Chặt phá, lấn chiếm trái phép đất rừng vẫn diễn ra tại Đắk Lắk

Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 10:01, 05/02/2018

(Moitruong.net.vn) – Hiện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk vẫn còn một số công ty, doanh nghiệp được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng, đất lâm nghiệp nhưng buông lỏng quản lý, bảo vệ khiến nhiều diện tích rừng tự nhiên, đất lâm nghiệp bị người dân chặt phá, lấn chiếm trái phép mà chưa có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Ảnh minh họa

Ông Phạm Ngọc Nghị – Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk cho biết tỉnh đã tăng cường nhân lực cho lực lượng kiểm lâm, tăng thêm các trạm kiểm soát tại các địa bàn trọng điểm, nhưng tình trạng rừng, đất rừng vẫn bị chặt phá, lấn chiếm trái phép ngày càng gia tăng.

Chỉ riêng từ đầu năm đến nay, tỉnh đã phát hiện, xử lý trên 147 vụ vi phạm lâm luật. Số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng từ năm 2009 đến nay tăng lên trên 13.300 vụ, lực lượng chức năng đã tịch thu gần 19.500m3 gỗ các loại. Trong đó, chỉ có 137 vụ khởi tố hình sự, với 78 đối tượng, số vụ còn lại là xử lý hành chính.

Tổng diện tích rừng bị phá, lấn chiếm trái phép trên địa bàn từ năm 2009 trở lại đây là trên 26.500ha, trong khi đó các ngành chức năng của tỉnh mới thu hồi được gần 2.000ha để trồng lại rừng.

Tính từ năm 2015 trở lại đây, các doanh nghiệp được tỉnh giao, cho thuê rừng, đất lâm nghiệp đã có gần 10.359 ha rừng tự nhiên bị chặt phá, lấn chiếm trái phép; trong đó, huyện Ea Súp là địa phương để rừng tự nhiên và đất rừng bị chặt phá, lấn chiếm trái phép nhiều nhất với trên 9.358 ha (chiếm trên 90,3%); tiếp đến là huyện Ea H’leo diện tích rừng tự nhiên và đất lâm nghiệp bị chặt phá, lấn chiếm trái phép trên 758 ha… 

Tại huyện Ea H’leo có 8 đơn vị doanh nghiệp tư nhân được nhận khoán, bảo vệ rừng với tổng diện tích rừng tự nhiên gần 2.453 ha. Tuy nhiên, sau khi nhận rừng, các đơn vị đều không thực hiện đúng cam kết ban đầu; buông lỏng quản lý bảo vệ rừng để người dân tự do vào chặt phá rừng trái phép lấy gỗ về làm trụ tiêu, xâm chiếm đất lâm nghiệp làm nương rẫy càng làm cho diện tích rừng tự nhiên ngày càng thêm suy giảm nghiêm trọng. 

Công ty TNHH Kim Huỳnh nhận khoán 750 ha rừng tự nhiên để quản lý, bảo vệ nhưng nay đã có hơn 135 ha rừng, đất rừng bị chặt phá, lấn chiếm trái phép. Công ty TNHH Tân Tiến có 46,5 ha/546 ha rừng tự nhiên bị chặt phá, lấn chiếm trái phép. Công ty TNHH M TV Lâm nghiệp Chư Pả để “lâm tặc” ngang nhiên phá rừng tự nhiên, khai thác trái phép hơn 45 m3 gỗ tròn… 

Nguyên nhân là do các đơn vị chủ rừng, hạt kiểm lâm sở tại, kiểm lâm địa bàn, chính quyền địa phương nơi có diện tích rừng bị xâm hại, bị phá còn buông lỏng quản lý bảo vệ rừng; chủ rừng không thường xuyên kiểm tra diện tích rừng trên địa bàn được giao, được cho thuê. Thậm chí, các doanh nghiệp khi phát hiện sai phạm nhưng không báo cáo, không lập hồ sơ vi phạm, không tổ chức kiểm tra, lập kế hoạch, phương án phối hợp với hạt kiểm lâm, cơ quan chức năng của huyện để xử lý kịp thời. Do đó, diện tích rừng bị phá, lấn chiếm suy giảm diện tích lớn mà vẫn không báo cáo, cập nhật diễn biến rừng, đất lâm nghiệp theo quy định. 

Thanh Lâm (t/h)