Quảng Bình: Huyện Bố Trạch chủ động phòng, chống thiên tai trong mùa mưa bão

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 07:30, 21/09/2023

Để chủ động phòng ngừa, ứng phó hiệu quả trước diễn biến ngày càng phức tạp, bất thường của thời tiết, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đặc biệt quan tâm, nhằm hạn chế những thiệt hại có thể xảy ra.

Xã Hưng Trạch là địa phương có nguy cơ cao về ngập úng, sạt lở đất ở huyện Bố Trạch. Về mùa mưa, xã có hai điểm thường bị ngập nước sâu, là: cầu Bùng cũ (thôn Trung Hà) và đập tràn Cây Chè (thôn Thanh Bình 2). Tình trạng này đã làm ảnh hưởng đến việc đi lại của nhân dân, có nguy cơ gây nguy hiểm đến tính mạng. Không những vậy, hiện tại, xã Hưng Trạch có 217 hộ dân thuộc các thôn: Đông Giang, Thanh Hưng 1, Thanh Bình 3, Thanh Bình 1, Khương Hà 3, Khương Hà 4, Bồng Lai 2 sống gần bờ sông, khu vực đồi, núi, có nguy cơ sạt lở vào mùa mưa bão.

chong-thien-tai.jpg
Công trình kè biển huyện Bố Trạch được đầu tư xây dựng, sửa chữa trước mùa mưa bão

Ông Lê Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND xã Hưng Trạch cho biết, ngay từ đầu năm 2023, xã đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) kiêm phòng thủ dân sự (PTDS). Trước mùa mưa bão, các thành viên ban chỉ huy đã tiến hành kiểm tra công tác triển khai nhiệm vụ PCTT tại các thôn, cơ quan đóng trên địa bàn để kịp thời nhắc nhở làm tốt công tác chuẩn bị và chủ động ứng phó khi thiên tai xảy ra.

Đối với các khu vực, hộ gia đình có nguy cơ xảy ra ngập úng, sạt lở đất khi mưa lũ, xã đã xây dựng phương án chi tiết, đánh giá sát tình hình, lựa chọn địa điểm an toàn với phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng di dời người và tài sản đến nơi an toàn, tránh đến mức thấp nhất thiệt hại; đặt biển cảnh báo tại các điểm ngập lụt, cử lực lượng duy trì trực 24/24 giờ, sẵn sàng huy động người và phương tiện tham gia công tác PCTT-TKCN khi thiên tai xảy ra.

Bố Trạch là huyện có địa bàn rộng, nhiều sông suối, ngầm tràn, bờ biển dài cộng với địa hình phức tạp nên thường bị ảnh hưởng mỗi khi có mưa bão. Để chủ động ứng phó với thời tiết cực đoan, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản và hoa màu, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN kiêm PTDS huyện đã triển khai việc thực hiện kế hoạch PCTT cấp huyện giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch PCTT năm 2023; đôn đốc các xã, thị trấn rà soát, lập và phê duyệt kế hoạch PCTT 5 năm, phương án phòng, chống của cấp mình.

Huyện bổ sung vật tư, trang thiết bị PCTT cho các địa phương, đơn vị trên địa bàn; thành lập nhiều đoàn kiểm tra công tác PCTT-TKCN tại các xã, thị trấn. Qua kiểm tra, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN kiêm PTDS huyện nắm bắt được tình hình triển khai ở các địa phương, từ đó có ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn bổ sung, khắc phục tồn tại, thiếu sót kịp thời.

Bên cạnh đó, huyện cũng chỉ đạo các địa phương xây dựng phương án bảo đảm an toàn hồ, đập. Các hồ chứa nước được kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn, báo cáo kết quả cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về chất lượng xây dựng công trình, các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn trong mùa lũ.

Các địa phương, các ngành, chủ đầu tư thi công tập trung hoàn thành cơ bản các công trình, hạng mục công trình trước mùa mưa bão, như: Hồ chứa nước Khe Su (thị trấn Phong Nha), hồ Bàu Trạng (xã Cự Nẫm), hồ Trọt Hóp (xã Tây Trạch), kè chống sạt lở cấp bách sông Dinh, kè biển xã Hải Phú...

Đến nay, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thường trực Huyện ủy, HĐND và UBND huyện, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN kiêm PTDS huyện, các ngành, địa phương đã chủ động triển khai thực hiện công tác PCTT trong mọi tình huống, đặc biệt là công tác chuẩn bị trước mùa mưa bão. Các cấp, ngành thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, bảo đảm các nguồn lực sẵn sàng ứng phó với thiên tai; tổ chức hiệu quả công tác thường trực PCTT-TKCN, công tác trực ban bảo đảm nghiêm túc, xử lý kịp thời các tình huống xảy ra.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch Nguyễn Văn Thủy cho biết, 4 tháng còn lại của năm 2023 là thời điểm của mùa mưa bão ở tỉnh ta. Quan điểm và mục tiêu của huyện là huy động cả hệ thống chính trị và mọi nguồn lực để triển khai có hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục thiệt hại nhanh nhất; nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản khi thiên tai xảy ra. Phương châm “4 tại chỗ” được đặt lên hàng đầu; các cấp, các ngành nâng cao năng lực xử lý tình huống, sự cố, chỉ huy, điều hành tại chỗ để ứng phó thiên tai đạt hiệu quả. Công tác dự báo, cảnh báo diễn biến thời tiết và thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng, tránh ứng phó thiên tai cần được tăng cường, kịp thời đến người dân; phát huy ý thức tự giác, chủ động phòng, tránh ngay tại cộng đồng là biện pháp hiệu quả và thiết thực...

Hoàng Linh