TP. Hồ Chí Minh là địa phương có lượng phát thải khí nhà kính lớn nhất cả nước
Môi trường - Tài nguyên - Ngày đăng : 15:05, 15/09/2023
Sáng ngày 15/9, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái dự và phát biểu tại phiên khai mạc diễn đàn kinh tế TP. Hồ Chí Minh lần thứ 4 năm 2023. Diễn đàn kinh tế năm nay của TP. Hồ Chí Minh có chủ đề "Tăng trưởng xanh - Hành trình hướng tới giảm phát thải ròng bằng 0".
HEF là sự kiện quốc tế được UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức thường niên từ năm 2018. HEF 2023 có sự tham gia của hơn 1.200 đại biểu đến từ các định chế tài chính quốc tế, các tổ chức quốc tế như Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF); các nhà quản lý và lãnh đạo các địa phương nước ngoài đến từ 21 quốc gia.
Ngoài ra còn có đại diện các cơ quan ngoại giao, cơ quan lãnh sự, doanh nghiệp trong nước và ngoài nước; các chuyên gia trong nước và chuyên gia ở các quốc gia thành công trong lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, hướng tới tăng trưởng xanh, bền vững của thế giới.
Theo Phó Thủ tướng, TP. Hồ Chí Minh là địa phương có tổng lượng phát thải khí nhà kính lớn nhất, ước 57,6 triệu tấn, chiếm 23,3% cả nước. Về cơ bản nền kinh tế của thành phố chủ yếu vẫn phát triển theo hướng kinh tế tuyến tính và chưa được xanh hóa; công tác bảo vệ môi trường có nhiều tiến bộ song còn nhiều vấn đề đặt ra, nhiều việc phải làm tích cực hơn.
Vì vậy, theo ông, cần xem diễn đàn là cơ hội trao đổi, học hỏi cùng tiến tới nhận thức chung để hành động. Vì với kinh tế xanh, tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn, Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng mới bắt đầu triển khai nên chưa có nhiều kinh nghiệm.
Phát biểu khai mạc, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho biết TP. Hồ Chí Minh cùng nhiều đô thị trên thế giới chứng kiến những thách thức rất lớn từ biến đổi khí hậu, kẹt xe, môi trường... Những bất cập, sự thiếu đồng bộ thúc giục thành phố phải nhanh chóng giải quyết thông qua những hành động mạnh mẽ hơn nữa, sự gắn kết bền chặt hơn nữa giữa các quốc gia cùng mục tiêu.
Chuyển hướng kiến tạo hành trình mới - hành trình tăng trưởng xanh với tầm nhìn hướng đến một tương lai bền vững, TP. Hồ Chí Minh đang khẩn trương xây dựng khung chiến lược phát triển kinh tế xanh đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050, trong đó xác định lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm của chuyển đổi, tăng cường kết nối liên vùng, hợp tác quốc tế. Đồng thời, xác định tập trung vào 4 nội dung: phát triển nguồn lực xanh, xây dựng hạ tầng xanh, phát triển hành vi xanh, xác định ngành và lĩnh vực tiên phong.
Bên cạnh đó, nhận thức người dân đóng vai trò quyết định, Phó Thủ tướng đề nghị diễn đàn cần tiếp tục chuyển tải các thông tin chi tiết hơn, dễ hiểu hơn, phù hợp với đa số quần chúng để tạo sự chuyển biến thực sự về ý thức tiêu dùng xanh, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, tiến tới một nền kinh tế xanh, kinh tế bền vững trong tương lai không xa.