Tự hào truyền thống 71 năm ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam
Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 11:30, 10/10/2023
Ngày 10/10/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 122/SL thành lập Nhà in quốc gia. Đây là lần đầu tiên ngành xuất bản có một cơ quan vừa là doanh nghiệp quốc gia vừa là cơ quan quản lý nhà nước thống nhất trên cả ba khâu: xuất bản, in và phát hành trong phạm vi cả nước. Đây là mốc đánh dấu ngành xuất bản cách mạng nước ta bắt đầu tạo dựng được nền móng của mình. Ngày 10/10/1952 được lấy làm ngày truyền thống của ngành Xuất bản, In, Phát hành Việt Nam. 71 năm qua, ngành không ngừng lớn mạnh, phát triển theo hướng tinh gọn, chất lượng và hiện đại hoá.
Ngay từ khi mới thành lập, công tác xuất bản, in và phát hành sách đã trở thành vũ khí sắc bén của chính quyền cách mạng, góp phần tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, kịp thời đấu tranh chống các luận điệu phản động của đế quốc và tay sai. Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, ngành Xuất bản, In và Phát hành sách đã có nhiều cải tiến trong hoạt động, góp phần thúc đẩy quá trình đổi mới tư duy trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Trong giai đoạn năm 1952 - 1975, xuất bản trở thành một sức mạnh, một vũ khí tinh thần sắc bén góp phần trực tiếp cho thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, hy sinh và gian khổ, xuất bản tiếp tục phát triển cả về số lượng (các nhà xuất bản, tổng số xuất bản phẩm…) và về chất lượng, giá trị sách.
Nhờ đó, sách có mặt ở mọi nơi, từ các thư viện tỉnh, huyện, các ki-ốt, bưu điện, nhà văn hóa, hợp tác xã và trong ba lô ra chiến trường của bộ đội, thanh niên xung phong và xuất hiện trên mọi mặt trận chiến đấu, sản xuất, xây dựng...
Phong trào “đọc và làm theo sách”, “đọc sách có hướng dẫn”, đọc “sách người tốt, việc tốt”... lan tỏa rộng lớn trong mọi tầng lớp nhân dân, hình thành nên những giá trị tri thức, văn hóa mới của nền văn hóa xã hội chủ nghĩa.
Ngay sau ngày giải phóng (30/4/1975), miền Bắc đã chuyển hàng trăm triệu bản sách vào miền Nam phục vụ cho công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng tư tưởng, tình cảm mới - xã hội chủ nghĩa.
Trong bối cảnh đất nước có một số biến động như khủng hoảng kinh tế - xã hội, chiến tranh ở biên giới Tây Nam và chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc tác động sâu sắc mọi mặt đời sống xã hội…, với tư cách là vũ khí tư tưởng - văn hóa sắc bén, xuất bản đã nỗ lực vượt khó khăn, giữ vai trò tích cực, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân, ổn định chính trị - tư tưởng.
Tuy nhiên, trong giai đoạn 1986 - 1991, các nhà xuất bản chuyển từ cơ chế bao cấp toàn bộ sang cơ chế hạch toán kinh doanh, xóa bỏ bao cấp, phải tự lo nhiều mặt, hầu hết các nhà xuất bản đều thiếu vốn, lúng túng, trong khi đó, công tác chỉ đạo, quản lý không theo kịp tình hình mới, có lúc buông lỏng, thả nổi. Nhiều nhà xuất bản ra đời, chỉ hoạt động vài năm phải giải thể, đặc biệt là các nhà xuất bản địa phương. Khuynh hướng “thương mại hóa” xuất hiện.
Để khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác báo chí, xuất bản, ngày 31/3/1992, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 08-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo và quản lý nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác báo chí, xuất bản với những chỉ đạo mới, kiên quyết tổ chức, lập lại kỷ cương, trật tự trong hoạt động xuất bản, tạo điều kiện cho bước phát triển mới trong những năm sau.
Tiếp đó, một loạt văn bản chỉ đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước được ban hành đã kịp thời định hướng, quản lý, hướng dẫn hoạt động xuất bản, đặc biệt là Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản.
Sau khi Chỉ thị 42-CT/TW được ban hành, hoạt động xuất bản đã có nhiều chuyển biến tích cực, hệ thống tổ chức các nhà xuất bản được giữ vững, ổn định; năng lực, trình độ của một số nhà xuất bản được tăng cường; lực lượng lao động có bước phát triển mới cả về số lượng và chất lượng; lĩnh vực in và phát hành xuất bản phẩm phát triển nhanh về quy mô và số lượng, năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm được nâng cao, phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước, đáp ứng tốt nhu cầu đọc của nhân dân.
Tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt, ngành luôn giữ vững định hướng chính trị, tư tưởng, bảo đảm hài hòa giữa nhiệm vụ chính trị và phát triển mạnh mẽ văn hóa đọc; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác xuất bản, in và phát hành sách có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, chuyên môn, nghiệp vụ giỏi, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Theo số liệu của Cục Xuất bản, In và Phát hành - Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến cuối năm 2022, cả nước có 57 nhà xuất bản, trực thuộc 54 cơ quan chủ quản, trong đó có 15 nhà xuất bản hoạt động theo mô hình doanh nghiệp và 42 đơn vị sự nghiệp công lập; có 2.050 cơ sở phát hành sách; trên 450 triệu bản sách/năm, đưa mức bình quân sách/đầu người đạt 6 bản sách/năm. Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh về số lượng nhà sách, công ty phát hành sách trên phạm vi toàn quốc, đáp ứng ngày càng tốt hơn văn hóa đọc đa dạng, phong phú và lành mạnh của mọi tầng lớp nhân dân.
Trong thời đại 4.0, ngành Xuất bản, In và Phát hành sách phải triển khai hiệu quả việc chuyển đổi số, tiếp tục phát triển và thích ứng với số hóa, góp phần thực hiện thắng lợi 1 trong 3 đột phá chiến lược phát triển đất nước mà Đại hội XIII của Đảng nêu ra là: “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao...; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Các cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực xuất bản, in, phát hành sách đã thể hiện rõ vai trò trong việc quản lý, điều hành, chỉ đạo hoạt động xuất bản, in và phát hành phát triển đúng định hướng. Cơ quan quản lý nhà nước đã tham mưu, đề xuất với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xây dựng, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn thi hành, tạo hành lang pháp lý đồng bộ cho hoạt động xuất bản, in, phát hành phát triển toàn diện.