 3 KCN, giai đoạn 2 từ năm 2020 thêm 3 KCN và thu được các kết quả rất đáng khích lệ, chứng tỏ tính hiệu quả của mô hình KCN sinh thái. Dự án có tổng kinh phí là 1.821.800 USD, được triển khai thí điểm trong 3 năm (5/2020-5/2023) tại 5 tỉnh/thành phố, gồm: TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đồng Nai, Đà Nẵng và Hải Phòng. Các KCN thí điểm được lựa chọn là: KCN Amata, KCN Deep C, KCN Hiệp Phước, KCN Trà Nóc 1&2, KCN Hòa Khánh. Ngoài ra, Dự án tiếp tục hỗ trợ phát triển các giải pháp Hiệu quả Tài nguyên và Sản xuất sạch hơn (RECP) và cơ hội cộng sinh công nghiệp ở cấp độ doanh nghiệp và KCN đã được xác định từ pha trước của Dự án.

Nói về sự hợp tác hiệu quả thông qua Dự án này, bà Lê Thị Thanh Thảo, Trưởng đại diện UNIDO tại Việt Nam, cam kết luôn sẵn sàng đồng hành hợp tác với Chính phủ Việt Nam và hỗ trợ doanh nghiệp về tư vấn giải pháp kỹ thuật và hỗ trợ tiếp cận các nguồn tài chính xanh, trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế lâu năm của UNIDO trong phát triển công nghiệp nói chung và KCN sinh thái nói riêng. Những hỗ trợ từ Dự án cũng sẽ thúc đẩy sự liên kết theo hướng hiệu quả hơn trong phát triển công nghiệp từ cấp trung ương đến địa phương, giữa các KCN cũng như trong nội bộ một KCN đồng thời còn tăng cường tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp, nâng cao vị thế trên thị trường theo cách "vừa ích nước, vừa lợi nhà".

xanh-hoa-cum-khu-cong-nghiep-10.jpg
Không thể tập trung phát triển công nghiệp mà để môi trường bị ô nhiễm

Đồng bộ nhiều giải pháp

Thứ nhất, về phía Chính phủ, Nhà nước đưa ra chính sách phát triển sạch hướng tới sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thân thiện với môi trường, mặt khác đóng vai trò người tiêu dùng lớn có tác động đến thị hiếu mua sắm và tiêu dùng sản phẩm, kích cầu các sản phẩm thân thiện với môi trường. Khi Nhà nước triển khai chương trình, sẽ thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ bền vững, tạo điều kiện cho nhà sản xuất đầu tư vào hoạt động bảo vệ môi trường, giúp giảm thiểu phát thải ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường; giảm chi phí xử lý ô nhiễm môi trường; định hướng phát triển các ngành kinh tế xanh gắn với sử dụng hiệu quả nguyên vật liệu và năng lượng, bảo tồn và gia tăng giá trị vốn tự nhiên, nâng cao chất lượng sống.

Thứ hai
, tại các doanh nghiệp xanh, việc thực hiện xanh hóa doanh nghiệp phải có sự thống nhất từ lãnh đạo xuống đến người lao động. Lãnh đạo phải là người tiên phong trong định hướng phát triển xanh của công ty, từ đó thay đổi cách suy nghĩ và hành động của từng cá nhân lao động trong toàn doanh nghiệp. Cụ thể, các doanh nghiệp cần chủ động đổi mới công nghệ, phát triển nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghệ sản xuất tiết kiệm tài nguyên, tiêu hao ít năng lượng, thân thiện môi trường.

Để giải quyết mẫu thuẫn giữa lợi nhuận và bảo vệ môi trường, để thực hiện doanh nghiệp không nhất thiết phải đầu tư trang thiết bị hiện đại mà có thể thông qua những hành động đơn giản như: chấp hành tốt quy định bảo vệ môi trường, cải tiến quy trình sản xuất để giảm nguyên, nhiên liệu, điện và ưu tiên tiêu sử dụng nguyên vật liệu đầu vào thân thiện với môi trường.

Thứ ba
, do khái niệm doanh nghiệp xanh ở Việt Nam vẫn còn hết sức mới mẻ, đòi hỏi phải có những nghiên cứu và phổ biến rộng rãi kiến thức trong tầng lớp lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp và người dân. Nếu không nhận thức đầy đủ, tính đồng thuận trong xã hội sẽ không đạt được, do vậy sẽ khó thực hiện.

Thứ tư
, phát huy vai trò của các tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp, các cơ quan báo chí, truyền thông trong việc tuyên truyền, phổ biến, giám sát việc thực thi trách nhiệm bảo vệ môi trường của doanh nghiệp là hết sức cần thiết và phải được chú trọng. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng trong việc lên tiếng bảo vệ người tiêu dùng trước những hoạt động sản xuất - kinh doanh, những sản phẩm có hại cho sức khỏe của người tiêu dùng.

xanh-hoa-cum-khu-cong-nghiep-11.jpg
Cần hoàn thiện và bổ sung các chính sách, quy định để thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp xanh

Triển khai thực hiện mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Đông Nam bộ

Theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, thành phố đã và đang tiến hành các biện pháp quan trọng nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Cuối năm 2022, việc ban hành Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển TP Hồ Chí Minh và gần đây, Nghị quyết 98 của Quốc hội về cơ chế chính sách đột phá phát triển TP Hồ Chí Minh đã tạo nên khung pháp lý và định hướng cho quá trình chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.

TP Hồ Chí Minh cũng đang tập trung vào việc nâng cao hạ tầng xanh, xây dựng lực lượng lao động có kiến thức về phát triển bền vững, thúc đẩy hợp tác quốc tế và hợp tác công - tư để thúc đẩy chuyển đổi xanh. Đặc biệt, thành phố cũng đặt mục tiêu trung hòa carbon đến năm 2050 và đang thực hiện kế hoạch "Cần Giờ không phát thải đến năm 2030" tại huyện Cần Giờ.

Với tỉnh Bình Dương, hàng loạt khu dân cư, khu đô thị mới, đường giao thông, các công trình phúc lợi được hình thành làm thay đổi diện mạo hạ tầng kỹ thuật của tỉnh, trong đó có cây xanh. Nhiều tuyến đường trục chính đô thị, đường liên khu vực được đầu tư đồng bộ kết hợp trồng mới hoặc thay thế cây xanh. Tại nhiều tuyến đường thuộc thành phố Thủ Dầu Một, trung tâm tỉnh Bình Dương như: 30/4, Thích Quảng Đức, Huỳnh Văn Nghệ, Lê Thị Trung, Yersin, Huỳnh Văn Lũy, Phạm Ngọc Thạch là những hàng cây sum suê cành lá tỏa bóng mát. Tất cả các loại cây được trồng trên mỗi tuyến đường đã tạo không gian xanh, cảnh quan, mỹ quan đô thị, trở thành nét đặc trưng của thành phố Thủ Dầu Một.

Theo lãnh đạo tỉnh Bình Dương, hiện tỉnh đang định hướng chuyển đổi các khu công nghiệp truyền thống sang mô hình khu công nghiệp thông minh - sinh thái. Từ đó, tối thiểu 20% doanh nghiệp trong khu công nghiệp phải áp dụng giải pháp sử dụng nguồn tài nguyên hiệu quả, sản xuất sạch; dành tối thiểu 25% diện tích khu công nghiệp cho cây xanh, giao thông, hạ tầng dịch vụ dùng chung; có giải pháp bảo đảm nhà ở và các công trình xã hội, văn hóa, thể thao cho người lao động…

Tại tỉnh Đồng Nai, thực hiện chuyển đổi xanh kết hợp tăng trưởng kinh tế, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tính tự chủ và khả năng thích ứng với môi trường của kinh tế tỉnh Đồng Nai; gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ; đổi mới sáng tạo để phát triển kinh tế tuần hoàn, phát triển xanh, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số.

Đồng thời, tỉnh Đồng Nai phát triển các ngành công nghiệp - xây dựng có hàm lượng khoa học - công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp sạch đi đôi với bảo vệ môi trường; Tỉnh tập trung phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng; trong đó, phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch tâm linh, về nguồn kết hợp khai thác các giá trị lịch sử, văn hóa, sản phẩm của địa phương… Tỉnh xác định, đô thị hóa phải trở thành động lực phát triển quan trọng của địa phương, tương xứng với sự phát triển của công nghiệp, kiến tạo môi trường sống tốt hơn cho người dân.

Tuấn Kiệt