Ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, hơn 150 nhà dân hư hỏng, 7 người thương vong
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 16:30, 26/09/2023
Số liệu quan trắc của cơ quan khí tượng thuỷ văn cho thấy, tại khu vực Trung Bộ trong hơn 2 ngày qua đã có mưa phổ biến từ 100-150mm, riêng từ Quảng Bình đến Quảng Nam có mưa từ 150 - 250mm. Một số trạm mưa lớn như: Dân Hoá (Quảng Bình) 305mm; Phú Bài (Thừa Thiên Huế) 317mm; Đà Nẵng (Đà Nẵng) 288mm; Lý Sơn (Quảng Ngãi) 275mm…
Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, mưa lớn kèm lốc, sét đã gây thiệt hại nặng nề trên địa bàn các tỉnh.
Tại tỉnh Quảng Trị ghi nhận 1 người chết (ông Trần Khương Tiền, sinh năm 1964, thôn 6, xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong) bị sét đánh khi đang đánh bắt cá trên biển. Ngoài ra, 6 người bị thương tại Thừa Thiên Huế do mưa lớn, dông lốc.
Ít nhất 69 nhà dân tại Quảng Trị bị tốc mái, trong khi tại Thừa Thiên Huế là 84 ngôi nhà bị hư hỏng. Gió lớn còn khiến 2 cột điện trung thế bị gãy đổ (Thừa Thiên Huế), cùng với đó là 2.000 cây ăn quả, cây bóng mát bị ảnh hưởng (Quảng Trị).
Mưa lớn cũng gây ngập tại một số ngầm tràn, điểm đường giao thông, trong đó một số điểm ngập sâu từ 0,4-2m. Đặc biệt, có 3 điểm trên quốc lộ 15 và 9B gây chia cắt 18 thôn bản thuộc các huyện Minh Hoá (Quảng Ninh) khiến đời sống của người dân bị ảnh hưởng.
Cơ quan khí tượng thuỷ văn nhận định, từ nay đến ngày 27/9, khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình tiếp tục có mưa phổ biến từ 150 - 350mm, có nơi trên 400mm; từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi từ 50 - 150mm, có nơi trên 150mm; Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ từ 40 - 80mm, có nơi trên 120mm.
Mưa còn mở rộng ra khu vực Đồng bằng Bắc Bộ với tổng lượng từ 50 - 150mm, có nơi trên 200mm. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Do ảnh hưởng của mưa lớn, lũ trên sông Gianh được nhận định tiếp tục lên và ở trên mức báo động 2. Trong 12 - 24 giờ tiếp theo, lũ trên sông Gianh dao động ở dưới mức báo động 2. Từ nay đến ngày 28/9, các sông từ Nghệ An đến Hà Tĩnh có khả năng xuất hiện một đợt lũ, với biên độ tại thượng lưu từ 3-6m, tại hạ lưu từ 1,5 - 3m; đỉnh lũ thượng nguồn sông Cả (Nghệ An), sông La (Hà Tĩnh) ở mức báo động 1; hạ lưu dưới báo động 1.
Theo ông Phạm Đức Luận- chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai, trước diễn biến mưa kéo dài những ngày tới, đề nghị các tỉnh khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ duy trì triển khai ứng phó theo Công điện số 11/CĐ-QG, trong đó chủ động sơ tán dân khu vực bị ngập sâu, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất; tổ chức kiểm soát giao thông trên các tuyến dường bị ngập sâu, chia cắt.
Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị đã huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục nhà ở, ổn định đời sống; tỉnh Quảng Bình tổ chức kiểm soát giao thông tại các điểm bị ngập sâu, chia cắt. Đồng thời, các địa phương tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, chủ động triển khai những biện pháp ứng phó trên tinh thần không chủ quan.