Hà Tĩnh: Mưa lũ gây thiệt hại về người và tài sản tại nhiều địa phương

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 16:30, 27/09/2023

Mưa lũ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh khiến nhiều tuyến đường bị sạt lở, chia cắt, một số nhà dân, hội quán bị ngập. Đáng tiếc đã có người tử vong trong lúc phòng chống mưa lũ.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, từ ngày 25/9 đến nay trên địa bàn Hà Tĩnh có mưa to đến rất to. Lượng mưa đo được từ 19h ngày 24/9 đến 7h ngày 27/9 tại các trạm khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh phổ biến từ 166mm – 300mm.

W_z4731478128854_85117dd2fd7662ee5a194ea60b5d6439.jpg
Nước sông Ngàn Phố, huyện Hương Sơn đang lên cao.

Cụ thể, lượng mưa đo được tại trạm Linh Cảm là 326,1mm; trạm Sơn Kim; 345,5mm, trạm Chu Lễ 342mm; trạm Hương Khê 335,8mm; trạm Kỳ Anh 386mm; trạm Hương Trạch 572,7mm. Mưa lớn khiến mực nước trên các sông lên nhanh, báo động lũ mức 2 và dự báo còn lên tiếp.

Theo thống kê bước đầu, mưa lũ đã gây thiệt hại tại một số địa phương như: Tại huyện Hương Sơn, mưa ngập một số nhà dân, hội quán, nhiều tuyến giao thông, cầu tràn bị nước lũ chia cắt.

Thôn Hàm Giang, xã Sơn Hàm đã có một người tử vong, nạn nhân là anh Đinh Phùng H., bị té ngã khi đang leo lên mái nhà sửa máng nước. Được biết hoàn cảnh gia đình anh H. rất khó khăn, anh là lao động chính nuôi mẹ già và một người anh bị bệnh nặng.

Quốc lộ 8A, đoạn qua xã Sơn Kim 1 bị sạt lở mái ta luy dương tại Km 82+950 và Km82+800, đất đá đổ xuống đường, giao thông tắc nghẽn. Đến 11 giờ trưa 27/9, lực lượng chức năng cơ bản đã xử lý, thông xe.

W_z4731202661571_cd83e41618a7c7eeb86a2f867495ff83.jpg
Lực lượng chức năng khẩn trương xử lý sạt lở tại quốc lộ 8A.

Tại huyện Hương Khê có 287 vườn nhà dân bị ngập, 8 hội quán bị chia cắt. Một số tuyến đường giao thông và cầu tại các xã Hương Đô, Hương Trạch, Hương Lâm, Hương Liên, Hương Vĩnh, Phúc Trạch, Hà Linh và Hương Bình bị ngập, xói lở gây chia cắt cục bộ. Mưa lớn khiến 21ha bưởi Phúc Trạch tại xã Hương Trạch bị ngập và gây sập đổ 10m hàng rào tại nhà văn hóa thôn 12, xã Hương Giang. Huyện đã chủ động di dời 5 hộ dân ở xã Hương Lâm và 1 hộ dân ở xã Hương Thủy đến nơi an toàn trước nguy cơ sạt lở.

Tại huyện Cẩm Xuyên, mưa lớn đã gây xói lở tuyến đường quốc phòng ven biển xã Cẩm Lĩnh và kè biển xã Cẩm Nhượng.

Riêng huyện Kỳ Anh có 4 cầu tràn bị ngập tại các xã Kỳ Lạc, Kỳ Tây, Kỳ Thượng.

W_z4731476475607_020841220bb1977f06c6ac92b27fb37b.jpg
Ngày 27/9, lực lượng chức năng huyện Hương Sơn tham gia vớt rác, chướng ngại vật tại cầu Tràn Phố (bắc qua sông Ngàn Phố, nối thị trấn Phố Châu với xã Sơn Giang).

Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải đã ký công điện gửi các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh; các địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn về việc tập trung ứng phó với áp thấp nhiệt đới, mưa lớn trên địa bàn tỉnh. Các địa phương cần tập trung triển khai ngay một số nhiệm vụ:

Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, chỉ đạo triển khai ngay các biện pháp ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ” nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra. Rà soát, chủ động lực lượng sẵn sàng di dời các hộ dân tại các khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét, vùng bị ngập sâu, chia cắt khi mưa lũ, nhất là tại các vùng thấp trũng, ven sông suối, ven sườn núi nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.

Chủ động thông tin kịp thời, khuyến cáo, hướng dẫn người dân trong các hoạt động, nhất là việc đi lại khi có mưa, lũ, bố trí lực lượng kiểm soát, đặt các biển cấm, biển cảnh báo, hướng dẫn giao thông đặc biệt là tại các khu vực thường xuyên bị ngập sâu, chảy xiết. Tổ chức kiểm tra, rà soát, triển khai phương án đảm bảo an toàn cho các hoạt động trên biển và nuôi trồng thủy, hải sản và đảm bảo an toàn cho người và tài sản tại các chòi canh, lồng bè.

Tiếp tục chỉ đạo, triển khai các biện pháp gia cố bảo vệ đê điều, hồ đập nhất là các hồ đập có nguy cơ mất an toàn cao, bố trí lực lượng canh gác, có phương án chủ động sơ tán dân cư ở hạ lưu để đảm bảo an toàn khi có tình huống; rà soát bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để sẵn sàng triển khai ứng cứu khi xảy ra sự cố. Hướng dẫn người dân triển khai phương án bảo vệ sản xuất nông nghiệp, cây ăn quả có múi, diện tích nuôi trồng thủy hải sản đã đến kỳ thu hoạch, nhất là khu vực có nguy cơ bị ngập sâu; chủ động tiêu thoát nước đệm phòng, chống ngập úng, bảo vệ sản xuất. Bố trí lực lượng, phương tiện tại các địa bàn trọng điểm để sẵn sàng triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn và khắc phục kịp thời hậu quả thiên tai.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Tiểu ban An toàn nghề cá trên biển, Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh và các địa phương ven biển theo dõi chặt chẽ thông tin, diễn biến của ATNĐ; tổ chức kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của ATNĐ để chủ động phòng tránh hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. Sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện để triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển khi có tình huống xảy ra.

Sở NN&PTNT chỉ đạo các công ty TNHH MTV thủy lợi, các địa phương thường xuyên kiểm tra, tổ chức vận hành các công trình tiêu thoát lũ kịp thời chống ngập úng, triển khai các phương án đảm bảo an toàn các hồ, đập thủy lợi. Chỉ đạo hướng dẫn các địa phương, đơn đơn vị triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản.

Sở Công Thương chỉ đạo công tác vận hành an toàn các hồ, đập thủy điện đảm bảo an toàn công trình và hạ du, chỉ đạo các chủ hồ kịp thời cập nhật thông tin vận hành hồ chứa về Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, Sở Công thương.

Sở Giao thông vận tải chỉ đạo triển khai các phương án bảo đảm an toàn giao thông tại các khu vực bị ảnh hưởng của thiên tai; phối hợp với lực lượng công an chủ động chỉ đạo kiểm soát, phân luồng chống ách tắc, bảo đảm an toàn cho hành khách và các phương tiện vận tải; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư phối hợp với các đơn vị quản lý kịp thời khắc phục hậu quả, khôi phục giao thông trên các trục chính qua trên địa bàn tỉnh.

Các đơn vị: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh sẵn sàng lực lượng, phương tiện để tổ chức ứng cứu khi có yêu cầu.

Chủ đầu tư các công trình đang triển khai xây dựng trên địa bàn tỉnh khẩn trương triển khai phương án bảo đảm an toàn đối với công trình, người và máy móc, thiết bị khi có mưa lớn xẩy ra; đặc biệt lưu ý chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn các tuyến đê biển xung yếu hoặc đang thi công dở dang.

Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, dự báo, cảnh báo, cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tin đại chúng và các cơ quan có liên quan để kịp thời thông tin đến người dân và phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó.

Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hà Tĩnh thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến thiên tai; tăng cường thời lượng phát sóng, truyền tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, chủng động phòng, tránh.

Các sở, ngành theo chức năng theo chức năng nhiệm vụ được giao phối hợp với địa phương chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp sẵn sàng ứng phó; duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.

W_z4728434207458_36bdcfe90b58cb317cf343052e2fa0f9.jpg
Nước sông Ngàn Sâu dâng cao.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn Hà Tĩnh, ATNĐ hiện đã suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Nam Lào. Do ATNĐ suy yếu nhanh nên mưa sẽ giảm. Các ngày 27 – 29/9, dự báo vẫn tiếp tục có mưa nhưng mưa giảm nhiều cả về thời gian có mưa và lượng mưa.

Tuy nhiên, mô hình độ ẩm đất cho thấy hầu hết các khu vực kể trên đạt trạng thái gần bão hòa (95%) hoặc bão hòa. Việc tiếp tục có mưa gây nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc, sụt lún đất tại toàn huyện Hương Khê và một số khu vực của huyện Hương Sơn, Vũ Quang, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Đức Thọ.

Người dân hạn chế lưu thông qua các ngầm, cầu tràn, cầu dân sinh, nơi đất dốc, ta luy dương tại các địa phương đã cảnh báo ở trên.

Hoàng Việt