Bình Thuận hướng tới phát triển năng lượng tái tạo
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 23:50, 27/02/2018
(Moitruong.net.vn) – Theo Quy hoạch của Chính phủ, Bình Thuận sẽ là Trung tâm năng lượng Quốc gia với các trung tâm nhiệt điện, điện khí và điện tái tạo, phát triển theo xu hướng chung của thế giới, tỉnh Bình Thuận đang ưu tiên, thu hút đầu tư phát triển các dự án điện tái tạo.
Bình Thuận hướng tới phát triển năng lượng tái tạo
Bình Thuận là một trong những tỉnh khô hạn nhất nước, các huyện phía Bắc tỉnh được biết đến là nơi thừa nắng, thừa gió và thiếu mưa. Điều kiện khô hạn là một trở ngại cho việc phát triển ngành nông nghiệp song lại là tiềm năng lớn cho việc phát triển ngành công nghiệp sản xuất năng lượng tái tạo hay còn gọi là năng lượng sạch. Trong bối cảnh các nguồn năng lượng khác đã và đang được khai thác triệt để nhằm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội đất nước thì việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo được Bình Thuận ưu tiên phát triển trong thời gian qua. Là địa phương có cường độ bức xạ cao nhất nước và nguồn gió quanh năm nên thời gian qua đã có rất nhiều nhà đầu tư đến khảo sát, đăng ký đầu tư phát triển các dự án điện gió và điện mặt trời. Đến nay, Bình Thuận đã có 3 dự án điện gió gồm 2 dự án ở huyện Tuy Phong và 1 dự án ở huyện đảo Phú Quý với tổng công suất 60 MW đi vào hoạt động.
“Thời gian qua chúng tôi nhận được sự giúp đỡ từ UBND tỉnh và các sở, ban ngành, địa phương của tỉnh Bình Thuận nên dự án điện gió của chúng tôi đi vào vận hành ổn định. Công ty chúng tôi đang có kế hoạch triển khai mở rộng dự án điện gió Phú Lạc giai đoạn 2, song song với đó chúng tôi sẽ đầu tư thêm 1 dự án điện năng lượng mặt trời và sẽ triển khai ở năm 2018 này” – ông Trần Vĩnh Thông – Trưởng phòng kỹ thuật, Công ty Cổ phần Phong điện Thuận Bình cho biết.
Theo quy hoạch đã được phê duyệt, đến năm 2020, Bình Thuận sẽ phát triển, lắp đặt 700 MW điện gió, tương ứng lượng điện sản xuất ra trong năm vào khoảng 7 tỷ 500 kWh. Tính đến thời điểm này, Bình Thuận có 19 dự án điện gió được chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó có 12 dự án đã cấp chứng nhận đầu tư. Bên cạnh đó, các dự án điện mặt trời với quy mô, công suất lớn được tỉnh Bình Thuận quy hoạch phát triển và đang trình Bộ Công thương phê duyệt. Ở lĩnh vực điện mặt trời đang có nhiều nhà đầu tư đăng ký và được UBND tỉnh Bình Thuận hướng dẫn cho khảo sát. Hiện tại có 12 dự án điện mặt trời ở Bình Thuận được Bộ Công thương phê duyệt, trong đó UBND tỉnh đã cấp chứng nhận đầu tư cho 6 dự án. Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Minh Kính – Giám đốc Sở Công thương Bình Thuận cho biết: “Phát triển năng lượng tái tạo đang là xu hướng phát triển hiện nay vì không gây ô nhiễm môi trường và có thể khai thác tối đa. Nước ta nằm trong vùng phân bổ gió và nắng quanh năm trên bản đồ thế giới nên rất thuận lợi cho việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Chính vì vậy nên UBND tỉnh Bình Thuận tạo mọi điều kiện thuận lợi, đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh theo thẩm quyền phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư trong việc thực hiện dự án, kể cả trong việc nghiên cứu, khảo sát để lập hồ sơ đề nghị bổ sung quy hoạch, cấp chứng nhận đầu tư. Với quyết tâm như thế, trong năm 2018 này, mục tiêu của tỉnh là sẽ có thêm những dự án năng lượng tái tạo khởi công, đi vào hoạt động”.
Các dự án: điện khí Sơn Mỹ (xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân), Trung tâm điện lực Vĩnh Tân (gồm 5 nhà máy nhiệt điện than với tổng công suất 6.224 MW), dự án phong điện ở huyện Tuy Phong, phong điện Phú Quý,… dần đi vào hoạt động là điểm nhấn trong phát triển ngành công nghiệp năng lượng của tỉnh Bình Thuận. Những cột điện gió cao sừng sững, những tấm pin năng lượng mặt trời đang được các nhà đầu tư lắp đặt ngày càng nhiều hơn, bộ mặt vùng đất khô hạn đầy nắng và gió của Bình Thuận ngày nào giờ đã thay đổi và hứa hẹn sẽ vươn tầm hơn nữa trong tương lai.
Theo BTO