Thanh Trì (Hà Nội): Tiềm ẩn ô nhiễm môi trường, cháy nổ từ việc xây dựng Trường THCS Vạn Phúc
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 17:38, 25/09/2023
Tuy nhiên, trên thực tế, tại những dự án đầu tư xây dựng công trình công còn không ít những tồn tại, bất cập trong công tác quản lý cũng như việc thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ môi trường gây ảnh hưởng đến môi trường và đời sống dân cư.
Chính vì vậy, để nâng cao hiệu quả của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng trong công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế những ảnh hưởng và tác động trực tiếp tới môi trường xung quanh trong quá trình xây dựng, Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống đã tìm hiểu, khảo sát, thu thập thông tin để thực hiện chuyên đề “Những ảnh hưởng của các dự án đầu tư xây dựng đến môi trường xung quanh”. Với mục đích đưa ra những đánh giá về tình hình thực tế đang diễn ra, đề xuất những giải pháp quản lý trong công tác bảo vệ môi trường đảm bảo đúng luật, góp phần phòng ngừa những ảnh hưởng tới môi trường sống của người dân.
Trong quá trình triển khai chuyên đề, phóng viên (PV) Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống - Moitruong.net.vn đã nhận được nhiều ý kiến của người dân thôn 4, xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, Hà Nội về việc "Công trình xây mới trường THCS Vạn Phúc" trong quá trình thi công đã gây ảnh hưởng đến môi trường, chất lượng công trình lân cận và cộng đồng dân cư.
Nhiều dấu hỏi về việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, PCCC, giấy phép môi trường
Công trình xây mới trường THCS Vạn Phúc tại thôn 1, xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thanh Trì làm chủ đầu tư. Trong quá trình triển khai, chủ đầu tư và nhà thầu đã bộc lộ nhiều dấu hiệu tồn tại trong công tác quản lý và thực hiện các quy định của Luật bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước, Luật PCCC và gây ảnh hưởng tới cuộc sống của các hộ dân sống xung quanh công trình.
Theo ý kiến của các hộ dân sinh sống tại đội 4, thôn 1, xã Vạn Phúc, thời gian qua trong quá trình thi công "Công trình xây mới trường THCS Vạn Phúc” gây ồn ào, bụi bặm, làm nứt nhà, ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống, sức khỏe của nhiều người dân, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ.
Chia sẻ với PV, cô Nguyễn Thị Hợi - người dân đội 4, thôn 1, xã Vạn Phúc cho biết: Công trình thi công khiến tường nhà tôi siêu vẹo hết cả, còn nứt cả ra. Xã cứ bảo đền bù mà đến giờ chưa thấy đâu. Nhà tôi còn phải thuê thợ để sửa. Tường nứt hết từ trên xuống.
Trước khi xây dựng họ có khảo sát gì đâu. Việc của họ họ làm, khảo sát cái gì. Lúc dân kêu họ cũng kệ.
Khi thi công thì bụi bặm, bùn đất cứ dềnh lên, nhà ngay cổng dự án thì vợ chồng tôi lại tự phun nước rửa dọn. Hầu như họ không thuê dọn, hàng tháng chắc được 1 lần. Có đợt cả xóm này còn kéo nhau ra xã có ý kiến về việc bụi bẩn thì họ mới cho người ra dọn. Sau lại đâu vào đấy. Nhiều hôm, nửa đêm gà gáy họ cũng thi công, ầm ầm cả đêm, dân ở đây họ cũng đã có kiến nghị.
Qua báo chí, tôi cũng có ý kiến đề nghị chủ đầu tư bồi thường cho gia đình về vấn đề nứt nhà, thi công đảm bảo môi trường, cô Hợi có ý kiến.
Việc xây dựng trường THCS Vạn Phúc đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của nhiều gia đình, đặc biệt là người già, trẻ nhỏ nhưng không hiểu vì lý do gì chính quyền xã Vạn Phúc và UBND huyện Thanh Trì vẫn chưa quan tâm, xử lý dứt điểm những tồn tại của dự án?.
Theo ghi nhận của PV Moitruong.net.vn, trong quá trình thi công nhà thầu đã dựng lán và sử dụng một số phần tầng 01 của công trình để cho hàng chục công nhân ăn ở, sinh hoạt. Nước thải, rác thải trong quá trình ăn uống sinh hoạt của công nhân không được thu gom mà xả thải trực tiếp ra môi trường bốc mùi khó chịu, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh.
Chia sẻ với PV, cô H. – công nhân tại công trường cho biết: Chúng tôi dùng nước giếng khoan, lúc đầu thì không sao, nhưng giờ nhiều người dùng thì vừa ngứa, vừa hôi tanh, có người nổi mụn.
Nguy hiểm hơn, tại những khu bếp nấu ăn trong công trường là những bình gas, bếp gas với những đường dây điện được đấu nối chằng chịt như mạng nhện, giăng khắp nơi. Điều này dễ dẫn đến tình trạng chập điện, nguy cơ cháy nổ luôn rình rập và có thể xảy ra bất cứ lúc nào, liệu cơ quan chức năng của huyện Thanh Trì và xã Vạn Phúc có biết? Liệu việc những người công nhân đang ăn ở tại đây đã được đăng ký tạm trú, tạm vắng hay chưa?
Theo quy định của Luật PCCC để đưa 1 công trình đi vào hoạt động thì phải được nghiệm thu đủ điều kiện về PCCC nhưng tại các phòng ở tầng 1 của công trình xây mới trường THCS Vạn Phúc lại được tận dụng cho công nhân đang ngày đêm ăn ở, nấu nướng để thuận tiện cho việc thi công công trình sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ, ảnh hưởng tới tính mạng, an toàn của các công nhân.
Bài học nhãn tiền là mới đây, vào đêm 12/9/2023, vụ cháy tại chung cư mini 10 tầng số 37 ngách 29/70 Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) khiến 56 người thiệt mạng và 37 người bị thương lại gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ cháy nổ. Nhiều lỗ hổng pháp lý khiến chủ đầu tư có thể lách luật, không chú trọng tới phòng cháy nên khi có hỏa hoạn xảy ra thì hậu quả khôn lường.
Liên quan đến vụ cháy tại Khương Hạ trên, Đoàn kiểm tra của Ban thường vụ Thành uỷ Hà Nội đã công bố quyết định kiểm tra đối với 3 tổ chức Đảng tại quận Thanh Xuân gồm: Ban Thường vụ Quận ủy Thanh Xuân, Đảng ủy Công an quận Thanh Xuân, Đảng ủy phường Khương Đình nhiệm kỳ 2015-2020 và 2020-2025. Theo Ban thường vụ Thành uỷ Hà Nội, việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với các tổ chức đảng nêu trên nhằm làm rõ trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện liên quan đến công tác phòng cháy chữa cháy trên địa bàn quận Thanh Xuân.
Trước đó ngày 10/9/2022, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Công văn số 504-CV/TU về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và các hoạt động sản xuất, kinh doanh có điều kiện trên địa bàn thành phố. Công văn nêu rõ, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương... chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Thành ủy nếu để xảy ra cháy nổ, gây hậu quả nghiêm trọng trên địa bàn, phạm vi quản lý.
Ngoài ra, theo ghi nhận của PV, tại công trình xây dựng trường THCS Vạn Phúc còn khoan 02 giếng có dấu hiệu trái phép để cho công nhân sử dụng trong quá trình sinh hoạt. Điều này đang có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng Luật Tài nguyên nước.
Những dấu hiệu sai phạm của chủ đầu tư, nhà thầu thi công đang hiện hữu ngay trước mắt. Dư luận đang đặt câu hỏi, trong suốt thời gian dự án thi công đến nay thì các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội, huyện Thanh Trì, xã Vạn Phúc có đi kiểm tra hay không? Và nếu có đi kiểm tra thì tại sao không phát hiện ra những dấu hiệu sai phạm trên?.
Không chỉ có vậy, tại công trình xây mới trường THCS Vạn Phúc, hàng chục công nhân không được trang bị bảo hộ lao động nhưng vẫn “thản nhiên” làm việc trên cao, thiếu quy định về đảm bảo an toàn lao động mà không vướng phải sự giám sát của đơn vị thi công, đơn vị giám sát cùng các lực lượng chức năng và Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thanh Trì. Công trình trong quá trình thi công không được che chắn lưới theo đúng quy định khiến lượng bụi phát tán ra ngoài môi trường ảnh hưởng không nhỏ tới sinh hoạt của nhà dân.
UBND huyện Thanh Trì trả lời văn bản tới cơ quan báo chí cho "có lệ"?
Theo tìm hiểu, căn cứ phần 2 Mục I, Phụ lục IV Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 danh mục các dự án đầu tư nhóm II có nguy cơ tác động xấu đến môi trường quy định tại khoản 4 điều 28 Luật Bảo vệ môi trường. Căn cứ vào mục 1 Điều 39 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định về đối tượng phải có giấy phép môi trường như sau: Dự án đầu tư nhóm I, nhóm II, nhóm III có phát sinh nước thải, bụi, khí thải xả ra môi trường phải được xử lý hoặc phát sinh chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải khi đi vào vận hành chính thức thì công trình xây mới trường THCS Vạn Phúc thuộc đối tượng phải làm Giấy phép môi trường và thực hiện các quy định của Luật bảo vệ môi trường.
Vậy câu hỏi đặt ra, trước khi công trình xây dựng Trường THCS Vạn Phúc được triển khai thi công đã được cơ quan chức năng cấp Giấy phép môi trường hay chưa? Câu hỏi này xin gửi tới lãnh đạo UBND Tp. Hà Nội có câu trả lời thỏa đáng tới dư luận được biết.
Theo quy định, các công trình công mà trong đó có công trình xây dựng trường THCS Vạn Phúc sẽ được miễn cấp phép xây dựng nhưng không phải vì thế mà Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thanh Trì có thể bỏ qua việc chấp hành các quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Luật tài nguyên nước, Luật Phòng cháy chữa cháy.
Nhằm tìm hiểu, thu thập làm rõ thông tin liên quan đến việc Công trình xây mới trườn THCS Vạn Phúc thi công có dấu hiệu ô nhiễm môi trường, Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống đã có giấy giới thiệu và nội dung đính kèm cần cung cấp gửi UBND huyện Thanh Trì và Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thanh Trì. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì mà UBND huyện Thanh Trì lại “né tránh” làm việc trực tiếp với PV, thay vào đó là trả lời bằng văn bản. Tuy nhiên, tại văn bản UBND huyện Thanh Trì trả lời báo chí lại rất sơ sài, hời hợt, tự “viện” ra nhiều lý do để “né” báo chí, có dấu hiệu cản trở trong việc cung cấp thông tin cho báo chí hoạt động đúng tôn chỉ mục đích, đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, tại văn bản trả lời của UBND huyện do ông Nguyễn Văn Hưng – Phó chủ tịch là người ký lại không có bất cứ nội dung thông tin nào liên quan đến những vấn đề mà người dân và báo chí đang quan tâm như: việc dự án xây dựng trường THCS Vạn Phúc thi công có dấu hiệu gây ô nhiễm môi trường, chưa có giấy phép môi trường, thi công làm nứt nhà dân, công nhân ăn ở tại công trường khai thác nước ngầm trái phép và nước thải công nhân ăn ở tại công trường xả trực tiếp ra ngoài môi trường bốc mùi khó chịu, cùng với đó là vấn đề PCCC tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ ảnh hưởng lớn tới tính mạng con người và môi trường thì lại bị UBND huyện Thanh Trì “phớt lờ” thông tin.
Phải chăng lãnh đạo UBND huyện Thanh Trì đang cố tình “làm khó” cơ quan báo chí trong quá trình tiếp cận thông tin, hồ sơ tài liệu liên quan?
Qua sự việc trên, đề nghị lãnh đạo UBND TP. Hà Nội, Huyện ủy Thanh Trì cần có giải pháp, làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo UBND huyện Thanh Trì trong việc thực thi công vụ nhằm minh bạch thông tin, đảm bảo quyền được thông tin của cơ quan báo chí hoạt động đúng pháp luật.
Đồng thời, kính mong UBND TP. Hà Nội chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, huyện ủy Thanh Trì, UBND huyện Thanh Trì, Công an huyện Thanh Trì nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm minh những tồn tại (nếu có) của chủ đầu tư dự án và các nhà thầu thi công trường THCS Vạn Phúc tại xã Vạn Phúc để đảm bảo môi trường xung quanh cho người dân và an toàn về cháy nổ, an toàn lao động cho những công nhân đang thi công tại dự án này.
Tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này dưới góc độ pháp lý của Luật sư trước việc UBND huyện Thanh Trì trả lời văn bản tới cơ quan báo chí theo kiểu “đối phó” đến bạn đọc trong bài tiếp theo.
Khoản 5 Điều 64 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định Bảo vệ môi trường trong hoạt động xây dựng như sau:
Việc thi công xây dựng, cải tạo, sửa chữa, phá dỡ công trình xây dựng phải bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường sau đây:
a) Có biện pháp không phát tán bụi, nhiệt, tiếng ồn, độ rung, ánh sáng vượt mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường;
b) Việc vận chuyển vật liệu, chất thải trong hoạt động xây dựng phải được thực hiện bằng phương tiện phù hợp, bảo đảm không làm rò rỉ, rơi vãi, gây ô nhiễm môi trường;
c) Nước thải phải được thu gom, xử lý, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường;
d) Chất thải rắn, phế liệu còn giá trị sử dụng được tái chế, tái sử dụng theo quy định; đất, đá, chất thải rắn từ hoạt động xây dựng được tái sử dụng làm vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng theo quy định;
đ) Đất, bùn thải từ hoạt động đào đất, nạo vét lớp đất mặt, đào móng cọc được sử dụng để bồi đắp cho đất trồng cây hoặc các khu vực đất phù hợp;
e) Bùn thải phát sinh từ bể phốt, hầm cầu phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường;
g) Chất thải rắn và các loại chất thải khác phải được thu gom, lưu giữ, vận chuyển đến nơi xử lý theo quy định về quản lý chất thải.
Theo quy định tại tại điểm C, khoản 3, Điều 14 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP, vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường đối với dự án đầu tư đã triển khai xây dựng nhưng chưa đi vào vận hành hoặc cơ sở đang hoạt động mà không có giấy phép môi trường hoặc đăng ký môi trường theo quy định nêu rõ:
Đối với dự án đầu tư, cơ sở thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường theo quy định thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an mà có tiêu chí về môi trường tương đương với dự án đầu tư, cơ sở thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, khi triển khai xây dựng hoặc vận hành chính thức có vi phạm về bảo vệ môi trường, bị xử phạt như sau: Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 170.000.000 đồng đối với hành vi không có giấy phép môi trường theo quy định.