Trung Quốc lập kỷ lục khử mặn nước bằng năng lượng Mặt trời
Nước và cuộc sống - Ngày đăng : 08:30, 30/09/2023
Theo nghiên cứu vừa được công bố trong một bài báo trên Tạp chí Nature cho biết, các nhà khoa học Trung Quốc đã lập kỷ lục khử mặn nước thông qua quá trình bay hơi bằng năng lượng Mặt Trời.
Cụ thể, các nhà khoa học đã sử dụng một loại bột titan kim loại mới có khả năng hấp thụ năng lượng Mặt Trời cao và trộn chất này với các vật liệu khác để tạo ra quá trình bay hơi nước thông qua một thiết bị hình trụ. Thiết bị bay hơi hình trụ này được thiết kế giúp giảm thiểu tổn thất năng lượng hơn so với các thiết bị phẳng, và có thể đạt tốc độ bay hơi 6,09kg/giờ.
Được biết, phương pháp này có khả năng lọc nước kỷ lục mỗi ngày. Nhóm nghiên cứu có thể lọc khoảng 22 lít nước/m2 mỗi ngày - đủ cho 10 người lớn, với hiệu quả cao hơn đáng kể so với các phương pháp khử mặn bằng năng lượng Mặt trời khác.
Ông Yang Bo, tác giả nghiên cứu, Phó Giáo sư tại Đại học Đông Bắc ở tỉnh Liêu Ninh, nói với Science Times rằng, phương pháp mới đã “lập kỷ lục thế giới” về tốc độ bay hơi.
Phương pháp khử muối truyền thống sử dụng quy trình thẩm thấu ngược giúp tách muối ra khỏi nước. Để làm được điều này, nước được đưa qua các màng nhỏ dưới áp suất, giúp tách nước ra khỏi các thành phần khác. Đây là một quá trình tiêu tốn nhiều năng lượng. Theo Bộ Năng lượng Mỹ, khoảng 25 đến 40% chi phí khử muối trong nước sử dụng năng lượng cần thiết để chạy máy bơm nhằm tạo ra áp suất thẩm thấu.
Còn trong phương pháp bay hơi bằng năng lượng Mặt trời mới, thiết bị bay hơi hấp thụ nhiệt, biến nước thành hơi và để lại muối. Hơi di chuyển đến không gian thu gom mát hơn, ngưng tụ thành nước tinh khiết.
Ông Yang cho rằng phương pháp hơi nước này sạch, hiệu quả và không tạo ra bất kỳ lượng khí thải carbon nào vì chỉ dựa vào ánh sáng Mặt Trời thay vì áp suất để khử muối.