Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 – Mốc son lịch sử hào hùng
Môi trường xã hội - Ngày đăng : 07:30, 10/10/2023
Con đường thắng lợi
Kể từ “Chiếu dời đô” của Vua Lý Thái Tổ năm 1010 đến nay, Thăng Long – Hà Nội đã trải qua và chứng kiến nhiều thăng trầm lịch sử. Quân, dân Hà Nội, thế hệ sau tiếp bước thế hệ trước kiên cường tranh đấu, bền bỉ lao động, sáng tạo nền văn hiến rực rỡ, lập nhiều chiến công hiển hách lưu danh muôn đời. Trong tiến trình lịch sử phát triển Thủ đô Hà Nội, ngày 10/10/1954 là một mốc son lịch sử, đánh dấu thất bại hoàn toàn của thực dân Pháp ở Việt Nam, mở ra thời kỳ phát triển mới của Thủ đô và đất nước.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nhân dân Thủ đô
Hà Nội và cả nước không có ước nguyện nào hơn là được sống trong
không khí hòa bình để xây dựng, phát triển. Nhưng thực dân Pháp dưới sự ủng hộ của đế quốc Mỹ, đã dã tâm cướp nước ta một lần nữa, gây hấn ở Nam Bộ (23/9/1945) và phát động chiến tranh ra cả nước.
Ngày 19/12/1946, hưởng ứng Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, quân, dân Hà Nội đã cùng với nhân dân cả nước nhất tề đứng lên đánh giặc cứu nước. Với cuộc chiến đấu 60 ngày đêm vô cùng oanh liệt, Hà Nội đã mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc, kìm chân và tiêu hao sinh lực địch, tạo điều kiện để cơ quan đầu não và các lực lượng kháng chiến của ta tạm rút khỏi Hà Nội an toàn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do Trung ương giao.
Sau 9 năm chiến đấu ngoan cường, thông minh, gan dạ, đầy sáng tạo của quân và dân ta, đặc biệt là sau thất bại trong trận quyết chiến chiến lược tại Điện Biên Phủ năm 1954, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơnevơ (20/7/1954) công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia; chấp nhận rút quân khỏi miền Bắc Việt Nam.
Theo Hiệp định Giơnevơ, Hà Nội nằm trong khu vực tập kết 80
ngày của địch. Biết trước âm mưu của Pháp lợi dụng thời gian này để phá hoại các cơ sở kinh tế, văn hóa của ta, lôi kéo người di cư vào Nam, làm cho Hà Nội trở thành trống rỗng, mọi công việc bị đình trệ. Chúng ta đã chủ động có kế hoạch đề phòng, đấu tranh, đồng thời chuẩn bị lực lượng về mọi mặt để tiếp quản Thủ đô một cách trọn vẹn. Trong thời điểm lịch sử bước ngoặt quan trọng này, Bác Hồ đã có nhiều cuộc họp với Trung ương và Hội đồng Chính phủ để giải quyết nhiều nhiệm vụ chính trị, quân sự, ngoại giao, an ninh, kinh tế, văn hóa, xã hội, nội vụ và tổ chức cán bộ…, đồng thời, tổ chức tiếp quản, giải phóng Thủ đô Hà Nội theo đúng Hiệp định Giơnevơ, nhanh chóng và có hiệu lực.
Công tác tổ chức, bố trí cán bộ cách mạng trên cả nước được đặt ra và phải giải quyết kịp thời. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao nhiệm vụ cho các thành viên Chính phủ khẩn trương chuẩn bị các cơ quan Trung ương từ Việt Bắc chuyển về làm việc ở Thủ đô khi công tác tiếp quản Thủ đô đã hoàn tất. Người cũng yêu cầu ngành truyền thông, báo chí, xuất bản, giới văn nghệ sĩ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, động viên các đoàn thể, các ngành, các giới thi đua gấp rút hoàn thành nhiệm vụ tiếp quản, giải phóng Thủ đô và chuyển các cơ quan, nhà máy, trường học, kho tàng... về Thủ đô Hà Nội.
Vang mãi bản hùng ca
Đầu tháng 10/1954, từ Việt Bắc về Thủ đô Hà Nội, vượt sông Hồng,
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Văn phòng Chính phủ đã sang thị xã Sơn Tây. Người ở và làm việc tại thôn Phù Sa, xã Viên Sơn, để kịp thời theo dõi tình hình và chỉ đạo mọi hoạt động cho ngày Thủ đô được giải phóng, để trong thời gian ít nhất, có thể xuôi theo đường quốc lộ 32, về Phúc Thọ, Đan Phượng, Hoài Đức, Từ Liêm, Cầu Giấy vào nội thành Hà Nội nhanh nhất. Người đã viết và chuẩn bị nhiều bài viết cho ngày Thủ đô giải phóng. Như các bài "Lời kêu gọi nhân ngày Thủ đô giải phóng", "Giữ gìn trật tự an ninh", "Ổn định sinh hoạt"... với bút danh CB, đăng báo Nhân Dân số 237, ngày 10/10/1954, số 238, ngày 13/10/1954... và những ý tưởng để động viên tới từng giới, từng ngành, từng lứa tuổi, công chức, giáo viên, học sinh, thanh niên, công nhân, bác sĩ, bộ đội, công an, giới tu hành của các tôn giáo... đoàn kết mọi nguồn lực để tái thiết, xây dựng, bảo vệ Thủ đô sau ngày giải phóng.
Trong khi đó, tại Thủ đô Hà Nội, mọi lực lượng chính trị, quân sự, an ninh, các giới khẩn trương theo dõi tình hình rút lui, chuyển quân của giặc Pháp và quân đội, chính quyền ngụy, không cho chúng phá hoại các công sở, nhà máy, di tích lịch sử văn hoá... Thành uỷ phân công cán bộ cùng toàn thể nhân dân chuẩn bị cờ, ảnh Bác Hồ, hoa, đón chào Đoàn quân của Bộ đội Cụ Hồ về tiếp quản, giải phóng Thủ đô, lễ mít tinh chào mừng ngày Thủ đô giải phóng.
Sáng 08/10/1954, các đơn vị quân đội chia làm nhiều hướng tiến vào ngoại thành Hà Nội, bao bọc nội thành các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, theo đường đê La Thành và ven sông Hồng, Hồ Tây. 6 giờ sáng 09/10/1954, quân đội ta tiến vào các cửa ô rồi toả đi tiếp quản nhà ga, Phủ Toàn quyền, khu Đồn Thuỷ, khu Bờ Hồ, Phủ Thống sứ.
16 giờ, quân đội Liên hiệp Pháp rời khỏi thành phố, qua cầu Long Biên sang Gia Lâm, để rời Hà Nội từ sân bay Gia Lâm, hay theo đường bộ ra cảng Hải Phòng, di chuyển theo đường biển vào phía
Nam vĩ tuyến 17.
8 giờ sáng ngày 10/10/1954 bắt đầu một cuộc diễu binh lực lượng của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô thuộc Đại đoàn 308 đi trên các đường trung tâm của nội thành, rồi tiến vào cửa Đông Thành Hà Nội, thuộc quận Hoàn Kiếm và Ba Đình. 8 giờ 45 phút, cánh quân phía Nam diễu binh ở khu vực quận Hai Bà Trưng rồi chiếm lĩnh toàn bộ khu vực Đồn Thuỷ và nhà Đấu Xảo. Trên các ngả đường đoàn quân diễu binh đi qua, nhân dân Hà Nội dâng hoa, cờ, ảnh Bác Hồ, hát ca và hô khẩu hiệu mừng Đoàn quân giải phóng, mừng Bác Hồ, Trung ương, Chính phủ... trở về Thủ đô, mừng Thủ đô sạch bóng quân thù.
Đúng 15 giờ ngày 10/10/1954, còi Nhà hát Lớn nổi một hồi dài.
Hàng chục vạn nhân dân Thủ đô và các đơn vị quân đội trang nghiêm dự lễ chào cờ Tổ quốc bay trên cột Cờ Hà Nội, tại sân vận động Cột Cờ (chỗ đường Điện Biên Phủ, Trần Phú, Chu Văn An, Lê Hồng Phong ngày nay). Trong buổi lễ chào cờ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội - Thiếu tướng Vương Thừa Vũ trân trọng đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng. Cả Hà Nội rạo rực niềm vui giải phóng, tự hào về sức mạnh hùng hậu kháng chiến, vô cùng biết ơn Đảng và Bác Hồ kính yêu.
Hà Nội được giải phóng không chỉ là niềm vui mừng của người dân Thủ đô mà còn là một sự kiện lịch sử, một ngày hội lớn của nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài. Nhân dân các tỉnh, thành phố trong cả nước đều họp mít tinh, liên hoan chào mừng Thủ đô giải phóng. Bạn bè quốc tế, nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới cùng chia vui, đưa tin và giới thiệu về chiến thắng vang dội của chúng ta.