Biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng thời trang
Kinh tế môi trường - Ngày đăng : 12:00, 23/09/2023
Những đợt nắng nóng trải rộng trên khắp Đông Nam Á mùa hè năm nay đã gia tăng do biến đổi khí hậu, một báo cáo của nhóm nghiên cứu môi trường Quantis kết luận vào tháng 7. Các đợt sóng nhiệt trên 40 độ C khiến các nhà máy trở nên nguy hiểm đối với công nhân may mặc, đặc biệt khi khả năng tiếp cận hệ thống làm mát kém. Các kiểu thời tiết khó lường cũng làm tăng khả năng xảy ra lũ lụt, lốc xoáy, lở đất và hạn hán.
Một báo cáo khác được công bố bởi Viện Lao động Toàn cầu ILR của Đại học Cornell và công ty quản lý tài sản Schroders của Anh, cũng nhấn mạnh tính dễ bị tổn thương của công nhân may mặc và các nhà máy nơi họ làm việc. Báo cáo dự đoán các kịch bản nắng nóng và lũ lụt trong tương lai cho Campuchia, Bangladesh, Pakistan và Việt Nam, vẽ ra một bức tranh đáng lo ngại sâu sắc về tác động có thể xảy ra của biến đổi khí hậu đối với công nhân, sức khỏe và năng suất của họ - và từ đó, đối với chuỗi cung ứng quần áo mà các thương hiệu phụ thuộc vào để duy trì hoạt động.
Trong số nhiều thách thức mà ngành công nghiệp thời trang phải đối mặt do biến đổi khí hậu, việc tìm nguồn cung cấp sợi và chất liệu tự nhiên có thể trở nên khó khăn hơn, và việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng chỉ là giải pháp tạm thời. Từ cotton đến cashmere, nhiều loại sợi tự nhiên và hàng dệt đang trở nên khó để cung ứng đủ lượng nhu cầu.
Đối với bông, sáu quốc gia sản xuất hàng đầu gồm Ấn Độ, Pakistan, Brazil, Trung Quốc, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ – chịu nhiều rủi ro về khí hậu bất ổn, trong đó Tây Bắc Phi và Tây và Nam Á có nguy cơ cao nhất. Theo một báo cáo của Cotton 2040, có khoảng 40% các vùng sản xuất bông sẽ có mùa vụ trồng ngắn hơn vào năm 2040.
Tìm nguồn cung ứng các chất liệu vững hơn chỉ là một trong hàng núi thách thức mà ngành công nghiệp thời trang phải đối mặt khi mối đe dọa của biến đổi khí hậu gia tăng theo từng năm. Lĩnh vực thời trang hiện đang chịu trách nhiệm cho 10% lượng khí thải toàn cầu hàng năm và 48% chuỗi cung ứng của nó có liên quan đến nạn phá rừng. Bên cạnh đó ngành này cũng có tác động tiêu cực nặng nề đến đa dạng sinh học do sử dụng hóa chất và ô nhiễm vi nhựa.