Nghệ An: Lũ lụt gây thiệt hại nặng nề cho người dân các địa phương trong tỉnh

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 13:00, 29/09/2023

Những ngày qua mưa lũ tại Nghệ An đã khiến nhiều địa phương chịu thiệt hại nặng nề về nhà cửa, cầu cống, đường giao thông bị sạt lở, ngập nước. Ruộng vườn, hoa màu bị ngập, nhiều gia súc, gia cầm bị cuốn trôi...

Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh , tính đến 17 giờ chiều 27/9 mưa lũ tại Nghệ An đã làm 1.600 ngôi nhà bị ngập; 830 nhà bị cô lập; 1.615m đường bị sạt lở; 3 cầu bị hư hỏng; 76 cầu tràn bị ngập; 44 điểm đường giao thông bị sạt lở…Mưa lớn khiến hơn 1.500ha lúa, 3000 ha hoa màu bị thiệt hại, gần 2.400 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi.Trong đó nặng nhất là huyện Quỳ Châu có những nơi nhà bị lũ ngập nước tận nóc. Cụ thể khoảng 3 giờ sáng ngày 27/9, nước lũ từ sông ào vào các khe lạch nhỏ, băng qua đường 48 , chia cắt Quỳ Châu thành từng ô nhỏ, nhấn chìm nhiều hộ gia đình trogn biển nước bùn. Người dân bất lực vì trở tay không kịp

Nước ngập vào nhà dân  tại huyện Quỳ Châu ( Nghệ An ) khiến cuộc sống sinh hoạt gặp muôn vàn khó khăn khó khăn

Ngày 27/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Văn Đệ trực tiếp kiểm tra tình hình lũ lụt tại huyện Quỳ Châu. Tại đây, ông Đệ yêu cầu các cấp chính quyền khẩn trương chỉ đạo lực lượng trên địa bàn phối hợp với các đơn vị liên quan tham gia hỗ trợ người dân di dời tài sản, vật nuôi tránh ngập lụt. Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, đê điều, hồ đập, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra.

Chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn các tuyến hồ, đập và các vị trí xung yếu hoặc đang thi công. Sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu công nghiệp có nguy cơ ngập lụt. Đề nghị cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông, đặc biệt là hệ thống truyền thanh các xã, thị trấn, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn kỹ năng ứng phó với mưa lũ để người dân biết, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại, tuyệt đối không được chủ quan với diễn biến của lũ lụt. 

Đối với các hộ dân sống phía ngoài bãi dọc sông Cả, kiên quyết di dời lên chỗ cao đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, huyện cần hết sức quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn tính mạng và sức khỏe cho lực lượng tham gia ứng phó với thiên tai. Cùng với đó, phải đảm bảo lương thực, thực phẩm nước uống cho Nhân dân vùng lũ đặc biệt là những hộ phải di dời, tuyệt đối không để hộ nào bị đói, rét. Cần tăng cường vệ sinh môi trường sạch sẽ, phòng tránh dịch bệnh phát sinh tại các vùng có mưa lũ đi qua.



Mưa lũ khiến giao thông đi lại về đêm hết sức khó khăn

Lực lượng chức năng địa phương cần thường xuyên theo dõi nắm bắt tình hình  tuyến đường đi qua ngầm, tràn,mực nước lên xuống của các nhánh sông để có giải pháp ứng phó với mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ”. Đặc biệt là tại các điểm sạt lở, ngập sâu cần túc trực 24/24h nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân trong thời gian lũ lụt

           

Kế Hùng