Nhiều giải pháp, đề xuất để báo chí là kênh chủ lực của truyền thông chính sách
Môi trường xã hội - Ngày đăng : 14:53, 29/09/2023
Đây là chủ đề thảo luận của chương trình Diễn đàn Tổng Biên tập 2023: “Truyền thông chính sách- Góc nhìn từ các cơ quan báo chí” được tổ chức ngày hôm nay (29/9) tại Hạ Long, Quảng Ninh.
Tham dự Diễn đàn có các đồng chí: Ông Lê Quốc Minh Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; ông Trần Thanh Lâm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông; ông Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam. Về phía tỉnh Quảng Ninh có đồng chí Cao Tường Huy Quyền Chủ tịch UBND tỉnh. Ngoài ra còn có sự tham gia của đại diện các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí các địa phương.
Phát biểu khai mạc ông Nguyễn Đức Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Trong mục tiêu xây dựng Chính phủ liêm chính, kỷ luật, kỷ cương, quyết liệt, hiệu lực hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, đảm bảo người dân được thụ hưởng tiến bộ và công bằng xã hội mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhấn mạnh. Những năm gần đây công tác truyền thông chính sách ngày càng được chú trọng, trở thành một phần không thể thiếu trong truyền thông Nhà nước nói chung và truyền thông Chính phủ nói riêng.
Tuy nhiên, phải thừa nhận một thực tế cho tới nay công tác truyền thông chính sách vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều địa phương, Bộ, ban ngành vẫn còn xem nhẹ công tác truyền thông chính sách; thiếu kế hoạch, thiếu chủ động, thiếu chuyên nghiệp trong cung cấp thông tin. Hệ quả là thời gian qua đã để xảy ra không ít sự cố, khủng hoảng truyền thông trên một số lĩnh vực, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Nhà nước. Báo chí chính thống dù được xem là lực lượng chủ công, là cánh tay nối dài trong việc hỗ trơ truyền thông chủ trương chính sách, đưa thông tin từ Đảng, Nhà nước và những cơ quan bộ ngành, các địa phương đến với người dân, lắng nghe tiếng nói của người dân, từ đó tác động ngược trở lại với những người làm chính sách, nhưng vẫn đang đứng trước nhiều thách thức, khó khăn lớn về cơ chế, nguồn lực để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của mình.
Chào mừng các đại biểu về tham dự Diễn đàn Tổng Biên tập năm 2023 với chủ đề “Truyền thông chính sách-Góc nhìn từ các cơ quan báo chí”, đồng chí Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh, Quảng Ninh được ví như “một Việt Nam thu nhỏ” với những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh. Phát huy và kế thừa các giá trị truyền thống, trải qua các thời kỳ, các thế hệ quân và dân Quảng Ninh không ngừng đoàn kết, phấn đấu, xây dựng Quảng Ninh trở thành một trong những địa phương dẫn đầu về tốc độ phát triển của cả nước; với hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ từ cao tốc, cảng biển, cảng hàng không thúc đẩy kết nối vùng với khu vực, quốc tế; là cái nôi của những ý tưởng đổi mới, phát triển bền vững với 7 năm liền giữ vững đà tăng trưởng (GRDP) cao, ổn định trên hai con số.
Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. Vị thế và uy tín của Quảng Ninh ngày càng được nâng cao; trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của Vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng toàn diện của khu vực phía Bắc.
Để có được các kết quả đó, ngoài sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương, quyết tâm chính trị của các cấp chính quyền tỉnh Quảng Ninh, sự đồng thuận của nhân dân mà còn nhờ sự vào cuộc tích cực, kịp thời của các cơ quan báo chí, truyền thông trong công tác tuyên truyền, làm nhịp cầu nối giữa “ý Đảng với lòng dân”. Đồng chí Quyền chủ tịch UBND tỉnh mong muốn, các ý kiến tham luận, chia sẻ, kinh nghiệm của các đại biểu tại Diễn đàn sẽ là nguồn tư liệu quan trọng để Quảng Ninh tiếp tục có nhiều giải pháp cụ thể để thực hiện có hiệu quả hơn nữa trong công tác truyền thông chính sách, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Tại Diễn đàn, ông Trương Quốc Huy – Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam chia sẻ: Tỉnh Hà Nam luôn chú trọng đến trong công tác thực hiện truyền thông chính sách, coi việc minh bạch thông tin, thẳng thắn đối thoại là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để bảo đảm việc thực hiện quyền làm chủ của người dân. Trong đời sống hiện nay, báo chí đóng vai trò quan trọng, là công cụ, phương tiện hữu hiệu đưa chính sách đến với cán bộ, nhân dân; kịp thời phản ánh những đề xuất, kiến nghị của người dân với Đảng, Nhà nước về các chính sách, các quy định pháp luật chưa thật phù hợp, về những bất cập, những vướng mắc, bức xúc trong thực tiễn thi hành, chấp hành pháp luật. Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, các thông tin sai lệch về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước được lan truyền với tốc độ nhanh chóng, gây tâm lý hoang mang cho dư luận xã hội. Do vậy, việc minh bạch thông tin, thắng thắn đối thoại chính là chiến lược giúp giảm thiểu rủi ro, tránh gây ra những khủng hoảng truyền thông đáng tiếc. Việc thực hiện hiệu quả truyền thông chính sách sẽ giúp giảm thiểu những điều này. Do đó, cơ quan chức năng cần tháo gỡ những vướng mắc, tạo thêm cơ chế, nguồn lực để báo chí thực hiện truyền thông chính sách được hiệu quả”.
Ông Nguyễn Thành Lợi – Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị cho rằng truyền thông chính sách rất cần các cơ quan báo chí phải thông tin, chính thống kịp thời, chủ động đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thông tin xấu độc, “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu, lấy tích cực, đẩy lùi tiêu cực”, góp phần ổn định xã hội, tâm lý người dân, tăng cường niềm tin vào Đảng, Nhà nước. Bên cạnh công nghệ, phương thức truyền thông mới, góp phần điều tiết, định hướng thông tin dư luận, tạo chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động của người dân trong việc tìm hiểu, chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng…thực hiện tốt chức năng góp ý, phản biện trong xây dựng chính sách, pháp luật. Tuy nhiên, bên cạnh đó, truyền thông chính sách còn thiếu bài bản, vẫn chủ yếu là một chiều, điều tra, khảo sát, đánh giá tác động chưa được quan tâm hoặc còn hình thức. Việc lấy ý kiến đề nghị xây dựng chính sách và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật hiệu quả còn hạn chế. Việc ứng dụng các công cụ, mô hình truyền thông hiện đại chưa được chú trọng, nhất là chưa phát huy hết vai trò của báo chí truyền thông…
Vai trò của báo chí trong quá trình xây dựng, hoàn thiện, thực thi cũng như đánh giá chính sách đã là điều không thể phủ nhận. Nói một cách khác, truyền thông chính sách được gắn chặt với báo chí. Ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ TT& TT từng nhấn mạnh: Một chính sách ban hành phải xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, xa rời thực tiễn thì chính sách sẽ không có đất sống. Để có chính sách phù hợp với thực tiễn và khả thi thì quá trình xây dựng chính sách từ ý tưởng, hình thành chính sách, lấy ý kiến, ban hành chính sách và đánh giá hiệu quả chính sách, rất cần sự vào cuộc của báo chí. Ý kiến của các tầng lớp nhân dân, của các chuyên gia, các nhà khoa học, thông qua diễn đàn báo chí là tiếng nói xây dựng, phản biện, giám sát, có vai trò quan trọng. Trong nhiều trường hợp, tiếng nói của báo chí có vai trò quyết định, khi mà dự thảo chính sách không có sự đồng thuận của đông đảo các tầng lớp nhân dân và xã hội; hoặc khi mà báo chí truyền tải mạnh mẽ sự đồng thuận cao của người dân và xã hội ủng hộ cho chính sách. Qua tiếng nói của báo chí, các cơ quan xây dựng chính sách có được nhiều chiều thông tin hữu ích, cả trong khâu xây dựng, thực thi và hoàn thiện chính sách.
Sức mạnh, vai trò của báo chí trong truyền thông chính sách đã được khẳng định tuy nhiên, cho đến nay, vai trò ấy vẫn chưa thực sự được phát huy và cho dù đã có rất nhiều chính sách về công tác truyền thông chính sách được đưa ra, trong đó mới nhất là Chỉ thị số 07/CT-TTg về tăng cường công tác truyền thông chính sách. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những thách thức đặt ra cho báo chí trong công tác truyền thông chính sách còn khá lớn như việc nhiều cơ quan nhà nước xem báo chí là phương tiện để tuyên truyền, phổ biến chính sách hơn là cơ quan “cầu nối” với công chúng ngay từ khi bắt đầu xây dựng chính sách; Nhiều cơ quan, bộ, ngành, địa phương còn thiếu chủ động trong cung cấp thông tin nguồn cho báo chí; chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc chủ động cung cấp thông tin cho báo chí; Báo chí khi tham gia vào quá trình truyền thông chính sách rất cần sự đầu tư về nguồn lực, nhất là các giải pháp về kinh tế và công nghệ, song cơ chế đặt hàng, định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá hiện hành thấp đang tạo rất nhiều áp lực cho các cơ quan báo chí trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao….
Xóa bỏ những thách thức trên bằng cách nào, còn có những vướng mắc, còn có những sự chưa thấu hiểu thông suốt nào từ các cơ quan chức năng và báo chí trong cơ chế phối hợp thực hiện truyền thông chính sách? - đó là những vấn đế cốt yếu sẽ được các đồng chí lãnh đạo các cơ quan báo chí, đại diện các cơ quan quản lý báo chí, đại diễn lãnh đạo các Sở TT& TT các địa phương thảo luận tại Diễn đàn Tổng Biên tập 2023: “Truyền thông chính sách- Góc nhìn từ các cơ quan báo chí” nằm trong khuôn khổ Gala Báo chí lần thứ 5 năm 2023 do Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì giao báo Nhà báo và Công luận tổ chức, diễn ra chiều nay (29/9) tại Hạ Long, Quảng Ninh.
Với 2 phiên, phiên 1: Báo chí- Cánh tay nối dài của truyền thông chính sách, phiên 2: Cơ chế, nguồn lực để báo chí thực hiện truyền thông chính sách, Diễn đàn Tổng Biên tập 2023: “Truyền thông chính sách- Góc nhìn từ các cơ quan báo chí” đã đưa ra được nhiều giải pháp nhằm tăng cường hơn nữa sự kết nối giữa các cơ quan chức năng và báo chí, để báo chí thực sự là cánh tay nối dài của công tác truyền thông chính sách.