Nhiều khó khăn trong công tác quản lý mỏ khoáng sản dừng hoạt động tại Thái Nguyên

Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 07:30, 03/10/2023

Nhiều mỏ khoáng sản tại Thái Nguyên phải dừng hoạt động, chủ mỏ cũng ngừng phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng, công tác quản lý, phòng chống thiên tai, phục hồi môi trường gặp khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Theo Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 91 giấy phép khai thác hết hạn, trong đó có 62 giấy phép đã có quyết định đóng cửa mỏ; 29 giấy phép hết hạn, đang làm thủ tục đóng cửa mỏ, gia hạn giấy phép (trong 29 giấy phép hết hạn có 5 giấy phép đã được UBND tỉnh phê duyệt đề án đóng cửa mỏ). Hợp tác xã Công nghiệp và Vận tải Chiến Công có số mỏ hết hạn giấy phép khai thác lớn nhất với 15 mỏ. Không những vậy, nhiều mỏ giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực nhưng không hoạt động nên hiện trên địa bàn tỉnh có hàng trăm mỏ khai thác khoáng sản đang dừng hoạt động.

Theo khảo sát của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, phần lớn mỏ dừng hoạt động đều ảnh hưởng ít nhiều đến người dân. Không chỉ có nguy cơ sạt lở đất đá, các moong nước sâu vốn là khai trường hoặc đập quặng đuôi còn tiềm ẩn xảy ra tai nạn đuối nước, nhất là với trẻ em.

Thêm vào đó, nhiều mỏ dừng hoạt động vài năm nhưng chưa đóng cửa mỏ theo quy định của pháp luật gây lãng phí nguồn tài nguyên đất đai do hàng nghìn héc-ta đất bị bỏ không, ảnh hưởng đến công tác quy hoạch của địa phương.

mo-khoang-san-dung-hoat-dong(1).jpg
Dù Mỏ sắt Đại Khai, xã Minh Lập (Đồng Hỷ), đang dừng hoạt động, nhưng chủ mỏ là Công ty CP Gang thép Gia Sàng và chính quyền địa phương luôn phối hợp chặt chẽ trong công tác phòng chống thiên tai

Từ thực tế đó, đối với các mỏ giấy phép khai thác khoáng sản hết hạn, Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên đã có văn bản thông báo chấm dứt hiệu lực giấy phép khai thác gửi đơn vị và địa phương nơi mỏ hoạt động. Đồng thời yêu cầu các đơn vị phải có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật hiện hành, quy định tại Khoản 2 Điều 55; Khoản 3 và 4 Điều 58 Luật Khoáng sản năm 2010, trong đó có công tác “đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường và đất đai khi giấy phép khai thác khoáng sản chấm dứt hiệu lực”; đề nghị UBND các huyện, thành chỉ đạo UBND các xã nơi có mỏ tăng cường kiểm tra và thực hiện các biện pháp quản lý chặt chẽ để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn trong khu vực; ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp khai thác trái phép trên địa bàn.

Hoạt động đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường và đất đai phụ thuộc vào chủ mỏ. Vậy nhưng nhiều chủ mỏ không hoặc chưa hợp tác thực hiện công tác này bởi nguồn lực tài chính cạn kiệt, chi phí hoàn thổ, phục hồi môi trường quá lớn.

Nhiều người nhận định: Không loại trừ khả năng chủ mỏ có tư tưởng “qua cầu rút ván”, trốn tránh hoặc cố tình chậm trễ thực hiện các quy định của pháp luật sau khi dừng hoạt động. Mỏ không thể khai thác, không còn nguồn lợi nên chủ mỏ chây ì thực hiện các quy định của pháp luật về đóng cửa mỏ cũng như phục hồi môi trường, đất đai.

Một vấn đề đáng bàn khác là quy định xử phạt đối với hành vi không thực hiện phương án cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định còn thấp, chỉ ở mức 100-250 triệu đồng tùy hành vi (căn cứ Khoản 2 Điều 38 Nghị định 45/2022/NĐ-CP) nên không đủ sức răn đe. Các thủ tục để đủ căn cứ ra quyết định xử phạt hành vi này cũng cần quy trình mất không ít thời gian, nhân lực, vật lực…

Hiện nay, với các mỏ do doanh nghiệp nhà nước quản lý, công tác hoàn thổ, phục hồi môi trường đang được thực hiện đảm bảo quy định pháp luật.

Với các mỏ dừng hoạt động chưa hoàn thổ, Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường và các thông tư, nghị định của Chính phủ và các bộ, ngành quy định rõ: Để giải quyết những hậu quả về môi trường sau khai thác, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng phải ký Quỹ phục hồi môi trường tùy theo mức độ, diện tích và trữ lượng mỏ. Hàng năm, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản phải thực hiện ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường theo quyết định được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Số tiền ký quỹ này tương xứng với khối lượng công việc hoàn thổ, khắc phục hiện trạng. Khi doanh nghiệp khai thác ký quỹ, Nhà nước giữ khoản tiền đó, sau khi khai thác xong, doanh nghiệp lập đề án đóng cửa mỏ, đề xuất phương án cải tạo, phục hồi môi trường để đưa hiện trạng khu vực khai thác về đúng như cam kết mới cho doanh nghiệp được rút khoản tiền đó ra. Trường hợp doanh nghiệp không làm, Nhà nước dùng số tiền ký quỹ đó để thuê đơn vị có khả năng thực hiện.

Đến thời điểm này, với những chủ mỏ chây ì, ký quỹ là phương án khả thi nhất để có kinh phí thực hiện hoàn thổ, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, để thực hiện tốt công tác này rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành. Đối với việc bảo đảm an toàn, chính quyền địa phương cần thường xuyên kiểm tra, rà soát, lắp biển báo, rào chắn tại khu vực nguy hiểm và sớm di dời người dân nếu có nguy cơ bất trắc…

Tuấn Kiệt