Tăng cường đối thoại và trao đổi sáng kiến về bảo tồn đa dạng sinh học
Đa dạng sinh học - Ngày đăng : 19:30, 06/10/2023
Từ ngày 4 đến 6/10 tại Hà Nội, Mạng lưới đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái (BES-Net) tổ chức Hội nghị Đối thoại 3 bên, quy tụ đại biểu từ 9 quốc gia tham gia, gồm: Cameroon, Colombia, Ethiopia, Kazakhstan, Kenya, Nigeria, Trinidad, Tobago và Việt Nam.
Đối thoại 3 bên trong khuôn khổ sáng kiến BES-Net, là sự trao đổi 3 chiều giữa các nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học và các nhà thực hành, bao gồm đại diện các cộng đồng địa phương, nhằm phát hiện và xây dựng các ưu tiên về chính sách quan trọng ở cấp quốc gia và khu vực. Phương pháp đối thoại 3 bên này độc đáo ở chỗ nhằm mục tiêu thu hút sự tham gia của cộng đồng các nhà thực hành một cách có chủ đích, bao gồm thành viên của các tổ chức phi chính phủ, tổ chức cộng đồng, khu vực tư nhân, đoàn thể và các nhóm cộng đồng bản địa. Những nhóm này vốn ít tham gia vào việc xây dựng chính sách nhưng lại là tác nhân thay đổi ở địa phương khi thực hiện giải pháp từ dưới lên trong các vấn đề về bảo tồn thiên nhiên.
Tại Việt Nam, trong khuôn khổ dự án BES-Net, UNDP và Bộ TN&MT đã thực hiện nghiên cứu cơ sở về chi trả dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước và biển tại Việt Nam và dự kiến triển khai việc xây dựng Đề án chi trả dịch vụ hệ sinh thái cho Vườn quốc gia Tràm Chim để giúp thúc đẩy việc thực hiện cơ chế về chi trả dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ.
Ngoài ra, Quỹ giải pháp BES còn giúp thử nghiệm các kỹ thuật phục hồi đất thân thiện với côn trùng thụ phấn ở Kazakhstan; nâng cao năng lực về kỹ thuật chụp ảnh macro, quản lý ong không đốt, thụ phấn cho dơi và thiết kế vườn thụ phấn ở Trinidad và Tobago và các hoạt động phục hồi đất đai và quản lý đất bền vững có mục tiêu khác ở Cameroon, Kenya và Malawi.
Theo ông Đào Xuân Lai, Trưởng ban Biến đổi khí hậu và Môi trường - UNDP Việt Nam: Trong thời điểm hiện nay, đa dạng sinh học của thế giới đang bị suy giảm với tốc độ chưa từng thấy. Nguyên nhân chủ yếu là từ hoạt động phát triển không bền vững, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.
Những sáng kiến như BES-Net đã ra đời vào đúng thời điểm thế giới có nhu cầu cấp thiết phải đạt được các cam kết đầy tham vọng của Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh – Montreal 2022 (GBF). Chỉ còn 7 năm nữa là đến năm 2030 – thời điểm thế giới để phải đạt được những kết quả rõ ràng về ngăn chặn tình trạng mất đa dạng sinh học, đồng thời, chống lại tác động của biến đổi khí hậu. Các yêu cầu về cải thiện khung thể chế cho bảo tồn, tăng cường dòng tài chính đa dạng sinh học, cũng như tăng cường năng lực cho chính phủ, cộng đồng, người dân trong quản lý bền vững đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái vẫn tiếp tục là các mục tiêu ưu tiên của thế giới và Việt Nam.
BES-Net nhắm mục tiêu cụ thể về tăng cường năng lực cho các bên liên quan thông qua cơ chế Đối thoại 3 bên, từ đó, xây dựng chính sách và huy động dòng tài chính cho đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, chúng ta thường gặp khó khăn trong việc biến các chiến lược ở cấp vĩ mô thành các giải pháp khả thi tại địa phương. Chính vì vậy, Quỹ giải pháp BES trong khuôn khổ sáng kiến BES-Net thúc đẩy các hành động thực tiễn khả thi dựa trên kiến thức khoa học, bản địa và địa phương về thiên nhiên.
Ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam cho biết: "Các quốc gia tham gia BES-Net cùng chia sẻ về những thành công và kinh nghiệm của mình, để cùng nhau thảo luận về tương lai. UNDP rất tự hào khi không chỉ thúc đẩy các giải pháp liên quan đến đa dạng sinh học mà còn giúp tăng cường đối thoại giữa các bên có thể cùng nhau tạo ra thay đổi".
Hội nghị Đối thoại 3 bên trong khuôn khổ sáng kiến BES-Net là một sự kiện mang tính đột phá, giúp mang lại những hiểu biết sâu sắc, có ý nghĩa, thúc đẩy hợp tác và đưa các quốc gia tham gia tiến gần hơn tới việc xây dựng các chiến lược mang tính thực tiễn nhằm giải quyết những vấn đề bức thiết trong việc duy trì tính bền vững của đa dạng sinh học và hệ sinh thái.
Hội nghị Đối thoại 3 bên lần này cũng mong muốn kết nối cộng đồng các nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học và các bên thực hành để cùng đánh giá các nỗ lực của 9 quốc gia, trao đổi về các thách thức và cơ hội, đồng thời cùng nhau vạch ra các lộ trình hợp tác, cũng như nhân rộng các sáng kiến. Sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên tất cả các quốc gia được hưởng lợi từ Quỹ giải pháp BES họp mặt trực tiếp.
Các đại biểu tham gia hội nghị đã trao đổi về việc triển khai Khung đa dạng sinh học toàn cầu Kunming-Montreal dựa trên tình hình thực tiễn mới nhất ở cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu, bao gồm việc xem xét các kết quả nghiên cứu được công bố mới nhất từ Diễn đàn Chính sách-khoa học liên chính phủ về đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái (IPBES) và các chiến lược nhằm tăng cường sự tham gia hiệu quả của các bên liên quan.
Tại hội nghị này các nước cùng nhau chia sẻ về các tác động, thách thức, cơ hội và bài học kinh nghiệm của các sáng kiến được Quỹ giải pháp BES hỗ trợ. Những kinh nghiệm thực tiễn này sẽ giúp định hướng cho các chính sách, nghiên cứu và giải pháp hiệu quả trong tương lai; giúp thúc đẩy việc hợp tác và củng cố cam kết toàn cầu về bảo tồn đa dạng sinh học; tập trung vào việc liên kết các đóng góp từ cộng đồng các nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học và các bên thực hành nhằm bảo tồn đa dạng sinh học và cải thiện sức chống chịu của các hệ sinh thái.
Việc chọn Việt Nam làm địa điểm tổ chức hội nghị là minh chứng cho thấy sự công nhận những nỗ lực mà Việt Nam đã và đang thực hiện nhằm bảo tồn đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái quan trọng của mình.
Việt Nam được biết đến về tính đa dạng sinh học độc đáo và giá trị vào loại bậc nhất trên thế giới, là quốc gia có các hệ sinh thái đa dạng từ rừng nhiệt đới, núi đá vôi, hệ sinh thái biển và ven biển, với hơn 100 loài chim và 10% số loài thực vật là các loài đặc hữu tại đây.
Từ 2017 đến 2022, với sự hỗ trợ của BES-Net, Việt Nam đã thực hiện việc xây dựng Báo cáo đánh giá hệ sinh thái quốc gia (NEA). Báo cáo do Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ TN&MT) thực hiện.
Chia sẻ về cách thức triển khai DVHST tại Việt Nam và tác động đến bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái, ông Đào Xuân Lai cho biết: Một ví dụ về chi trả dịch vụ hệ sinh thái là dịch vụ môi trường rừng. Tính riêng giai đoạn 2011 – 2020, nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng trên cả nước đã đạt gần 729 triệu USD. Số tiền này dùng để chi trả cho 250.000 hộ gia đình và 10.000 cộng đồng trực tiếp tham gia công tác bảo vệ các hệ sinh thái rừng. Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi của Việt Nam năm 2020 đã thiết lập cơ sở pháp lý cho các chính sách về chi trả dịch vụ hệ sinh thái biển và đất ngập nước, tạo cơ sở cho các hỗ trợ để hiện thực hóa chính sách này ở cấp địa phương và cấp cơ sở.
Trong những năm qua, mặc dù chính phủ đã và đang dành nhiều nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường nói chung và bảo tồn đa dạng sinh học nói riêng, nhưng các khoản trợ cấp của chính phủ vẫn còn quá nhỏ so với nhu cầu. Ngân sách nhà nước gần như mới chỉ giúp chi trả các chi phí thường xuyên cho việc vận hành bộ máy nhà nước về bảo tồn đa dạng sinh học, từ cấp trung ương tới địa phương, các vườn quốc gia, khu bảo tồn... và còn thiếu các nguồn lực đầu tư đáng kể.
Vì vậy, cơ chế chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên, cụ thể là cho hệ sinh thái đất ngập nước và biển theo Luật Bảo vệ môi trường, nếu được áp dụng một cách hiệu quả và bền vững sẽ giúp huy động được nguồn lực tài chính bổ sung từ những tổ chức, cá nhân trực tiếp hưởng lợi từ các dịch vụ hệ sinh thái, trong khi đảm bảo nguồn lực này được quay lại trực tiếp cho các tổ chức, cộng đồng và cá nhân tham gia vào công tác bảo vệ và duy trì các dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên tại cấp cơ sở. Đây là điểm khác biệt của cơ chế chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên so với các quy định về thuế, phí đã có.
Ngoài ra, việc xác định được giá trị của các dịch vụ hệ sinh thái thông qua cơ chế này còn giúp thúc đẩy việc hạch toán các giá trị này vào các hoạt động kinh tế-xã hội, để giúp nhận thức đúng hơn về giá trị thực của các tài nguyên thiên nhiên, giúp hạn chế các quyết định về đầu tư mang tính chất đánh đổi thiên nhiên lấy lợi ích kinh tế trước mắt đơn thuần.
Do đó, UNDP và Bộ TN&MT đã triển khai Dự án BES-Net để xây dựng Tài liệu kỹ thuật hướng dẫn xây dựng Đề án chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên cấp tỉnh và cấp cơ sở; góp phần thúc đẩy việc triển khai chi trả dịch vụ hệ sinh thái biển và đất ngập nước trên toàn quốc trong tương lai.