Việt Nam nhận hơn 41 triệu USD đầu tiên từ bán tín chỉ carbon rừng

Kinh tế - Ngày đăng : 07:30, 29/09/2023

10,3 triệu tấn các bon giảm phát thải từ rừng, tương đương với 10,3 triệu tín chỉ các bon đầu tiên của Việt Nam đã nhận được 80% tổng kinh phí, hơn 41 triệu USD.

Ngày 27/9, tại Hà Nội, Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) và Tổ chức tăng cường tài chính lâm nghiệp Emergent - là tổ chức điều phối của Liên minh giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính lâm nghiệp (LEAF) đã phối hợp tổ chức hội thảo chia sẻ thông tin về sáng kiến LEAF.

Theo Cục Lâm nghiệp, hội thảo được tổ chức nhằm chia sẻ thông tin về sáng kiến LEAF cũng như lắng nghe ý kiến phản hồi từ địa phương, cộng đồng dân tộc thiểu số, các tổ chức chính trị xã hội và các bên liên quan trước khi Bộ NN-PTNT và Emergent/LEAF tiến tới đàm phán và ký kết thỏa thuận mua bán tín chỉ carbon.

Cũng tại hội nghị, các bên tham gia công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26) ở Glasgow, Bộ NN-PTNT, Emergent đã ký ý định thư thiết lập hợp tác giữa Việt Nam và LEAF.

tin-chi-carbon-rung.jpg
Nông dân trồng rừng ở Tây nguyên, Nam Trung bộ sẽ có thêm thu nhập từ bán tín chỉ carbon. Ảnh: Quỳnh Hương

Theo đó, Bộ NN-PTNT, Emergent/LEAF đã đồng ý đàm phán, ký kết thực hiện thỏa thuận mua bán giảm phát thải từ rừng Tây Nguyên và Nam Trung bộ. Dự kiến trong giai đoạn 2022 - 2026, Việt Nam sẽ chuyển nhượng cho LEAF/Emergent 5,15 triệu tấn CO2 với giá tối thiểu là 10 USD/tấn (tương đương 51,5 triệu USD, khoảng hơn 1.180 tỉ đồng).

Cũng theo thống kê của Cục Lâm nghiệp, diện tích rừng tham gia chương trình bán tín chỉ carbon ở các khu vực Tây Nguyên và Nam Trung bộ là 4,26 triệu ha, trong đó có 3,24 triệu ha rừng tự nhiên và 1,02 triệu ha rừng trồng.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, cho biết trong thời gian tới khi thỏa thuận mua bán phát thải chính thức được các bên ký kết thì các chủ rừng ở Tây nguyên, Nam Trung bộ sẽ có thêm nguồn thu nhập đáng kể để cải thiện sinh kế. Các địa phương sẽ có thêm nguồn lực để tái đầu tư cho công tác chăm sóc, bảo vệ rừng.

Trong tương lai, nếu mở rộng diện tích rừng tham gia vào thỏa thuận mua bán phát thải của LEAF, Việt Nam sẽ có thêm kênh huy động tài chính hiệu quả, giảm gánh nặng cho nguồn lực ở trong nước đầu tư vào trồng mới, chăm sóc, bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, chương trình này sẽ tạo ra động lực thu hút người dân chủ động, tích cực tham gia vào công tác bảo vệ, phát triển rừng.

Ông Lê Thanh Sơn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận chia sẻ Bình Thuận là một trong 11 tỉnh dự kiến tham gia thực hiện Thỏa thuận ERPA trong khuôn khổ hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh LEAF. Theo đó, tỉnh Bình Thuận rất quan tâm đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh và việc chuẩn bị các hoạt động REDD+ đã được tỉnh triển khai lồng ghép vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng hàng năm.

“Đây là tiền đề để tỉnh Bình Thuận thể hiện khả năng sẵn sàng tham gia các Chương trình liên quan đến việc thị trường các bon khi được các cấp triển khai. Với diện tích rừng tự nhiên tương đối lớn, hơn 296 ngàn ha, việc tham gia mua bán giảm phát thải thông qua tín chỉ các bon sẽ mang lại nguồn kinh phí quan trọng cho tỉnh để tiếp tục đầu tư vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; góp phần nâng cao đời sống và sinh kế cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, các hộ sống trong và ven rừng nói chung; chia sẻ, giảm áp lực kinh phí đầu tư của địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Đóng góp ý kiến tại hội thảo, ông Vũ Đình Cường, Chi Cục trưởng Chi Cục Kiểm Lâm tỉnh Lâm Đồng nêu một số khó khăn khi triển khai thực hiện chương trình giảm phát thải tại Việt Nam. Ông Cường nêu thực tế rằng việc chi trả dịch vụ môi trường rừng dựa vào kết quả trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thành hiện thực do yêu cầu và rào cản nhiều hơn được áp đặt theo cơ chế REDD+.

Bên cạnh đó, tuy có sự hỗ trợ tăng cường năng lực của các tổ chức quốc tế nhưng cơ chế REDD+ vẫn còn liên quan nhiều vấn đề quản trị rừng phức tạp. Nên khả năng đáp ứng tiếp nhận để triển khai của bộ phận quản lý gặp nhiều khó khăn. Việc lồng ghép các nội dung REDD+ và kết nối vào hệ thống chính sách ngành lâm nghiệp cùng với các mục tiêu kinh tế - xã hội khác còn phải tiếp tục nỗ lực tích cực hơn nữa giữa các bên tham gia.

Để hoàn thiện các yếu tố giảm phát thải theo lộ trình, ông Cường đề xuất Bộ, ngành tiếp tục hỗ trợ tỉnh kết nối các chương trình dự án hợp tác quốc tế nhằm huy động sự hỗ trợ các nguồn lực kỹ thuật tài chính để tiếp tục thực hiện.

Sáng kiến LEAF đang triển khai cho cấp vùng tại 11 tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên và vùng Nam Trung bộ. Đề nghị mức phát thải cơ sở và kết quả giảm phát thải được tính sau khi khấu trừ. Khi đó tính toán tổng lượng tín chỉ có thể thương mại theo yêu cầu của TREES2 tại 5 tỉnh Tây Nguyên và 6 tỉnh Nam Trung bộ có thể được thuận lợi.

LEAF là liên minh được 4 chính phủ gồm: Anh, Mỹ, Na Uy và Hàn Quốc tài trợ và có hơn 25 tập đoàn đa quốc gia (trong đó có Amazon, Unilever, PWC) đang là thành viên có cam kết mạnh mẽ về giảm mất rừng. LEAF đang hướng đến xây dựng thị trường mua bán tín chỉ carbon rừng quy mô lớn và chất lượng cao.

Trước đó, năm 2021, Việt Nam đã ký ý định thư với Emergent về việc chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng chất lượng cao cho LEAF.

Hoàng Linh