Nhiều bất cập trong quản lý, bảo vệ rừng ở Quảng Ngãi

Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 18:30, 04/10/2023

Diện tích rừng rộng, nằm ở vùng sâu, vùng xa, việc phân định ranh giới rừng chưa rõ ràng... là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tranh chấp, xâm lấn đất rừng ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Một thời gian dài, nhiều hộ dân ở thôn Vàng, xã Trà Tây và thôn Quế, xã Trà Bùi, huyện Trà Bồng tranh chấp với nhau hơn 3ha rừng khu vực giáp ranh giữa 2 xã. Điều này khiến mối quan hệ của người dân 2 thôn rạn nứt nhiều năm. Sau nhiều lần được chính quyền các cấp từ thôn đến huyện gặp gỡ, kiên trì vận động, giải thích, người dân thôn Quế đồng thuận trả lại diện tích đất rừng đã lấn chiếm. Đồng thời, trồng cây gỗ lớn tại khu vực giáp ranh, để phân định ranh giới, cũng như gia tăng sự đa dạng cho rừng.

Việc tranh chấp đất rừng giữa người dân xã Trà Bùi và các xã Sơn Thành, Sơn Hạ (Sơn Hà) thời gian qua vẫn còn. Dù chính quyền địa phương đã vận động, giải thích, UBND 2 huyện Trà Bồng và Sơn Hà đã thành lập Tổ công tác phối hợp tuyên truyền gắn với đo đạc thực địa, xác minh phần diện tích xâm canh của người dân các xã. Tuy nhiên, chỉ có ít người dân hợp tác, dẫn đến công tác đo đạc xác minh nguồn gốc, diện tích đất rừng gặp rất nhiều khó khăn.

quan-ly-rung.jpg
Địa hình, vị trí và diện tích rừng lớn là nguyên nhân khiến công tác quản lý rừng tại Quảng Ngãi gặp nhiều khó khăn, bất cập

Tình trạng xâm lấn đất rừng cũng còn xảy ra ở khu vực giáp ranh giữa rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng cộng đồng... với rừng sản xuất của người dân. Rừng cộng đồng ở xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành), với diện tích khoảng 1.012ha được chính quyền và người dân nơi đây quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt. Tuy nhiên, diện tích rừng lớn, lại giáp ranh với rừng sản xuất của người dân ở nhiều địa phương thuộc huyện Mộ Đức, Ba Tơ và TX.Đức Phổ nên công tác bảo vệ gặp nhiều khó khăn; thậm chí xảy ra tình trạng người dân xâm lấn đất rừng để trồng keo.

Phó Chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông Nguyễn Ngọc Sinh cho biết, địa phương rất lo lắng trước tình trạng xâm lấn đất rừng, nhất là các khu vực giáp ranh với rừng sản xuất của người dân trên địa bàn huyện Ba Tơ và TX.Đức Phổ. Do khu vực này xa, phải đi hơn một buổi mới đến khu vực giáp ranh giữa rừng cộng đồng với rừng sản xuất của người dân, trong khi lực lượng bảo vệ ngày càng mỏng, nên rất khó để kiểm soát và ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm lấn đất rừng để trồng keo, hoặc phá rừng để đốt than.

Một trong những nguyên nhân phát sinh và kéo dài việc tranh chấp đất rừng là chính quyền cơ sở còn buông lỏng công tác quản lý. Đơn cử như vụ việc tranh chấp khoảng 40ha đất rừng ở vùng Núi Sang, thôn Diên Trường, xã Phổ Khánh (TX.Đức Phổ) giữa các nhóm hộ ông Nguyễn Thiêm, ở xã Phổ Cường (TX.Đức Phổ); nhóm hộ bà Nguyễn Thị Thừa, ở xã Phổ Khánh; nhóm hộ ở xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn (Bình Định). Vụ việc phát sinh từ năm 2012, các nhóm hộ đều đưa ra những hồ sơ, tài liệu minh chứng cho sự hợp lý trong quá trình khai thác, quản lý và sử dụng diện tích trên.

Theo báo cáo của Phòng TN&MT TX.Đức Phổ, diện tích trên có nguồn gốc là đất đồi, núi trống chưa sử dụng, do UBND xã Phổ Khánh quản lý. Diện tích này chưa được cấp có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất theo quy định. Tuy nhiên, từ năm 2005, các nhóm hộ tự ý xâm lấn, chiếm đất để trồng rừng, nhưng UBND xã Phổ Khánh không xử lý dứt điểm. Từ tháng 6/2012, khi nhóm hộ ở xã Hoài Sơn (Hoài Nhơn) phát sinh tranh chấp đối với các thửa đất số 171, 172, 173, 167, 170, 162, 165, 158, tờ bản đồ số 5 và ngành chức năng đang xác minh, giải quyết thì ngày 15/10/2012, UBND xã Phổ Khánh lại ký xác nhận đất không có tranh chấp. Điều này dẫn đến việc lập hồ sơ công nhận quyền sử dụng đất cho các nhóm hộ trên xảy ra nhiều sai sót. Vụ việc vì thế cũng kéo dài, phức tạp và đến thời điểm này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Tại các huyện miền núi, phần lớn diện tích rừng đã giao cho các hộ, nhóm hộ khoanh nuôi, bảo vệ. Tuy nhiên, chủ rừng quản lý kém hiệu quả dẫn đến tình trạng người dân lấn chiếm, xâm canh để trồng keo. Chủ tịch UBND xã Trà Bùi Hồ Văn Ba cho biết, một số chủ rừng nhận khoanh nuôi, bảo vệ rừng nhưng lại không biết chính xác diện tích, ranh giới rừng mình được giao ở đâu, khu vực nào, mà họ thường căn cứ theo địa hình ngọn đồi kia, con suối nọ. Hơn nữa, những năm gần đây, cây keo có giá, trong khi rừng khoanh nuôi, bảo vệ không mang lại thu nhập nên một số hộ, nhóm hộ không mặn mà giữ rừng. Điều này dẫn đến tình trạng đất rừng bị người dân lấn chiếm, xen canh để trồng keo.

Ngoài ra, nhiều diện tích rừng đã giao cho hộ gia đình và cộng đồng dân cư quản lý từ năm 2015, nhưng đến nay, một số địa phương vẫn chưa đánh giá kết quả cũng như tồn tại, vướng mắc trong bảo vệ rừng và phát triển rừng. Nhất là việc chậm phân bổ kinh phí nhận khoán bảo vệ rừng, chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các loại rừng, nhất là khu vực giáp ranh.

Một bất cập nữa trong công tác quản lý, bảo vệ rừng hiện nay là chưa đánh giá cụ thể trữ lượng rừng hằng năm, để làm cơ sở trong việc đánh giá trách nhiệm cũng như quyền lợi của các chủ rừng và hộ, nhóm hộ liên quan. Như mâu thuẫn giữa người dân thôn Trũng Kè 1, xã Hành Tín Tây (Nghĩa Hành) với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ba Tơ (Ba Tơ) xoay quanh hợp đồng sản xuất, quản lý và bảo vệ rừng. Bí thư Chi bộ thôn Trũng Kè 1 Phạm Bông cho biết, công ty hợp đồng với người dân trong thôn Trũng Kè 1 tổ chức sản xuất, bảo vệ và quản lý 161,5ha. Sau khai thác, trừ các khoản chi phí thì lợi nhuận chưa tương xứng với công sức đã bỏ ra suốt quá trình chăm sóc rừng từ 5-7 năm. Vì không tìm được tiếng nói chung nên phát sinh mâu thuẫn.

Vũ Thành