Phú Yên tăng cường công tác quản lý hoạt động khoáng sản
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 19:30, 18/09/2023
Theo đó, văn bản nêu rõ, UBND tỉnh Phú Yên giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ động kiểm tra, giải quyết dứt điểm các tồn tại, vi phạm trong hoạt động khoáng sản. Chủ trì, phối hợp các Sở, ngành và địa phương tổ chức rà soát, đảm bảo trách nhiệm toàn diện về nội dung các văn bản chỉ đạo điều hành, nội dung cấp phép hoạt động khoáng sản, xác nhận đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác khoáng sản trong diện tích dự án đầu tư xây dựng công trình; các quyết định phê duyệt kế hoạch đấu giá, khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản, phê duyệt trữ lượng, giá khởi điểm, tiền đặt trước, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước về khoáng sản và toàn bộ hoạt động khoáng sản của địa phương đảm bảo quy định.
Chủ trì, phối hợp các Sở, ngành và địa phương kiểm tra, rà soát tổng thể hiện trạng việc chấp hành pháp luật về khoáng sản của tất cả các tổ chức, cá nhân được cấp phép hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Qua đó, kịp thời phát hiện để xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Đối với các khu vực đã được UBND cấp tỉnh cấp phép thăm dò, đã phê duyệt Báo cáo kết quả thăm dò, phê duyệt trữ lượng: Rà soát, có văn bản yêu cầu tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản thực hiện đầy đủ nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 49 Luật Khoáng sản để nộp Báo cáo kết quả thăm dò về Trung tâm Thông tin lưu trữ và Tạp chí địa chất thuộc Cục Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường); kiểm tra, kiên quyết xử lý theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân nộp chậm hoặc không nộp Báo cáo kết quả thăm dò vào lưu trữ theo quy định. Báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện trước ngày 5/10/2023.
Đối với các Giấy phép thăm dò/khai thác khoáng sản đã chấm dứt hiệu lực giấy phép: Có văn bản yêu cầu tổ chức, cá nhân thăm dò/khai thác thực hiện nghĩa vụ theo quy định. Đặc biệt đối với Giấy phép khai thác khoáng sản đã hết hạn, tổ chức kiểm tra, kiên quyết xử lý theo quy định đối với tổ chức, cá nhân không lập Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản, đồng thời yêu cầu tổ chức, cá nhân liên quan lập Đề án đóng cửa mỏ để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
Đối với các Giấy phép khai thác khoáng sản đã chấm dứt hiệu lực, đã được phê duyệt Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản, phải tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện và xử lý theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ theo nội dung Đề án đã phê duyệt. Đối với Đề án đóng cửa mỏ đã được UBND cấp tỉnh phê duyệt, đã hoàn thành, tổ chức kiểm tra, nghiệm thu, trình UBND tỉnh ban hành quyết định đóng cửa mỏ khoáng sản, bàn giao đất cho địa phương và tổ chức quản lý khoáng sản còn lại chưa khai thác (nếu có) theo quy định. Báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện trước ngày 5/10/2023.
Rà soát các Giấy phép khai thác khoáng sản do UBND tỉnh cấp phép còn hiệu lực, tham mưu phối hợp với Cục Khoáng sản Việt Nam để xác định các trường hợp thuộc diện phải hoàn trả chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, chi phí thăm dò khoáng sản theo quy định. Báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện trước ngày 5/10/2023.
Tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản, theo đó thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản thực hiện nghiêm nội dung Giấy phép thăm dò/khai thác khoáng sản, cương quyết xử lý các trường hợp vi phạm quy định, nhất là các trường hợp khi Giấy phép khai thác khoáng sản hết hạn mà không thực hiện nghĩa vụ đóng cửa mỏ theo quy định.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép, nhất là đối với khoáng sản cát, sỏi lòng sông, đất san lấp; phối hợp với Sở Nội vụ kiểm tra, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương và cơ quan có liên quan khi để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn quản lý.
Cùng đó, UBND tỉnh Phú Yên giao Cục Thuế tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường đôn đốc việc thực hiện nghĩa vụ tài chính và các nghĩa vụ khác có liên quan của tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản, các nội dung miễn giảm thuế (nếu có) phải đảm bảo, tuân thủ đúng quy định pháp luật hiện hành; có biện pháp truy thu kịp thời các loại thuế, phí, tiền cấp quyền.
Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường nắm bắt, kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm nhằm không để tái diễn các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, đặc biệt là hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông, đất san lấp, vàng sa khoáng, đá làm vật liệu xây dựng thông thường. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, ngăn chặn việc khai thác, kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển khoáng sản trái phép, xử nghiêm đối với các trường hợp vi phạm.
UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc và UBND cấp xã tăng cường tuần tra, kiểm soát, tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định, phương án bảo vệ tài nguyên khoáng sản, quy định quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Phú Yên, nhất là cát, sỏi lòng sông tại khu vực giáp ranh địa giới hành chính; tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 29/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản.
Chỉ đạo UBND cấp xã và các đơn vị liên quan trực thuộc phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với các Sở, ngành liên quan trong việc quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động khoáng sản trên địa bàn huyện; kiên quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương, nhất là cấp xã khi để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn quản lý.